banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 21/3
Cập nhật lúc 07:03 ngày 22/03/2016
Trong ngày 21 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Giá xăng tăng 670 đồng/lít ; Doanh nghiệp nghìn tỷ thuộc PVN có nguy cơ phá sản; Ba phương án giải cứu Lọc dầu Dung Quất; Áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai: Hai bộ xin ý kiến Thủ tướng; Xăng dầu nhập từ Trung Quốc giảm hơn 40%; Nhiều thị trường rút kế hoạch nhập gạo Việt Nam; Bà Rịa- Vũng Tàu: Vẫn “nóng” buôn lậu xăng dầu; Đòi lại tiền nộp vào công ty đa cấp bị rút phép như thế nào.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Giá xăng tăng 670 đồng/lít.


Liên Bộ Công Thương-Tài chính vừa thống nhất điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu định hướng từ 16 giờ 30 chiều nay (21/3). Theo đó, giá xăng RON 92 sẽ tăng 670 đồng/lít, giá xăng sinh học (E5) cũng được điều chỉnh lên mức giá bán tối đa 14.422 đồng/lít. Với các mặt hàng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép điều chỉnh ở mức thấp hơn. Giá dầu diesel được điều chỉnh tăng không quá 290 đồng/lít lên mức giá bán không quá đồng/lít; giá dầu madút và dầu hỏa được giữ nguyên.

Trong lần điều chỉnh này, Liên Bộ Công Thương-Tài chính cũng quy định trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho xăng RON 92 là 1.047 đồng/lít; trích cho xăng E5 1.115 đồng/lít; trích cho dầu diesel 983 đồng/lít; trích cho dầu hỏa không cao hơn 8.905 đồng/lít. 

2.Doanh nghiệp nghìn tỷ thuộc PVN có nguy cơ phá sản.

Ông Đào Văn Ngọc – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí – PVTex – đơn vị sở hữu nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam – PVN cho biết, công ty này đang đứng trước nguy cơ phá sản do cạn kiệt nguồn tài chính. Ước tính trong năm 2015, PVTex thua lỗ 1.255 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 504 tỷ đồng tính đến cuối năm. Hiện tại, PVTex đang lên danh sách CBNV sẽ tạm hoãn thực hiện hợp đồng trong thời gian 4,5 tháng kể từ ngày 16/3/2016. 

3.Ba phương án giải cứu Lọc dầu Dung Quất.


Theo nguồn tin của Báo Đầu Tư cho hay, trước thực tế chênh lệch thuế suất quá lớn trong nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác nhau, đã có 3 phương án xử lý thuế được cơ quan chức năng tính toán. Với thực tế ban hành Thông tư 48/2016/TT-BTC giữ nguyên thuế MFN với xăng và hạ về 7% với dầu các loại, có thể thấy, Bộ Tài chính đã tìm giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Phương án 1, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với các mặt hàng xăng dầu sẽ được giữ nguyên như Thông tư 182/2015/TT-BTC. Với phương án này, việc BSR khó tiêu thụ sản phẩm hơn năm 2015 là điều nhìn thấy rõ. Đi kèm với đó là thu điều tiết cũng giảm tương ứng.

Phương án 2, cũng chính là phương án đã được Bộ Tài chính lựa chọn với việc ban hành Thông tư 48/2016/TT-BTC, thay thế Thông tư 182/2015/TT-BTC, khi giữ nguyên mức thuế MFN với xăng là 20% và giảm về còn 7% với các mặt hàng dầu, bằng với mức cam kết của Chính phủ với BSR.

Phương án 3, thuế MFN với xăng dầu được tính toán giữ nguyên như Thông tư 182/2015/TT-BTC nhưng cơ chế thu điều tiết tại Quyết định 138/2013/QĐ-TTg sẽ được sửa đổi cho phù hợp với lộ trình giảm thuế khi thực thi các FTA với ASEAN, Hàn Quốc. 

4. Áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai: Hai bộ xin ý kiến Thủ tướng.

Báo chí trong ngày 21/3 tập trung đưa tin, Bộ Tài chính đã chính thức thừa nhận có sự chênh lệch trong áp thuế nhập khẩu xăng dầu với số tiền hơn 3.500 tỷ đồng được hoàn cho doanh nghiệp. Để “vớt vát” lại lợi ích người tiêu dùng do áp sai cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu trong giá bán lẻ, Bộ Tài chính-Công Thương đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng.

