Đúng 7h sáng 22/5, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 chính thức bắt đầu.
Theo thông tin từ Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tổng số 69.265.810 cử tri cả nước sẽ đi bầu cử để lựa chọn ra 500 đại biểu Quốc hội, 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; 294.055 đại biểu HĐND cấp xã của nhiệm kỳ 2016-2021.
Để chuẩn bị cho bầu cử, trên phạm vi cả nước đã thành lập 63 Ủy ban bầu cử cấp tỉnh; 712 Ủy ban bầu cử cấp huyện; 11.162 Ủy ban bầu cử cấp xã; 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và 91.476 Tổ bầu cử.
Tại 184 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ lựa chọn bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV trong tổng số 870 người ứng cử. Trong đó, 197 người ứng cử ở Trung ương, 662 người ứng cử ở địa phương và 11 người tự ứng cử.
Tại 1.096 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; tại 6.721 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; tại 79.888 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 294.055 đại biểu HĐND cấp xã.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp - Ảnh: PLVN
Tại Hà Nội, hơn 5 triệu cử tri ở 4.873 khu vực bầu cử sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn ra 30 đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại điểm bầu cử ở số 58 Nguyễn Du (Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong 3 cử tri đầu tiên bỏ phiếu bầu. Tổng Bí thư cũng là ứng viên đại biểu Quốc hội của TP. Hà Nội.
Chia sẻ sau khi thực hiện quyền công dân của mình, Tổng Bí thư mong muốn các cử tri phát huy tinh thần trách nhiệm của công dân, đi bầu cử một cách đông đủ, chọn người xứng đáng, hết lòng vì nước, vì dân; tuyệt đối trung thành với tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 8, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Tại điểm bầu cử số 8 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), đúng 6h45, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân có mặt. Sau nghi thức chào cờ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, giành được nhiều thành tựu... Chủ tịch nước đề nghị cử tri cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, lựa chọn những người đủ đức đủ tài để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.
“Tôi cũng mong cử tri đi bầu cử đầy đủ, góp phần vào sự thành công chung của cuộc bầu cử. Các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân”, Chủ tịch nước nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia bỏ phiếu tại Hải Phòng - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại khu vực bỏ phiếu số 8, khu phố Đông Thái, thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người bỏ lá phiếu đầu tiên vào hòm phiếu.
Trao đổi với báo chí sau khi bỏ phiếu, Thủ tướng cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý lớn nhất của quyền làm chủ của nhân dân. Không khí bỏ phiếu đã thể hiện sự dân chủ, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của công dân.
“Tôi mong rằng các cấp, các ngành làm hết sức mình để cuộc bầu cử thành công, để đây thực sự là ngày hội của nhân dân, để lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào cơ quan nhà nước do dân, vì dân, phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói, đồng thời bày tỏ tin tưởng cuộc bầu cử lần này sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện quyền công dân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân bỏ phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình (Hà Nội).
Tại quận Hà Đông (Hà Nội), từ nhiều ngày nay, lực lượng cán bộ hưu trí tham gia công tác chuẩn bị bầu cử rất nhiệt tình và trách nhiệm, thực hiện vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, tập huấn cho công tác bầu cử. Sáng nay, cùng với lực lượng an ninh, các cán bộ hưu trí cũng là những người có mặt sớm nhất để chuẩn bị, làm công tác khai mạc và tiến hành chào cờ, hướng dẫn các cử tri... trước khi chính thức tiến hành bầu cử.
Cử tri Hà Vinh Quang, tầng 21, CT6A Tổ hợp Chung cư Thương mại Bemes, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông cho biết: “Thông qua lá phiếu tôi đã thực hiện quyền công dân của mình trong việc phát huy trách nhiệm bầu ra các đại biểu có đức, có tài để đại diện cho quyền và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời tôi cũng ghi nhớ những ứng viên đã bầu để sau này còn giám sát hoạt động của đại biểu nếu họ trúng cử”.
Đúng 7 giờ sáng nay, 3.211 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn TPHCM đã đồng loạt khai mạc đón hơn 5,2 triệu cử tri đế bầu cử.
Tại điểm bầu cử số 51 (phường 7, Quận 3, TPHCM), Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng là một trong những người đầu tiên bỏ phiếu bầu. Ông Thăng đồng thời là ứng viên đại biểu Quốc hội của TPHCM.
