banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 4/4
Cập nhật lúc 09:31 ngày 05/04/2016

Trong ngày 04 tháng 4 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Hàng loạt nhà máy ethanol phá sản vì công nghệ Trung Quốc; Thiếu than, nhưng vẫn xuất than; Bộ Tài chính đã đề xuất phương pháp tính thuế xăng dầu mới; TPHCM: Những “quả bom xăng” trong khu dân cư; Hàng vạn người bị đa cấp lừa đảo: Đại biểu Quốc hội yêu cầu quy trách nhiệm cá nhân.

Thông tin cụ thể như sau:

1.Hàng loạt nhà máy ethanol phá sản vì công nghệ Trung Quốc. 4/7 nhà máy ethanol nhập khẩu và sử dụng công nghệ từ Trung Quốc, 3 nhà máy còn lại dù sử dụng công nghệ của các nước phát triển nhưng vẫn nhập thiết bị từ Trung Quốc. Kết quả: Cả 7 nhà máy hiện giờ, nếu không đóng cửa, phá sản, nợ đầm đìa thì cũng ngừng sản xuất.

Đáng chú ý, hai nhà máy sử dụng công nghệ Trung Quốc cho ra đời những sản phẩm ethanol không đạt tiêu chuẩn pha chế xăng E5, đã bị các doanh nghiệp trong nước ngừng hợp đồng. Đó là Nhà máy Ethanol Đại Việt (Đắc Nông) và Nhà máy thứ 4 Ethanol ĐăkTô (tỉnh Kon Tum).

Một dự án được coi là "niềm hy vọng" cuối cùng của xăng sinh học E5 tại Việt Nam là nhà máy Ethanol Dung Quất (công nghệ Mỹ, thiết bị Trung Quốc), do bài toán thị trường nên từ tháng 4/2015, nhà máy này đã tạm ngưng. Đến tháng 3/2016, toàn bộ hoạt động của nhà máy đã chính thức tạm dừng vì: sản phẩm không bán được.

2.Thiếu than, nhưng vẫn xuất than. Dự báo bắt đầu từ năm 2017, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu số lượng lớn than để phục vụ các nhà máy điện trong nước do thiếu hụt nguồn cung. Thế nhưng, vừa qua, Bộ Tài chính lại có kiến nghị gửi Chính phủ cho xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao giai đoạn 2016-2020. Có ý kiến cho rằng ngành than nên tập trung khai thác, quản lý để hạn chế tối đa thất thoát tài nguyên than, như đã và đang xảy ra.


Tiến sĩ  Nguyễn Thành Sơn - Nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) phân tích: “Chúng ta đã từng là nước xuất khẩu năng lượng, nay đang chuyển sang phải nhập khẩu năng lượng với mức độ ngày một tăng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Lý giải thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Sơn cho rằng lĩnh vực xuất-nhập khẩu than cho thấy rõ lợi ích nhóm. Việc xuất khẩu than là của TKV đòi độc quyền bằng được, còn khó khăn trong nhập khẩu thì dường như TKV đứng ngoài cuộc, và những doanh nghiệp sử dụng than phải tự xoay sở nhập khẩu than.

Trái với quan điểm của ông Sơn, dưới góc nhìn của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cho rằng hiện nay, một số nhà máy nhiệt điện vẫn sử dụng than cám chất lượng thấp để sản xuất, trong khi đó, lượng than chất lượng tốt, có giá trị cao mà trong nước không tiêu thụ hết hoặc không có nhu cầu thì xuất khẩu cũng là điều cần thiết, song song với việc tìm kiếm nguồn than nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu của các hộ tiêu thụ than trong nước. Trên thực tế, tại một số quốc gia khác vẫn đang áp dụng hình thức “xuất đi để bù lại nhập”. Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng Giám đốc TKV khẳng định vừa nhập, vừa xuất là chuyện hoàn toàn bình thường của một doanh nghiệp kinh doanh, không có gì là nghịch lý.

Theo ông Biên, hiện nay, chúng ta đang xuất khẩu những loại than mà trong nước hiện chưa dùng đến, có chất lượng tốt và giá lại cao. Loại thứ hai là quá xấu, không sử dụng đến. Hiện chỉ có một số dự án của TKV mới dùng đến loại than này, nên phải xuất khẩu để tăng doanh thu.

