banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 31/3
Cập nhật lúc 11:09 ngày 01/04/2016

Trong ngày 31 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Nhiều nhà máy điện ngừng hoạt động vì cạn nước;Thiệt hại chục ngàn tỉ do cấm xuất khẩu quặng sắt; Samsung đầu tư 300 triệu USD xây Trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội; Bộ Tài chính lấy ý kiến chuyển quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương; Cơ hội hàng Việt Nam vào thị trường Đông Bắc Á.   

Thông tin cụ thể như sau:

1. Nhiều nhà máy điện ngừng hoạt động vì cạn nước. CTCP Điện Gia Lai cho biết, 4/14 nhà máy thủy điện do công ty quản lý đã dừng hoạt động vì nước xuống ở mức “chết”.


Bốn nhà máy này gồm: Ia Drăng 1 (công suất 0,6MW), Ia Lốp (0,27MW), Ia Puch 3 (6,6MW) và Ia Meur 3 (1,8MW). Do lượng nước tích trữ trong hồ quá thấp, các nhà máy khác cũng chỉ vận hành cầm chừng, trung bình mỗi ngày chạy 2-3 giờ, công suất so với cùng kỳ năm ngoái đạt 30-50%. Trong thời gian các nhà máy thủy điện dừng hoạt động, công ty sẽ tiến hành kiểm tra, sửa chữa, bảo quản các thiết bị nhà máy và sửa chữa kênh mương, đập nhà máy. Các nhà máy còn nước chỉ phát điện ở mức cầm chừng cho hết mùa khô.

2. Thiệt hại chục ngàn tỉ do cấm xuất khẩu quặng sắt. Nhiều nơi trên thế giới đã đóng cửa các lò luyện thép từ quặng, chuyển sang sản xuất thép từ phế liệu để tránh ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, tại VN việc cấm xuất khẩu quặng đã khiến ngân sách thất thu hàng ngàn tỉ và duy trì sản xuất thép từ quặng sắt dẫn đến ô nhiễm trầm trọng do đốt lò bằng than cốc.

Sự bất cập lớn nhất của chính sách cấm XK quặng sắt là tạo lợi thế cho những DN đã đầu tư xây dựng công nghệ lò cao như Tập đoàn Hòa Phát và Công ty gang thép Thái Nguyên. Đặc biệt, tổn thất rất lớn của chính sách này là tạo ra lợi thế cho chính đối thủ trực tiếp nhất là Trung Quốc, thông qua việc XK lậu quặng sắt, dẫn đến thất thu ngân sách và tạo sân chơi không bình đẳng. 

3. Samsung đầu tư 300 triệu USD xây Trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội.


Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam có vốn đầu tư 300 triệu USD, xây dựng tòa nhà cao 21 tầng và hai tầng hầm với tổng diện tích mặt sàn gần 116,5 nghìn m2, tại lô đất 12-CCV thuộc Khu chức năng đô thị nam đường vành đai 3 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội).  Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 1/2020, thu hút khoảng 4.000 lao động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao.

4. Bộ Tài chính lấy ý kiến chuyển quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương. Mới đây, Bộ Tài chính vừa công khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi Luật Giá. Trong đó có một nội dung quan trọng là việc Bộ Tài chính đề xuất chuyển quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương.

Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sang Bộ Công Thương.

Một số chuyên gia cho biết, việc chuyển quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương là hợp lý. Bởi Bộ Công Thương có vai trò quan trọng từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông sữa trên thị trường, với hơn 70% nguồn cung sữa bột trong nước là nguồn sữa nhập khẩu.

5. Cơ hội hàng Việt Nam vào thị trường Đông Bắc Á. Năm 2015, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn 2030. Trong đó chỉ rõ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường Đông Bắc Á bao gồm các nước Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ đạt khoảng 45 tỷ USD vào năm 2020, gấp đôi so với năm 2015.

Cũng theo chuyên gia, với tính chất không cạnh tranh nhau, không có chống bán phá giá trợ cấp tự vệ, đây là yếu tổ để Việt Nam phát triển mặt hàng tiềm năng của mình, từ đó tăng cường xuất khẩu sang thị trường khu vực này.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)