Thông tin cụ thể như sau:
1. Xuất khẩu dệt may và da giày đạt giá trị trên 10 tỷ USD.
Trong bốn tháng đầu năm nay, hai ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày đã đem về giá trị xuất khẩu trên 10,5 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc tháng Tư ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ. Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc đạt gần 7 tỷ USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ.
2. Cà Mau: Lợi dụng thông tin cá chết, thương lái ép giá ngư dân.
Tình trạng cá biển giảm giá mạnh chưa từng có được ngư dân xem là bất thường, bởi hiện tại nguồn cá khai thác không nhiều do ngư trường đang bị thu hẹp. Nguyên nhân giá cá biển giảm mạnh do thương lái thu mua cho rằng thị trường tiêu thụ giảm, tâm lý người dân ngại ăn cá biển sau thông tin cá chết hàng loạt ở khu vực biển miền Trung. Thực chất đây chỉ là thông tin suy diễn, bởi giá cá biển tại các chợ Cà Mau, Gành Hào những tháng qua vẫn giữ mức ổn định khá cao.
3. Thị trường bán lẻ Việt "chao đảo" bởi hàng Thái.
Với ưu thế hàng có chất lượng cao, ổn định, giá cả hợp lý, hàng Thái Lan đang ngày càng xuất hiện nhiều và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều mặt hàng trong khối ASEAN với thuế suất 0% thì hàng Thái lại càng có nhiều ưu thế hơn nữa so với thị trường Việt Nam. Rất nhiều người tiêu dùng có lòng tin và đã lựa chọn mặt hàng Thái Lan thay cho hàng trong nước.
Dường như trong câu chuyện giữ vững thị trường bán lẻ, doanh nghiệp Việt vẫn còn rất hờ hững, thờ ơ, thậm chí là thụ động.
4. Sẽ thu được 3 tỉ USD nếu bán Sabeco và Habeco.
Trong một văn bản vừa gửi tới Bộ Công Thương, Hiệp hội Các nhà tài chính Việt Nam (VAFI) kiến nghị Chính phủ bán hết toàn bộ cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco và dự kiến số tiền thu được từ các thương vụ này lên tới khoảng 3 tỉ USD.
Theo đó, VAFI đề nghị Bộ Công Thương nhanh chóng đề xuất Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp bia đầu ngành của Việt Nam, cụ thể Sabeco bán 90% và Habeco 82% theo hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán nhằm gia tăng tối đa giá trị tại 2 doanh nghiệp trên. Bộ không nên áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời, tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá.
5. Ngành sản xuất dầu ăn trong nước sắp hết được “bảo vệ”.
Ngày 10-5, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) cho biết thuế nhập khẩu tự vệ mặt hàng dầu thực vật (dầu nành và dầu cọ tinh luyện) vào Việt Nam chỉ còn 2%, tính từ ngày 8-5-2016 đến 7-5-2017.
Đây cũng là cột mốc thuế cuối cùng cho biện pháp tự vệ đối với mặt hàng nói trên, nếu sau năm 2017 Bộ Công thương không xem xét việc gia hạn thuế. Điều này cũng có nghĩa ngành sản xuất dầu ăn trong nước sẽ chấm dứt được bảo vệ sau một thời gian dài “cấm cửa” trước sản phẩm dầu ăn nhập khẩu từ các nước.
Hiện Việt Nam chỉ mới áp dụng thuế tự vệ chính thức đối với mặt hàng dầu ăn và bột ngọt. Riêng sản phẩm thép dài (thép cây, thép cuộn) và phôi thép chỉ mới áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời kể từ ngày 22-3-2016, dự kiến có hiệu lực trong vòng 200 ngày.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)