3. Bộ Tài chính đã đề xuất phương pháp tính thuế xăng dầu mới. Sau vụ lùm xùm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hưởng lợi ngoài lợi nhuận định mức khi người tiêu dùng phải chi trả thêm một khoản như là tiền thuế do lỗ hổng từ chính sách thuế, để “bịt” lỗ hổng đó, Bộ Tài chính đã đề xuất phương pháp tính thuế mới. Vấn đề đặt ra là: Làm sao để không còn những lỗ hổng chính sách tương tự với rất nhiều ngành hàng khác và cơ chế xử lý ra sao với khoản tiền chênh lệch mà doanh nghiệp đang giữ.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tiền chênh lệch thực chất là 3.475 tỷ đồng và 254 tỷ đồng là “chảy” vào “túi” của các doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chỉ đạo các cơ quan chức năng như thuế, hải quan, thanh tra phối hợp với Bộ Công Thương để thanh tra và sẽ báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý với 254 tỷ đồng ấy.

Đề xuất về phương án giải quyết, nhiều chuyên gia và một số đại biểu Quốc hội đề nghị đưa phần chênh lệch ấy vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khó yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả lại khoản tiền, bởi các doanh nghiệp đã làm đúng quy định của pháp luật.

Để khắc phục lỗ hổng chính sách, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tính thuế suất nhập khẩu xăng dầu theo phương pháp bình quân gia quyền (nôm na là bình quân thuế suất tính theo khối lượng xăng dầu thực tế nhập về từ nhiều thị trường khác nhau, với nhiều mức thuế suất khác nhau). Nếu tính theo phương pháp bình quân gia quyền, thì người tiêu dùng sẽ không phải nộp “thuế” cho doanh nghiệp một cách rất hài hước như trong nhiều tháng qua.

4. TPHCM: Những “quả bom xăng” trong khu dân cư. TPHCM hiện còn ít nhất 10 địa điểm mua bán xăng dầu không đảm bảo được những tiêu chí về an toàn phòng cháy chữa cháy. Những quả “bom xăng” nằm xen cài trong khu dân cư đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng của hàng ngàn hộ dân sống xung quanh nếu xảy ra cháy nổ.


Trên địa bàn thành phố hiện có 514 cửa hàng bán xăng dầu, trong đó có 113 địa điểm bán xăng dầu chỉ được kinh doanh tạm thời. Trong tổng số cây xăng đang hoạt động có đến 35% cây xăng có diện tích dưới 500m2. Mặc dù nhiều cây xăng bị thanh kiểm tra và bị đình chỉ hoạt động nhiều lần để buộc phải cải thiện điều kiện an toàn. Nhưng các cửa hàng xăng dầu này vẫn hoạt động mang tính tạm bợ, vì theo quy định hiện nay các địa điểm này dù có cải tạo vẫn không đủ điều kiện để hoạt động theo Luật Phòng cháy chữa cháy hiện hành.

Điều đáng nói là những cơ sở này đã được yêu cầu phải di dời, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp những nguy hiểm đe dọa tính mạng, sức khỏe của hàng ngàn hộ dân sống xung quanh. 

5. Hàng vạn người bị đa cấp lừa đảo: Đại biểu Quốc hội yêu cầu quy trách nhiệm cá nhân. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, để xảy ra tình trạng hàng vạn dân bị đa cấp biến tướng lừa đảo, là cơ quan cấp phép, quản lý, Bộ Công Thương không thể vô can. Chính phủ cần quy được trách nhiệm tập thể và cá nhân..

Ông Vinh khẳng định số lượng công ty bán hàng đa cấp ở nước ta ít hơn so các nước, nhưng các nước vì sao không hoặc ít xảy ra lừa đảo? Rõ ràng, điều này cho thấy có sơ hở trong quản lý. Với số lượng công ty ít như vậy mà vẫn để xảy ra lừa đảo thì Bộ Công Thương cấp giấy phép làm gì! Ở đây phải có trách nhiệm của nơi cấp phép.

Ông Vinh cho rằng Chính quyền địa phương chỉ có thể quản lý được một phần mà thôi. Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các chi cục phải có trách nhiệm chứ không phải anh cấp phép xong rồi buông. Anh đã cấp phép rồi thì anh cũng phải có trách nhiệm. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)