1. Về vấn đề nhập khẩu gà Trung Quốc vào Việt Nam.
Mới đây, tại hội nghị song phương chính thức lần thứ 4 giữa cơ quan thú y Việt Nam và Trung Quốc, hai bên đã bàn nhiều nội dung, trong đó có thông tin nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam được đăng tải trên website của Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT khiến dư luận xôn xao.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam bày tỏ e ngại việc các sản phẩm gà của Trung Quốc khi tràn vào thị trường Việt Nam sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Khánh Quang - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lào Cai lại cho rằng, việc xuất khẩu gà, sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc theo đường chính ngạch sẽ làm giảm nguy cơ các đối tượng nhập lậu, tuồn các sản phẩm kém chất lượng qua biên giới.
2. Xăng sinh học E5 vẫn kén người dùng.
Khảo sát thực tế tại các cửa hàng xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, tại các cột xăng E5 có rất ít xe máy vào đổ, trong khi xăng A92, A95 thì nườm nượp khách hàng. Sở dĩ sản lượng xăng sinh học E5 bán ra thị trường quá thấp là do tâm lý người tiêu dùng còn e ngại và chưa hiểu rõ về tính hữu ích của sản phẩm này. Nhiều cửa hàng xăng dầu chưa nhiệt tình bán xăng sinh học E5 vì doanh số ít, chiết khấu thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.
3. Tiêu thụ thép tăng kỷ lục khi Việt Nam áp thuế tự vệ.
Theo thống kê sơ bộ, lượng thép tiêu thụ trong tháng 3 ước đạt 763.000 tấn, cao nhất trong lịch sử ngành thép, tăng 66% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài lí do bắt đầu bước vào mùa xây dựng, tâm lý muốn gom hàng sau quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương (7/3) cũng là nguyên nhân đẩy lượng thép tiêu thụ tăng cao kỷ lục.
Dù lượng thép tiêu thụ mạnh nhưng tính đến cuối tháng 3, theo VSA, lượng thép tồn kho vẫn còn khoảng 325.000 tấn. Thị trường sẽ có thêm nguồn cung khoảng 1 triệu tấn thép từ một loạt dự án mới được đưa vào vận hành trong năm nay. Điều này cho thấy các doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên các đại lý, nhà phân phối không việc gì phải lo ôm hàng tích trữ thép.
4. Ô nhiễm môi trường do luyện thép từ quặng sắt.
Hiện nay thế giới đã chuyển sang khuyến khích phát triển năng lượng sạch, sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo với công nghệ tiên tiến và từ đó, xu hướng chuyển dịch ngành luyện thép từ quặng, luyện than cốc… sang các nước đang phát triển rất mạnh. Khi VN vẫn tiếp tục cho các lò luyện thép từ quặng, luyện than cốc ra đời và hoạt động thì phải đặt dấu hỏi lớn về vấn đề môi trường trong 10 - 15 năm sau sẽ như thế nào.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)