Trong ngày 29 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Hàng loạt nhà máy đường đóng cửa do thiếu nguyên liệu; Nhiều dự án lọc dầu khủng chậm triển khai, Công chức quản lý thị trường đi kiểm tra kinh doanh phải có thẻ; Người Indonesia mua lượng gạo Việt cao gấp 213 lần năm ngoái, đáng mừng hay đáng lo?; Cơn lốc hàng Nhật đổ bộ vào Việt Nam; Kinh tế quý I/2016 của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn; Indonesia giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá với thép Việt Nam.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Hàng loạt nhà máy đường đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Ngày 28-3, Bộ NN-PTNT cho biết, So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 1,25 triệu tấn và lượng đường giảm 163.780 tấn. Nguyên nhân là do hàng loạt nhà máy buộc ngừng sản xuất do hết mía nguyên liệu như: Nhà máy mía đường Kiên Giang, Nhà máy mía đường Hiệp Hòa, Nhà máy mía đường Cà Mau, Nhà máy mía đường Long Mỹ Phát...
2. Về đâu những dự án lọc dầu khủng? Thời gian qua, gần chục dự án lọc hóa dầu với vốn đăng ký cả tỷ USD/dự án dự kiến triển khai tại Việt Nam từng gây ồn ào, tạo cuộc đua tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh. Tuy nhiên, giá dầu lao dốc, chủ đầu tư những dự án này cũng “bốc hơi” theo. Hiện chỉ duy nhất Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) triển khai đúng tiến độ.
Theo một số chuyên gia, không hẳn giá dầu giảm khiến các dự án lọc hóa dầu tại Việt Nam chậm triển khai, chủ yếu do đầu ra sản phẩm, vì phần lớn các nhà máy hướng tới xuất khẩu, trong khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong khu vực chưa cao.
3. Công chức quản lý thị trường đi kiểm tra kinh doanh phải có thẻ. Chủ tịch nước vừa ký lệnh công bố Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 8-3-2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9.
Theo đó, Pháp lệnh quy định rõ: Công chức quản lý thị trường đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và không trong thời gian bị kỷ luật sẽ được cấp thẻ kiểm tra thị trường. Thẻ có thời hạn sử dụng năm năm kể từ ngày được cấp.
4. Quý I, người Indonesia mua lượng gạo Việt cao gấp 213 lần năm ngoái, đáng mừng hay đáng lo? Cả Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đều ồ ạt mua vào gạo Việt trong quý vừa qua. Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa chính của Việt Nam, chiếm đến 2/3 tổng diện tích với 70% sản lượng lúa gạo của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này cùng với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, rộng khắp và kéo dài. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đỉnh điểm của đợt xâm nhập mặn là tháng 4, tháng 5. Tức là không chỉ mùa vụ đông xuân 2015-2016 này, mà vụ hè thu kế tiếp mới là thời điểm hạn hán và xâm nhập mặn cho thấy rõ tác động của nó lên sản lượng lúa gạo của khu vực ĐBSCL.
Xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp tại khu vực ĐBSCL, nếu không được xem xét kỹ lưỡng cung-cầu thị trường, yếu tố giá và sản lượng trong các mùa vụ tới có lẽ là chưa khôn ngoan.
5. Cơn lốc hàng Nhật đổ bộ vào Việt Nam. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Hayashi Motoo vừa có chuyến khảo sát thị trường bán lẻ và thị sát một cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Bộ trưởng Hayashi Motoo và các công ty của Nhật không giấu giếm chuyến khảo sát này nhằm chuẩn bị cho chiến dịch đưa hàng hóa Nhật xâm nhập thị trường nước ta thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Trước sự xâm nhập của hàng Nhật, để doanh nghiệp Việt tồn tại trong thời gian tới, vấn đề mấu chốt là các DN Việt phải tự thay đổi, tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu, thay đổi mẫu mã hàng hóa và các dịch vụ sau bán hàng để thỏa mãn nhóm khách hàng mục tiêu… thì mới sự cạnh tranh được.
6. Kinh tế quý I/2016 của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam của quý I/2016 tăng 5,46%, có dấu hiệu chững lại so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chính là do khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vốn là bệ đỡ của nền kinh tế không những không tăng trưởng mà còn sụt giảm 1,23%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi mục tiêu tăng GDP của cả năm nay là khoảng 6,7%.
Khi tăng trưởng chững lại, lạm phát có hướng tăng cao và thu chi ngân sách gặp khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chững ngay từ quý I như vậy đòi hỏi sự nỗ lực và dốc sức rất lớn của tất cả mọi ngành thì mới có thể hoàn thành mục tiêu mục tiêu GDP của cả năm nay.
7. Indoseia giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá với thép Việt Nam. Nhiều khả năng trong thời gian tới, Indonesia sẽ giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá thêm 5 năm đối với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia đã đề xuất tiếp tục giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá thêm 5 năm đối với thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ một số thị trường, trong đó có Việt Nam. Mức thuế mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu khi xuất khẩu thép cuộn cán nguội vào thị trường này sẽ là từ 12,3 - 27,8%.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)