Cử tri là nữ tu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại khu vực bầu cử số 2, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Ảnh VGP/Hồng Hạnh.
Tại khu vực bỏ phiếu số 2, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã bỏ lá phiếu đầu tiên. Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, trong ngày 21/5, tổng đài dịch vụ công 1022 của TP đã gửi 20.000 tin nhắn đến các thuê bao để kêu gọi người dân tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đúng thời gian, địa điểm.
Hơn 4 triệu cử tri các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã nô nức đi bỏ phiếu, bầu chọn những người có đủ tài, đức vào Quốc hội khoá XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đến hơn 8h, trên 48% cử tri của các tỉnh Tây Nguyên đã đi bỏ phiếu.
Sau 2 giờ bỏ phiếu, đến 9h, cử tri làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã đi bầu cử đạt gần 100%. Ông Thao Lợi, dân tộc Bờ Râu, trưởng làng Đắk Mế, xã Bờ Y kỳ vọng: "Mong muốn của mình là bà con dân tộc trong thôn giảm nghèo, có đất sản suất, nước sinh hoạt, được vay vốn ngân hàng. Con em đồng bào dân tộc được học hành, người dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước...".
Tại Mường Khương cho biết mặc dù sáng nay trời mưa rất to nhưng đến 7h30 tại 9 điểm bỏ phiếu của xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai), nơi có trên 80% là đồng bào dân tộc Mông đã có 99% cử tri đi bỏ phiếu.
Tại BV Bạch Mai (Hà Nội), đúng 7h sáng 22/5, công tác chuẩn bị cho việc bỏ phiếu đã hoàn tất. UBND phường Phương Mai đã tổ chức đưa hòm phiếu di động đến Bệnh viện để tổ chức cho các bệnh nhân được bỏ phiếu tại giường bệnh.
TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai thông tin, do đặc thù của BV có những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không thể di chuyển được, nên UBND phường Phương Mai đã bố trí hòm phiếu di động đến từng giường bệnh nhân, bảo đảm quyền cử tri của công dân. Công tác này cũng đã được bệnh biện tổ chức rất tốt tại các kỳ bầu cử trước đó.
Qua kiểm tra, rà soát, bệnh viện có 8 bệnh nhân thuộc Khoa Xương khớp không thể đi lại được, đủ điều kiện để bỏ phiếu bầu cử. Do đó, phải tổ chức hòm phiếu di động đến từng giường bệnh nhân.
"Bệnh viện quan điểm, dù chỉ có một bệnh nhân bỏ phiếu bầu cử cũng phải tổ chức nghiêm", Tiến sỹ Dương Đức Hùng khẳng định.
Cử tri thực hiện quyền công dân trên giường bệnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
7h45 phút, UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa) đã tổ chức đưa hòm phiếu di động đến BV Bạch Mai.
Cử tri Nguyễn Thanh Trúc sinh năm 1969, hộ khẩu thường trú tại 365 Trần Khát Chân, Hà Nội, hiện đang điều trị tại Khoa xương khớp, BV Bạch Mai cho biết: "Tôi rất xúc động vì được UBND phường Phương Mai và BV Bạch Mai tổ chức bỏ phiếu tại giường, vì tôi không thể di chuyển được".
Cử tri Phạm Phương Chi, sinh năm 1989 (Hai Bà Trưng) đang điều trị tại BV cho biết đã được thông báo việc có hòm phiếu di động đến tận giường bệnh từ mấy hôm trước.
"Dù nằm trên giường bệnh nhưng tôi vẫn thực hiện được nhiệm vụ của mình với đất nước. Tôi rất hi vọng những ứng viên được nhân dân lựa chọn sẽ đại diện cho tiếng nói của chúng tôi", chị Phạm Phương Chi nói.
Tại điểm bầu cử chùa Hòe Nhai, đơn vị bầu cử số 8 của phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), Hòa Thương Thích Minh Đức của chùa Hoè Nhai khẳng định, công tác bầu cử diễn ra rất trật tự và đúng quy định, người dân tham gia đều nắm được quy trình viết phiếu, bỏ phiếu, ai không nắm được đều có cán bộ hướng dẫn chi tiết.
