banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 16/3
Cập nhật lúc 08:57 ngày 17/03/2016
Trong ngày 16 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Chênh lệch thuế nhập khẩu, Petrolimex thu lãi "khủng"; PVN không muốn bao tiêu sản phẩm Nghi Sơn vì chất lượng dầu; Áp thuế không phải là cơ hội kiếm tiền; Hàng Trung Quốc chui vào khu công nghiệp để dán nhãn hàng Việt; Kích cầu hàng Việt: Chưa có đột phá; Nhiều doanh nghiệp nghĩ TPP như “chiếc đũa thần”; Bộ Công Thương ban hành văn bản trái luật.

Thông tin cụ thể như sau:

1Chênh lệch thuế nhập khẩu, Petrolimex thu lãi "khủng".


Một thông tin đang được dư luận quan tâm đó là con số lãi đột biến của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Petrolimex trong năm 2015 lên tới 3.700 tỷ đồng. Mức lãi này hoàn toàn trái ngược với các năm trước khi Petrolimex liên tục báo lỗ cả nghìn tỷ đồng. Con số lãi đột biến này đã khiến giới chuyên môn và dư luận đặt câu hỏi?

Giải thích cho số tiền lãi khổng lồ trên, Petrolimex cho biết là do doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, thay đổi phương thức tính giá phù hợp với diễn biến thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thì nguyên chính là do Petrolimex đang được hưởng lợi từ chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu.

2PVN không muốn bao tiêu sản phẩm Nghi Sơn vì chất lượng dầu.

Quyết định áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn khí thải của xăng dầu kể từ 1/1/2017 là tiêu chuẩn Euro 4 đang đặt nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (sẽ đi vào hoạt động từ năm 2017) trước những khó khăn mới. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thậm chí không muốn bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn vì chưa đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Báo cáo của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cho rằng, tiêu chuẩn khi thiết kế dự án đã không đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm. Việc bổ sung đầu tư các phân xưởng xử lý để đáp ứng lộ trình khí thải chỉ có thể xem xét thực hiện sau năm 2021 do các cam kết về tiến độ của các hợp đồng vay vốn cho dự án. Do đó, Nghi Sơn đề nghị Chính phủ nới lỏng tiêu chuẩn sản phẩm.

Mới đây lại có dư luận cho rằng, Nghi Sơn không vội gì đầu tư nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vì nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với PVN. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, hợp đồng bao tiêu sản phẩm mà PVN thay mặt Chính phủ ký với Nghi Sơn có điều khoản quy định, sản phẩm của dự án phải đáp ứng TCVN tại thời điểm bao tiêu, nghĩa là sản phẩm xăng dầu mà nhà máy Nghi Sơn bán ra phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn tại thời điểm bán. Tuy nhiên, theo thiết kế, sản phẩm xăng dầu của Nghi Sơn chưa đạt mức Euro 4, thậm chí có khoảng 1,5 triệu tấn dầu DO chỉ đạt mức 3 về chỉ tiêu hàm lượng lưu huỳnh.

Về đề nghị nới lỏng tiêu chuẩn sản phẩm của Nghi Sơn, PVN cho rằng, Chính phủ vẫn phải yêu cầu Nghi Sơn tuân thủ lộ trình về khí thải; trường hợp sản phẩm của dự án không đáp ứng được yêu cầu này trước các cột mốc kể trên thì PVN và Nghi Sơn sẽ phải đàm phán lại với nhau về nghĩa vụ thực hiện bao tiêu theo hợp đồng đã ký, hoặc bổ sung các điều kiện cụ thể nếu PVN tiếp tục thực hiện hợp đồng.

PVN cũng là chủ đầu tư dự án lọc dầu Dung Quất và hiện Dung Quất cũng đang vướng phải những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm như Nghi Sơn. Hiện sản phẩm của Dung Quất mới chỉ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2.

3. Áp thuế không phải là cơ hội kiếm tiền.

Việc Bộ Công Thương áp thuế bổ sung với phôi và thép dài nhập khẩu là tin vui cho một số doanh nghiệp nhưng lại khiến người tiêu thụ thép lo lắng do họ phải trả thêm tiền. Việc áp thuế tạm thời để bảo vệ sản xuất trong nước là bình thường, được pháp luật cho phép nhưng thực tế đang diễn ra những bất thường gây phản cảm.

Thứ nhất là một số doanh nghiệp đã nhanh tay tăng giá bán thép dù đến ngày 23/3 mới áp thuế mới và nguồn cung thép vẫn vượt xa nhu cầu. Thứ hai là trong những tháng đầu năm, thép nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam như đón trước việc tăng thuế. Thứ ba là tình trạng xe tải ùn ùn kéo đến nhà máy rồi phải xếp hàng, chờ mới lấy được thép.

Mức thuế mới khá cao, hơn 14% với thép dài và 23% với phôi thép đang định ra mặt bằng giá thép mới trên thị trường trong nước. Khoản chênh lệch giá mà giới kinh doanh được hưởng đều từ túi của người tiêu dùng.Trước đây, chuyện này thường xảy ra nhưng sau đó đã “biệt tích” khi thép nhập khẩu tham gia thị trường trong nước, nhờ vậy người tiêu dùng cũng bớt mệt tim hơn.

