banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Một điểm sáng về kết nạp đoàn viên
Cập nhật lúc 01:35 ngày 11/04/2016

Trong những năm qua Hải Phòng là một thành phố có sức thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao trong cả nước, có nhiều dự án có số vốn đầu tư lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp được thành lập, tạo ra nhiều việc làm mới. Cùng với đó là nhiều doanh nghiệp FDI chưa có tổ chức công đoàn và hoạt động công đoàn tại nhiều doanh nghiệp chưa đi vào nề nếp, người sử dụng lao động đa phần là người nước ngoài cũng chưa thực sự quan tâm đến hoạt động công đoàn. Điều đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng.Trước thách thức đó, tập thể cán bộ công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để thu hút được người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn và được sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo doanh nghiệp.

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, các cán bộ công đoàn Khu kinh tế thường xuyên bám sát cơ sở,sát thực tiễn đời sống của đoàn viên và người lao động với nhiều hình thức, cách thức vận động đa dạng, bám sát người lao động như gặp gỡ, tuyên truyền trong doanh nghiệp, cổng doanh nghiệp, trên xe ôtô, nhà trọ, mạng xã hội. Khi xuống doanh nghiệp để tiếp xúc, hướng dẫn người lao động, các cán bộ công đoàn Khu kinh tế đã vận động, thuyết phục người lao động tham gia tổ chức công đoàn đã giải thích, trả lời thấu đáo cho người lao động các câu hỏi như: vào công đoàn được lợi ích gì? người lao động được đại diện, bảo vệ và chăm lo như thế nào? Nội dung vận động, tuyên truyền ngắn gọn, cụ thể về vai trò công đoàn, gợi ý những vấn đề công nhân quan tâm theo từng đơn vị qua phiếu hỏi về chính sách pháp luật lao động, như tiền ăn ca, chất lượng bữa ăn, đi lại, nơi gửi trẻ, vấn đề lương, thưởng...

Với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, sát thực tiễn đời sống của đoàn viên và người lao động như biên soạn các loại tờ gấp, sổ tay bỏ túi dành cho công nhân, lao động, cán bộ công đoàn cơ sở; qua các hệ thống truyền thanh, trang tin điện tử, mạng nội bộ, mạng xã hội, tuyên truyền miệng, lồng ghép vào hoạt động văn hoá, thể thao. Công đoàn Khu kinh tế đã chủ động xây dựng các nội dung, hoạt động ưu tiên trong việc đáp ứng kịp thời  tâm tư nguyện vọng người lao động với kế hoạch chi tiết và phải làm rõ việc người lao động tham gia như thế nào, khó khăn, thách thức và thứ tự ưu tiên của những hoạt động này,bảo đảm người lao động được tham gia ý kiến và đạt được lợi ích từ các hoạt động đó.

Công tác chăm lo đời sống và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động không hẳn là những vấn đề to lớn mà chính là từ sự “thấu hiểu - chia sẻ” đối với người lao động từ những vấn đề nhỏ nhất hàng ngày. Hoạt động công đoàn thực sự phải đi sâu vào đời sống của người lao động, phải đặt mình vào vị trí của người lao động, phải thực sự thấu hiểu họ đang nghĩ gì? muốn gì? cần gì? Từ đó cán bộ công đoàn sử dụng hợp lý các nguồn kinh phí để hỗ trợ cho người lao động được hiệu quả đồng thời huy động tối đa các nguồn lực để có những chương trình giúp đỡ, hỗ trợ đoàn viên và người lao động với mục đích là vì người lao động, mang đến niềm tin và sự hài lòng của người lao động. Với những hành động thiết thực, đơn giản, gần gũi liên quan đến đời sống hàng ngày của người lao động cũng mang lại nhiếu kết quả tích cực và đầy ý nghĩa.

Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ Công đoàn Khu kinh tế đã có nhiều kết quả nổi bật về thu hút đoàn viên như năm 2014 Công đoàn Khu Kinh tế đã vận động và thành lập 14 công đoàn cơ sở (đạt 155,7% kế hoạch năm 2014); phát triển 9.584 đoàn viên (đạt 136,9%  kế hoạch). Năm 2015 đã thành lập 17 công đoàn cơ sở (đạt 189%  kế hoạch năm 2015), phát triển 9.653 đoàn viên, đạt 160,8% kế hoạch năm, nâng tổng số công đoàn cơ sở là 123 đơn vị, tổng số đoàn viên là 42.141 người.

Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong Khu kinh tế Hải Phòng đóng vai trò tích cực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của kinh tế thành phố. Qua đó thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, trình độ kỹ năng quản trị cùng với các nguồn thu ngân sách của thành phố, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được với những mặt thuận lợi thì có nhiều thách thức, yêu cầu mới, vấn đề mới đặt ra, để hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư với đảm bảo quyền lợi cho người lao động và việc tuân thủ, thực thi các quy định của luật pháp. Điều đó cũng đòi hỏi mỗi cán bộ công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều với tất cả sự nhiệt huyết, năng động, nhạy bén của hoạt động công đoàn trong thời hội nhập kinh tế quốc tế.

Trần Phong