“Tôi tin rằng những người được nhân dân tín nhiệm bầu hôm nay sẽ là những người đại diện cho tiếng nói của người dân, sẽ có một thế hệ lãnh đạo đủ đức, đủ tài lãnh đạo đất nước và cũng hy vọng những lời hứa của các ứng cử viên sẽ trở thành hiện thực.
Cá nhân tôi mong muốn sau bầu cử chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện cho tăng, ni, phật tử trong công tác sinh hoạt phật sự".
Cử tri bầu cử tại TP. Huế. Ảnh: VGP/Thế Lực
Cùng với cả nước, phóng viên Thế Lực cho biết từ 7h sáng cử tri tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng hồ hởi tham gia bầu cử. Toàn tỉnh có 870.093 cử tri (426.541 nam và 443.552 nữ).
Ủy ban Bầu cử tỉnh đã thành lập 3 Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội gồm 44 thành viên; 14 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh gồm 166 thành viên; 9 Ủy ban bầu cử cấp huyện gồm 135 thành viên; 152 Ủy ban bầu cử cấp xã gồm 1.669 thành viên; 1.008 Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu với 14.941 thành viên.
Tại tỉnh Bạc Liêu, mặc dù, từ đêm 21 đến rạng sáng 22/5 xảy ra mưa lớn, trên diện rộng, nhưng mới hơn 5 giờ, tại tất cả các tổ, điểm bỏ phiếu của tỉnh nhiều cử tri đến dự, đặc biệt là các điểm bỏ phiếu thuộc đơn vị Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng và các điểm ở vùng nông thôn.
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Bạc Liêu, do đặc thù của các ngành này, tỉnh đã quyết định cho khai mạc và bỏ phiếu từ 5 giờ sáng. Qua ghi nhận, mặc dù thời tiết trên địa bàn không thuận lợi nhưng cử tri đi bỏ phiếu đông đủ. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trật tự, đúng theo quy định. Theo các đơn vị bầu cử sớm này cho biết, đến thời điểm này, số cử tri đã đến bỏ phiếu đã cơ bản đầy đủ.
Theo quy định, khi tỷ lệ cử tri đạt 100% mới đóng hòm phiếu, còn không sẽ duy trì đến 19 giờ ngày 22/5. Sau khi các tổ bầu cử sớm diễn ra, đến hơn 6 giờ, đồng loạt 577 tổ bầu cử trên toàn địa bàn tỉnh tổ chức lễ khai mạc và cử tri bắt đầu bỏ phiếu từ 7 giờ.
Công nhân tại Biên Hòa, Đồng Nai đi bầu cử. Ảnh: VOV
Tại xã Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có khoảng 5.000 cử tri là công nhân lao động trên tổng số 20.000 cử tri của khu vực tham gia bỏ phiếu. UBND thành phố Biên Hòa cũng như Liên đoàn Lao động thành phố đã làm việc với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho công nhân đi sớm và bỏ phiếu đầy đủ. Những công nhân làm thêm hay tăng ca trong ngày hôm nay cũng sẽ được ưu tiên luân phiên bỏ phiếu sớm hoặc sắp xếp thời gian bỏ phiếu thích hợp.
Cử tri quân nhân tại Quân khu 7 (TPHCM) nhận phiếu bầu cử. Ảnh: TTXVN
Cùng với cử tri cả nước, trên 1 triệu cử tri tỉnh Phú Thọ-quê hương đất tổ thực hiện quyền công dân của mình, đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Phú Thọ đã thành lập 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; 21 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; 107 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện và 1.976 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã, với 2054 khu vực bỏ phiếu, với tổng số cử tri là 1.069.902 người, trong đó 158.938 người dân tộc thiểu số.
Từ 6h30 sáng nay, tất cả cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 trong trang phục chỉnh tề đã hội tụ về hội trường bầu cử. Đúng 7h buổi lễ bỏ phiếu chính thức bắt đầu. Cuộc bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 11 tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 diễn ra đúng theo quy định của pháp luật; an ninh, an toàn được bảo đảm tuyệt đối. Cử tri tiến hành bầu cử với tinh thần trách nhiệm cao.
