Thông tin cụ thể như sau:
1. Doanh nghiệp Việt Nam - Nga ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác.
Sau cuộc hội đàm tối 16/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chứng kiến lễ ký nhiều thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước. Các thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nga gồm: Biên bản ghi nhớ giữa PetroVietnam và Gazprom về hợp tác trong lĩnh vực điện; Biên bản ghi nhớ giữa PetroVietnam và Gazprom về hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam và các nước thứ ba; văn bản bổ sung gia hạn Thỏa thuận hợp tác về đào tạo giữa PetroVietnam và Gazprom; Thoả thuận về hợp tác chiến lược giữa PetroVietnam và Công ty Rosneft…
Ngày 17/5, tiếp tục chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc hội kiến với lãnh đạo Quốc hội Nga và thăm một số tập đoàn dầu khí lớn của quốc gia này.
2. Chính phủ đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020.
Ngày 16/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020.Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hằng năm, có khoảng 30 - 35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tập trung cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN; đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực; đơn giản hóa và giảm thủ tục về đất đai; giảm chi phí kinh doanh cho DN; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự...
3. Ethanol miền Trung:Nhà máy lớn nhất Đông Nam Á “chết lâm sàng”.
Hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đều có nhà máy ethanol lớn hàng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến nay, cả hai đều trong tình trạng “chết lâm sàng” và đang gánh khối nợ lên đến cả ngàn tỷ. Trong đó, Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân (Đại Lộc, Quảng Nam) ồn ào hơn cả, nó từng mang niềm vui rồi giáng “quả đắng” cho nông dân nơi đây. Việc nợ tiền nguyên liệu cả trăm tỷ kéo dài buộc người dân nhiều lần kéo đến bao vây nhà máy đòi nợ khiến tỉnh phải vào cuộc mới xử lý dứt điểm.
Sau 2 năm hoạt động, nhà máy đã gánh khối nợ 480 tỷ từ BIDV; 120 tỷ từ Techcombank; nợ nguyên liệu nông dân và các đại lý... gần 100 tỷ. Trong đó, căng thẳng nhất là khoản nợ các chủ đại lý, nông dân cung cấp nguyên liệu (đến nay đã được giải quyết dứt điểm).Để nhà máy phục hồi sản xuất, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng tìm cách tái cơ cấu nhà máy. Còn Nhà máy Nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất chuyên sản xuất cồn ethanol để cung cấp nguyên liệu cho chế biến xăng sinh học tại Dung Quất cũng đã phải đóng cửa từ mấy năm nay, đến thời điểm này số tiền gần 1.900 tỷ đồng đã đổ vào dự án này. Đó là chưa kể 1.000 tỷ đồng vay từ ngân hàng bây giờ có nguy cơ trở thành nợ khó đòi.
4. Giá bán buôn điện năm 2016 tăng 2%-5%.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 1797 quy định về khung giá bán buôn điện của EVN cho các tổng công ty điện lực năm 2016.Với bảng giá trên đối chiếu so với năm 2015, giá bán buôn điện của các đơn vị trực thuộc EVN đều tăng khoảng 2%-5%. Trong đó, Tổng công ty Điện lực Miền Trung tăng mạnh nhất với mức tăng 5% (từ mức 1.135 đồng/kWh lên 1.200 đồng/kWh với mức giá tối đa, từ 1.066 đồng/kWh lên 1.119 đồng/kWh đối với mức giá tối thiểu).
Thời gian áp dụng khung giá bán buôn điện bình quân của EVN cho các tổng công ty điện lực từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2016.Một nguồn tin từ EVN cho biết, đây là khung giá bán buôn trong nội bộ EVN. Bộ Công Thương quy định khung để đảm bảo việc hạch toán chi phí nội bộ EVN một cách minh bạch. Quy định này không ảnh hướng đến giá bán lẻ của các tổng công ty đến khách hàng.
5. Sắp có đợt tăng giá thép mới?
Ngày 16/5, trước thông tin giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như phôi thép, thép phế liệu, quặng sắt… đều tăng bình quân 15-20% so với tháng trước, một số doanh nghiệp sản xuất thép xác nhận thị trường sẽ có mặt bằng giá mới vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới. Hiện giá phôi thép nhập khẩu ở mức 400-420 USD/tấn, thép phế liệu 295 USD/tấn.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu sử dụng thép vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao thêm ít nhất 3 tháng nữa, trước khi mùa vụ xây dựng kết thúc do thời tiết không còn thuận lợi. Chỉ tính riêng trong tháng 4, lượng thép tiêu thụ được VSA ghi nhận 700.000 tấn/tháng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.Sở dĩ giá thép bán lẻ luôn cao hơn giá giao tại nhà máy trung bình trên 1 triệu đồng/tấn vì các doanh nghiệp sản xuất đang phân phối thép dưới hình thức mua đứt bán đoạn, nên khó kiểm soát được giá bán cuối cùng khi đến tay người tiêu dùng.
6. Xuất khẩu: Lo không đạt mục tiêu.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ đầu năm 2016 đến nay được ghi nhận thấp so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Xem ra, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 10% về xuất khẩu trong năm 2016 do Bộ Công Thương đặt ra không phải chuyện dễ. Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 52,87 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, mức tăng này lại thấp hơn mức tăng 7,2% của năm 2015 so với cùng kỳ năm trước đó. Điều này làm giới phân tích kinh tế lo ngại khi kim ngạch xuất khẩu của cả nước mới đạt chưa tới 30% so với mục tiêu đặt ra cho cả năm 2016 là 181 tỷ USD (tăng trưởng 10%).
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2015 có nguyên nhân chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh ở nhóm nhiên liệu khoáng sản, đến 44,9%, ước đạt 0,9 tỷ USD.
7. Hai nhà máy ngàn tỉ “đắp chiếu” vẫn khó khăn.
Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn đã đầu tư gần 7.000 tỉ đồng cũng trong tình trạng có nhiều điểm giống với Nhà máy đạm Ninh Bình... Tổng vốn đầu tư lớn, ngay từ khi chạy thử, rồi vận hành, nhà máy liên tục đối mặt với thực tế chất lượng sản phẩm không ổn định, không bán được hàng, phải tạm dừng nhà máy... Đến nay, PVN đã điều thêm nhân sự từ Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí ra hỗ trợ, bổ nhiệm tổng giám đốc mới, đề xuất thêm cơ chế ưu đãi từ Chính phủ, tuy nhiên nhà máy vẫn chưa thể khởi sắc. Hàng nghìn tỉ vốn nhà nước vẫn đối mặt thực tế hiệu quả thấp, thua lỗ...
Với dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO - thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam) làm chủ đầu tư (do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu) còn khó khăn hơn. TISCO đã báo cáo Bộ Công Thương xin tiếp tục nâng vốn đầu tư lên 9.031 tỉ đồng - tăng 927 tỉ đồng so với tổng mức cũ. Sau khi báo chí và các chuyên gia cảnh báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định giao Bộ Công Thương thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập đánh giá toàn diện dự án, trong đó có cả phương án bán dự án, bán TISCO và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư tiếp dự án 8.000 tỉ đồng. Đến nay, dù đã giải ngân khoảng 4.500 tỉ nhưng dự án vẫn chưa thể hoạt động vì nhà thầu mới lắp khung thép, chưa chuyển giao bộ phận điều khiển.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)