Ngược lại, mục tiêu cao nhất của việc áp thuế là giúp ngành thép trong nước trụ lại thì đến nay vẫn chưa thấy doanh nghiệp đưa ra các biện pháp hữu hiệu trong ngắn hạn và dài hạn để tận dụng những ngày bớt áp lực từ thép nhập khẩu giá rẻ để tổ chức lại sản xuất, kể cả hệ thống phân phối.

Không thể cứ trao cho ngành thép hết cơ hội này đến cơ hội khác. Bởi bảo hộ là con dao hai lưỡi. Việc áp thuế là để doanh nghiệp ngành thép có thêm thời gian sắp xếp lại sản xuất tốt hơn, chứ không nên xem đó là cơ hội để kiếm chác trên lưng người tiêu dùng.

4. Hàng Trung Quốc chui vào khu công nghiệp để dán nhãn hàng Việt.

Đó là cảnh báo của lãnh đạo ngành hải quan tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo TP Đà Nẵng vào sáng 15-3 về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cảnh báo cần chú ý và xử lý kịp thời hiện tượng có các đối tượng mang hàng Trung Quốc vào các khu công nghiệp của Việt Nam để lắp ráp và xuất đi các thị trường mà Việt Nam được hưởng thuế quan. Nếu để các mặt hàng này tuồn vào và xuất đi khi bị các nước phát hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của hàng Việt Nam. Ông Cẩn cũng đề nghị phải hết sức thận trọng với việc hàng Trung Quốc xuất xứ, dán nhãn mác Việt Nam để tiêu thụ tại khu vực nông thôn.

5. Kích cầu hàng Việt: Chưa có đột phá.


Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai gần 7 năm qua đã tạo sức lan toả khắp cả nước nhưng kết quả đạt được lại không như kỳ vọng do chưa có đột phá.

Để Cuộc vận động đạt được hiệu quả không chỉ về mặt chủ trương mà còn nâng tầm thương hiệu Việt rất cần có sự chung sức của các doanh nghiệp. Có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, nền kinh tế nước ta đang hội nhập, sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn, có những sản phẩm trong nước sẽ khó cạnh tranh được cả về giá và chất lượng với thương hiệu nước ngoài. Vì vậy, trước hết cơ quan quản lý cần phải chọn sản phẩm mũi nhọn để phát triển nguồn tiêu thụ và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

6. Nhiều doanh nghiệp nghĩ TPP như “chiếc đũa thần”.

“Đa phần các doanh nghiệp (DN) ủng hộ tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng dường như ủng hộ vì sự hứng khởi nhiều hơn”. Đây là nhận xét của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại tọa đàm về TPP do Ngân hàng Thế giới và VCCI tổ chức ngày 15/3 ở Hà Nội.

Theo bà Trang có đến 70% DN được khảo sát cho biết có “nghe nói” về TPP, tức là biết rất sơ qua. “Sự hứng khởi sẽ qua mau, hứng khởi sẽ tạo ra sự chủ quan với cách nghĩ TPP như chiếc đũa thần. Điều này làm chúng tôi lo lắng” - bà Trang nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI, cho biết các DN Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Thế nhưng đến nay chưa có báo cáo đánh giá có bao nhiêu phần trăm DN Việt nghiên cứu sâu về TPP và các chiến lược dành cho DN ra sao. “TPP là hiệp định phức tạp hơn so với các hiệp định song phương khác mà Việt Nam đã ký. Do đó mức độ hiểu và chiến lược hành động của DN để nắm bắt cơ hội là câu hỏi lớn. Sức ép hàng hóa ngoại tràn vào thị trường nội địa, nguy cơ xảy ra các vụ kiện thương mại và chế tài xử phạt nếu không tuân thủ các cam kết quốc tế” - ông Vinh nhấn mạnh

7. Bộ Công Thương ban hành văn bản trái luật.

Báo Tiền Phong đưa tin, ngày 14/3, trao đổi với phóng viên, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra) cho hay, đã chính thức “tuýt còi” văn bản của Bộ Công Thương liên quan đến hoạt động kinh doanh rượu, vì cho rằng cơ quan này đã ban hành văn bản trái luật.

Trước đó, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 60/2014, hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Nghị định 94/2012 của Chính phủ về hoạt động kinh doanh rượu. Theo Cục Kiểm tra, quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10, điểm a khoản 4 Điều 11 Thông tư số 60 được hiểu là muốn xin 2 loại giấy tờ trên, các doanh nghiệp phải có thời gian hoạt động tối thiểu 3 năm. Tuy nhiên, đối chiếu với Điều 17 Nghị định số 94 quy định về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu, không có quy định nào yêu cầu doanh nghiệp phải có thời gian hoạt động tối thiểu được 3 năm.

Cũng theo Cục Kiểm tra, nội dung khoản 7 Điều 10, khoản 7 Điều 11 và khoản 5 Điều 12 Thông tư số 60 chưa phù hợp với nghị định 38/2012 quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm.

Trước những sai phạm từ văn bản nói trên, Cục Kiểm tra đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức tự kiểm tra, xử lý nội dung chưa phù hợp. Được biết, cuối tuần này, Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương sẽ có buổi làm việc xung quanh Thông tư 60 kể trên.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)