Hôm nay 22/5 trên 944.000 cử tri của Quảng Ngãi cầm lá phiếu bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 để lựa chọn những người tiêu biểu nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Trong sáng 20/5, hơn 300 cử tri là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thuộc cơ quan quân sự huyện Lý Sơn, Trạm ra đa 18, Trạm ra đa 550, Tiểu đoàn 1- Lữ đoàn 270 công binh, Cảnh sát biển vùng 2 và Trạm đèn biển Lý Sơn, thuộc khu vực bầu cử số 8 xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức bầu cử sớm.
Từ 6h30 ngày 22/5, các đơn vị bầu cử tại tỉnh Kiên Giang bắt đầu khai mạc. Cử tri tỉnh sẽ đi bầu chọn cho mình 8 vị đại biểu Quốc hội, 65 vị đại biểu HĐND tỉnh, 519 vị đại biểu HĐND cấp huyện và 4.150 vị đại biểu HĐND cấp xã.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh người dân hướng về các điểm bỏ phiếu đã được niêm yết danh danh cử tri từ trước. Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phát phiếu, hướng dẫn bà con cách thức bỏ phiếu. Bên ngoài, nhiều cử tri tranh thủ xem lại danh sách các ứng cử viên lần nữa để quyết định chọn người đại biểu cho mình.
Hơn 3.000 cử tri tại trại tạm giam số 1 – Công an Hà Nội đã cùng với cử tri cả nước cầm trên tay lá phiếu với tinh thần trách nhiệm để bầu chọn những đại biểu ưu tú, đủ tài, đủ đức đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Trong số đó, có 2.884 cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ đã thực hiện quyền bỏ phiếu tại đây.
Bà con dân tộc Hà Nhì, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, Lai Châu đi bầu cử. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tại thôn Agrồng, xã Atiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, từ sáng sớm, 1.380 cử tri của xã đã có mặt tại điểm bỏ phiếu bầu cử của thôn để đi bầu.
Là người bỏ lá phiếu đầu tiên, già làng Pơloong Nấp hân hoan nói: “Những ngày trước, thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ các ứng cử viên xem ai có tài, có tầm và có đức để bầu. Tôi thấy rằng việc đi bầu cử lần này thể hiện được quyền và trách nhiệm cử tri đối với Đảng và Nhà nước, dù già yếu nhưng tôi vẫn tự mình đi, không nhờ ai bỏ phiếu thay".
Được biết, toàn huyện Tây Giang có 11.700 cử tri đi bầu tại 69 khu vực bầu cử. Trong đó, có 1.913 cử tri đã đi bỏ phiếu sớm (ngày 19/5) tại ở 15 khu vực bỏ phiếu tại 2 xã Ga Ry, Ch'Ơm và điểm thôn Aur, xã A Vương. 9.787 cử tri của 8 xã còn lại đi bầu vào ngày 22/5.
Lần đầu đi bầu cử. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tỉnh Quảng Trị có 2 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; 16 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 76 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 935 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Tính đến 10h, đã có khoảng 80% cử tri trên toàn tỉnh Quảng Trị đi bầu cử, toàn tỉnh có hơn 460.000 cử tri tham gia bầu cử.
Cùng với cử tri cả nước, 961.243 cử tri trong tỉnh Khánh Hòa tham gia ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Toàn tỉnh có 1.002 khu vực bỏ phiếu, với 1.003 địa điểm bỏ phiếu. Theo báo cáo nhanh của Ủy ban bầu cử tỉnh Khánh Hòa, từ khuya đến 7h sáng 22/5, mặc dù một số địa phương trong tỉnh có mưa vừa đến mưa to nhưng từ 6-7h ngày 22/5, 981/1.002 tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Lễ khai mạc bầu cử theo đúng quy định, đảm bảo không khí trang trọng.
Tại tỉnh Quảng Bình cho biết, ở xã biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, từ sáng sớm người dân làng biển đã hân hoan đi bầu cử tạo nên một không khí tươi mới, sôi nổi.
Lần đầu tiên được cầm lá phiếu cử tri ngư dân trẻ Nguyễn Văn Thắng xúc động: Tôi mong muốn lá phiếu mình sẽ góp phần gửi gắm đến những người lãnh đạo đất nước, mong họ sẽ luôn đồng hành và lắng nghe, thấu hiểu ngư dân để từ đó có những quyết sách đúng đắn hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Nguồn Chính phủ