banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 20/4
Cập nhật lúc 06:36 ngày 20/04/2016
 

Trong ngày 20 tháng 4 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Ngành điện đảm bảo cấp điện trong mùa khô; Hạn mặn khiến giá gạo tiếp tục “nhảy” vọt; Cảnh báo về 2 công ty đa cấp kinh doanh chui; Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên: Bộ Tài chính nói không với miễn, giảm thuế; An Giang: Ngăn chặn việc đưa hàng dỏm về nông thôn.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Ngành điện đảm bảo cấp điện trong mùa khô.


Thông tin từ Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do tác động của El Nino, tình trạng khô hạn đang diễn ra gay gắt ở nhiều địa phương, lượng nước về các hồ thủy điện cũng ở mức thấp kỷ lục. Dự báo việc cấp điện trong mùa khô năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng ngành điện cam kết sẽ thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho dân sinh và đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội.

Ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, trước dự báo những tác động của El Nino sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2016, ngay từ cuối năm 2015, Cục đã yêu cầu EVN tính toán, phát dầu từ cuối 2015 và giữ nước cho năm 2016 đồng thời chủ động xem xét khả năng có đủ cung ứng hay không. Cho đến nay, hàng tháng Cục và EVN đều rà soát lại khả năng cung ứng điện của toàn hệ thống. Theo ông Phúc, trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của ngành điện, nhiều đường dây truyền tải điện được tăng cường, nên chúng ta có điện dự phòng khoảng 20-30%. 

2. Hạn mặn khiến giá gạo tiếp tục “nhảy” vọt.

Hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến giá gạo tăng nhanh trong thời gian qua. Giá xuất khẩu gạo cũng đã tăng gần gấp đôi, so với cùng kỳ, khiến doanh nghiệp xuất khẩu “vét” kho, để xuất hàng đi. Hiện, giá gạo của Việt Nam đã cao hơn của Thái Lan từ 10 - 15 USD/tấn. Trong khi đó, thương hiệu gạo Thái Lan đã được định vị rất tốt trên thị trường gạo thế giới, do vậy gạo Việt Nam đang giảm tính cạnh tranh so với gạo Thái. 

3. Cảnh báo về 2 công ty đa cấp kinh doanh chui.

Hai Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Phúc Gia Bảo 68 (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Lotus Việt Nam (Hà Nội) vừa bị Bộ Công Thương xử lý do chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh. Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cảnh báo về hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp này để người dân biết và cảnh giác. Trường hợp phát hiện hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này, đề nghị thông báo với Sở Công Thương, cơ quan công an địa phương hoặc Cục Quản lý Cạnh tranh để có biện pháp xử lý kịp thời. Gần đây, có 5 công ty đa cấp đã bị Bộ Công Thương rút giấy phép và một doanh nghiệp vừa xin trả lại giấy phép. Cơ quan quản lý cũng ra quyết định kiểm tra với 7 doanh nghiệp khác như Thiên Ngọc Minh Uy, Amway, UniCity... 

4. Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên: Bộ Tài chính nói không với miễn, giảm thuế.

Trong Công văn 4199/BTC-TCT góp ý cho các kiến nghị của Bộ Công Thương về Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), về đề nghị cho hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu với các loại vật tư, thiết bị công cụ, dụng cụ còn lại cho giai đoạn thi công tiếp theo của Dự án với số tiền khoảng 65,5 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Thuế xuất nhập khẩu. Trước đó, Dự án đã được hưởng chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu với thiết bị.

Đối với đề nghị cho được miễn thuế nhà thầu khoảng 133 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã viện dẫn rất nhiều văn bản hiện hành để cho rằng, theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp nước ngoài phát sinh doanh thu từ việc thực hiện hợp đồng cung ứng, dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế với phần doanh thu này. Bởi vậy, “đề nghị này của Bộ Công Thương không có căn cứ pháp lý để thực hiện”, Bộ Tài chính khẳng định. Không chỉ có vậy, Bộ Tài chính cũng thẳng tay bác đề nghị của Bộ Công Thương liên quan đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam về khoản nợ gốc, xóa nợ lãi trong thời gian dừng thi công, điều chỉnh thời gian cho vay, điều chỉnh thời gian trả nợ. “Đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành để đảm bảo yêu cầu an toàn nợ công”, là trả lời được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định trong góp ý về các đề xuất của Bộ Công Thương. 

5. An Giang: Ngăn chặn việc đưa hàng dỏm về nông thôn.


Ông Phan Lợi - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) An Giang vừa có văn bản yêu cầu các đội QLTT trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp lợi dụng chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn để tổ chức bán hàng kém chất lượng, hàng không có nhãn, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, các đội QLTT sẽ độc lập kiểm tra hoặc phối hợp với ngành chức năng kiểm tra hoạt động các phiên chợ hàng Việt, chuyến bán hàng lưu động hoặc tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm.

Các đội QLTT cũng tăng cường giám sát địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân không có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận về nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng. Thời gian qua, một số doanh nghiệp lợi dụng chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức bán hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Do các doanh nghiệp này thuê trụ sở ấp, xã để tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm nên nhiều người tiêu dùng bị lừa, mua nhằm hàng dỏm với giá cao, tốn tiền nhưng sản phẩm không sử dụng được hoặc nhanh hư.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)