banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 26/4
Cập nhật lúc 09:28 ngày 27/04/2016
Trong ngày 26 tháng 4 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Báo cáo Thủ tướng vụ đổ cột điện đường dây 500kV ở Bắc Giang; Việt Nam bị kiện trợ cấp là do… cơ quan quản lý nhà nước; Hà Nội: Yêu cầu chấm dứt hoạt động của 8 công ty đa cấp; Đại diện Formosa: “Không thể vừa phát triển công nghiệp vừa bắt tôm, cá”; Tiếp tục phát hiện sai phạm về bán hàng đa cấp tại KonTum; Lộ tẩy nhiều công ty bán hàng đa cấp lừa đảo.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Báo cáo Thủ tướng vụ đổ cột điện đường dây 500kV ở Bắc Giang.


 Ngày 25/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2800/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về sự cố đổ cột điện trên đường dây 500kV Hiệp Hòa - Quảng Ninh. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung khắc phục nhanh sự cố đổ cột điện trên đường dây 500kV Hiệp Hòa - Quảng Ninh (trên địa bàn huyện Yên Dũng), bảo đảm truyền tải và cung cấp điện an toàn, ổn định; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng kết quả.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cung cấp điện trong thời gian khắc phục sự cố; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra hành lang tuyến, chất lượng các công trình đường dây nói chung và đặc biệt là công trình đường dây 500kV, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy trong mùa mưa bão.

Cùng ngày 25/4, Bộ Xây dựng cũng có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc giải quyết sự cố đổ cột điện đường dây 500 KV Quảng Ninh - Hiệp Hòa. Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra thiết kế, công tác thẩm định thiết kế, công tác thi công xây dựng, nghiệm thu đường dây 500 KV sau vụ đổ cột điện. Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, cho biết hiện tại đơn vị thi công đang tiến hành làm 3 ca liên tục (kể cả làm ca đêm) để khắc phục sự cố. 

2. Việt Nam bị kiện trợ cấp là do… cơ quan quản lý nhà nước.

Việt Nam đã đối mặt với 14 vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài, trong đó số vụ kiện chống bán phá giá chiếm nhiều nhất, lên đến 12 vụ, tăng 140%. Hiểu biết trong lĩnh vực PVTM của cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế dẫn đến việc đưa ra những chính sách vi phạm các hiệp định thương mại WTO, gây ra các vụ kiện liên quan đến trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhận định này được Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công Thương) đưa ra trong “Báo cáo cạnh tranh năm 2015”, vừa được công bố.

VCA cũng cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu và các hiệp hội ngành hàng trong nước chưa có nhận thức, hiểu biết đầy đủ về các quy định pháp luật nói chung và trong lĩnh vực PVTM nói riêng nên chưa chủ động nắm bắt, sử dụng các công cụ PVTM một cách tích cực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong thương mại quốc tế. Đồng thời, đội ngũ cán bộ về lĩnh vực PVTM của Việt Nam tuy đã có sự trưởng thành, nhưng vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn trong công tác PVTM của Việt Nam.

Năm 2015, Việt Nam đã đối mặt với 14 vụ kiện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài, trong đó số vụ kiện chống bán phá giá chiếm nhiều nhất, lên đến 12 vụ, tăng 140% (tương ứng 7 vụ) so với năm trước đó. 

3. Hà Nội: Yêu cầu chấm dứt hoạt động của 8 công ty đa cấp.

 Sở Công Thương Hà Nội vừa ra thông báo yêu cầu 8 công ty bán hàng đa cấp làm thủ tục chấm dứt hoạt động và đề nghị rút tiền ký quỹ với Sở. Tám công ty này bao gồm: UFC Việt, Công ty Trung bảo Anh quốc Việt Nam, World Nets Việt Nam, Công ty JM Ocean Avenue, công ty LVI Quốc tế, Công ty AKUNA Việt Nam, Thiên Phương Việt Nam, MELILEA Quốc tế Việt Nam. Hiện giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp của các công ty này đã hết hiệu lực nhưng chưa được Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cấp lại. 

4. Đại diện Formosa: “Không thể vừa phát triển công nghiệp vừa bắt tôm, cá”.

Đại diện công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã đưa ra biện minh về việc không có sinh vật biển như tôm, cá sống xung quanh khu vực xả thải của công ty này. Theo đại diện công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, sẽ phải lựa chọn chứ không thể đòi hỏi vừa phát triển công nghiệp hiện đại vừa muốn bắt tôm, cá. 

5. Tiếp tục phát hiện sai phạm về bán hàng đa cấp tại KonTum.

Ngày 25/4, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, Đoàn Liên ngành của tỉnh vừa kết thúc đợt kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn, đã phát hiện 3/7 doanh nghiệp có vi phạm về hàng hóa là Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Cty cổ phần tập đoàn Liên Kết Việt Nam và Cty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân.

Kon Tum hiện có 20 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Thời điểm cuối năm 2015, toàn tỉnh có 1.861 người bán hàng đa cấp cho 15 doanh nghiệp với tổng doanh thu 26.646,4 triệu đồng, chủ yếu bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, chất tẩy rửa, hàng trang sức, đồ điện gia dụng, kim khí điện máy, các loại máy lọc nước, máy ôzôn… 

6. Lộ tẩy nhiều công ty bán hàng đa cấp lừa đảo tại Tây Nguyên.

Tại địa bàn tỉnh Kon Tum, Công ty Liên Kết Việt mở đại lý ký gửi hàng hóa đặt ở địa chỉ 63 Lê Hồng Phong, TP Kon Tum, nơi khá trung tâm của thành phố, nhằm thu hút sự chú ý nhiều người. Trần Văn Trọng làm Trưởng đại lý đại diện ở Kon Tum đã lôi kéo khoảng 100 lượt người tham gia vào hoạt động mua bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum với tổng số tiền thu về gần 2 tỷ đồng.

Tại Đắk Lắk, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đang làm rõ khoảng gần 200 người bị hại trong đường dây lừa đảo do Liên kết Việt chiêu dụ. Hình thức mà người dân tại các tỉnh Tây Nguyên bị Liên kết Việt lừa là chỉ cần bỏ số tiền 8 triệu đồng mua một “mã” sản phẩm gì đó sẽ được trở thành đường dây bán hàng đa cấp của công ty. Sau 5 năm sẽ được hưởng gần 500 triệu đồng tiền hoa hồng và lãi, thưởng nên đã làm nhiều người “mờ mắt”, đưa tiền.

Ở địa bàn Gia Lai, ngay sau khi hay tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868 - Nguyễn Thế Anh, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc tại các chi nhánh thuộc công ty này ở các tỉnh, thành trong toàn quốc.

Theo ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên, việc các công ty núp bóng kinh doanh bán hàng đa cấp rồi huy động vốn, chiếm đoạt tiền của người dân đang diễn ra ngày càng nhiều với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Việc kiểm tra xử phạt hành chính không ngăn chặn được hành vi lừa đảo của các công ty núp bóng bán hàng đa cấp để lừa đảo. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)