Ngoài việc xin ý kiến của Thủ tướng về điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính cũng có báo cáo gửi Thủ tướng về việc chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu từ năm 2015 đến thời điểm hiện nay đồng thời đề xuất một số phương án xử lý đối với số tiền chênh lệch thuế nhập khẩu này. Theo tính toán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá xăng dầu nhập khẩu (nếu tính theo mức thuế mới được Bộ Tài chính công bố ngày 18/3 vừa qua) đang cao hơn khoảng 1.000 đồng so với giá bán lẻ hiện hành. 

5. Xăng dầu nhập từ Trung Quốc giảm hơn 40%.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu cả nước là 1,721 triệu tấn, tăng 12,4% so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lượng xăng dầu nhập từ Trung Quốc giảm mạnh. Theo cơ quan hải quan, do sự sụt giảm về đơn giá nên lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng đầu năm tuy tăng về số lượng nhưng lại giảm 33,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015. 

6. Nhiều thị trường rút kế hoạch nhập gạo Việt Nam.

Nhiều thị trường chính của gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines… đã rút kế hoạch nhập khẩu gạo khiến gạo Việt lỡ nhiều hợp đồng lớn. Yếu tố chính trị những tháng đầu năm 2016 đang ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu gạo. Cụ thể, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo ngừng giao dịch mua gạo với 4 nguồn cung cấp có bản ghi nhớ (MOU) với chính phủ nước này là Thái Lan, Pakistan, Campuchia và Việt Nam theo kế hoạch mua gạo trong tháng 2.

Cùng với Indonesia, Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) cũng đã rút lại kế hoạch nhập khẩu 400.000 tấn gạo được thông báo từ đầu năm. Việc hai thị trường truyền thống lớn Indonesia và Philippines rút kế hoạch nhập khẩu cũng khiến Việt Nam lỡ nhịp trong xuất khẩu gạo quý đầu năm. Tuy nhiên, VFA cho rằng, Việt Nam không chịu tác động nhiều với sự kiện này, ngược lại giá lúa gạo tiếp tục tăng do nhu cầu thực hiện các hợp đồng đã ký và nhu cầu trở lại mạnh từ Trung Quốc, kết hợp với áp lực giảm sản lượng do tác động của khô hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển. 

7. Bà Rịa- Vũng Tàu: Vẫn “nóng” buôn lậu xăng dầu.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tình hình buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn diễn ra theo chiều hướng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trên địa bàn.

Theo thống kê của Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh có 69 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với hệ thống kho bãi rất lớn. Bên cạnh đó, còn có các kho trữ của lực lượng quân đội, hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển với số lượng xăng dầu chuyển giao các đơn vị chiến đấu rất lớn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhà nước còn thuê các kho hàng của quân đội nên việc phát hiện và xử lí vi phạm gặp không ít khó khăn.

Nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, bên cạnh việc tăng cường điều tra, nắm tình hình các lực lượng chức năng trên địa bàn sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện tập trung vào những địa bàn phức tạp như khu vực phao số O, khu neo đậu tàu thuyền để kịp thời ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển. 

8. Đòi lại tiền nộp vào công ty đa cấp bị rút phép như thế nào.

Bộ Công Thương vừa ra thông báo hướng dẫn những nhà phân phối, người dân trót tham gia vào các công ty bán hàng đa cấp đã bị rút giấy phép đòi lại quyền lợi của mình: Thứ nhất, người tham gia nhanh chóng liên hệ với doanh nghiệp theo địa chỉ ghi tại hợp đồng ký kết để yêu cầu giải quyết quyền lợi. Theo quy định của Nghị định 42 của Chính Phủ, người tham gia bán hàng đa cấp được quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng hóa… Phía doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn lại không thấp hơn 90% khoản tiền mà người tham gia đã đóng để được nhận hàng hóa. Đồng thời, người tham gia cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp thanh toán toàn bộ các khoản hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác phát sinh trong quá trình bán hàng đa cấp mà doanh nghiệp chưa chi trả.

Thứ hai, người tham gia đa cấp cũng cần liên hệ với cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp cho rằng công ty đa cấp có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật và không giải quyết quyền lợi chính đáng, người tham gia cần trình báo ngay với các cơ quan công an. Các cá nhân cũng có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên. Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình đấu tranh đòi quyền lợi, người tham gia bán hàng đa cấp có thể liên hệ với Cục quản lý cạnh tranh và các Sở Công Thương để được tư vấn, hỗ trợ. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)