Trong ngày 30 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Thông tin cụ thể như sau: Điều tra một công ty đa cấp bị tố lừa đảo; Xuất khẩu nông, lâm thủy sản 3 tháng đầu năm tăng 3,1%; Thương lái Trung Quốc thu gom thanh long và chanh dây; Tôm xuất khẩu đang được giá; Việt Nam có thể thành trung tâm sản xuất dệt may thế giới.
1. Điều tra một công ty đa cấp bị tố lừa đảo.
Ngày 29.3, Phòng CSĐT về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết cơ quan này đang thụ lý điều tra vụ Công ty Phúc Gia Bảo (PGB) 68 (Gia Lai) bị tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hiện PC46 đã nhận được đơn thư của 30 người bị hại tố cáo công ty này.
2. Xuất khẩu nông, lâm thủy sản 3 tháng đầu năm tăng 3,1%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 3 ước đạt gần 2,54 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 6,73 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Giá trị xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản 3 tháng đầu năm đạt gần 1,36 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thuỷ sản Việt Nam chiếm 51,84%. Cũng trong tháng 3, ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 1,97 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 5,31 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2015.
3. Thương lái Trung Quốc thu gom thanh long và chanh dây.
Giá thanh long của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Nếu trước đây chỉ có thương lái Việt thu mua thì nay thương lái Trung Quốc trực tiếp tham gia, thậm chí còn núp bóng người Việt để mở cơ sở chế biến, kho lạnh ngay tại vùng trồng thanh long. Không chỉ Tiền Giang, tại Long An còn có tình trạng thương lái Trung Quốc thông qua đường visa du lịch đến đăng ký tạm trú và thuê trọ để thu mua thanh long.
Thời gian gần đây, giá chanh dây trên địa bàn Tây Nguyên bỗng dưng tăng đến chóng mặt, nông dân ồ ạt chặt cà phê để trồng chanh. Trong khi đó, giống cây chanh được mua từ Trung Quốc, quả chanh thì cũng được bán cho các thương lái Trung Quốc.
4. Tôm xuất khẩu đang được giá.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đạt 378,4 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá tôm tăng mạnh nên nhiều thị trường không hấp thụ được nên có sự tăng trưởng không đồng đều ở các thị trường xuất khẩu tôm, một số thị trường tăng nhưng một số thị trường cũng sụt giảm.
5. Việt Nam có thể thành trung tâm sản xuất dệt may thế giới.
Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Trường, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trước thực tế năm 2015 Việt Nam đã xuất khẩu được tới 27,3 tỉ USD hàng dệt may, sử dụng trên 2,5 triệu lao động, tạo 1/5 số việc làm mới trên cả nước.
Việt Nam đang có ngành dệt may quy mô lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia duy nhất duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số đã chứng tỏ năng lực cạnh tranh của ngành trên thị trường thế giới là khá tốt và có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất dệt may của thế giới.
Tuy nhiên, để thành trung tâm dệt may thế giới, ông Trường kiến nghị Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, tăng tỉ lệ nội địa hóa đến năm 2020 đạt 60%, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư và thu hút đầu tư để VN có 10-15 trung tâm sản xuất nguyên liệu cũng như thiết kế, cung ứng cho các doanh nghiệp dệt may phân tán đến cấp huyện trên cả nước…
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)