banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 15/3
Cập nhật lúc 07:39 ngày 15/03/2016
Trong ngày 15 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Bộ Công Thương lên tiếng về thuế xăng dầu có lợi cho doanh nghiệp; Xăng dầu Nghi Sơn không đạt mức 4, Tiêu chuẩn Việt Nam; Xăng A95 của Petrolimex lại bị tố “phá” xe; Nhiều doanh nghiệp thép có động thái tăng giá; Gạo Việt và nỗi lo thua ngay trên sân nhà.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Bộ Công Thương lên tiếng về thuế xăng dầu có lợi cho doanh nghiệp.


Bộ Công Thương vừa có thông cáo liên quan đến lỗ hổng chênh lệch giữa thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở và theo cam kết hiệp định thương mại, khiến người tiêu dùng chịu thiệt và doanh nghiệp đầu mối hưởng lợi.

Bài báo cũng cho biết ngoài Thông tư 78 mà Bộ Công Thương căn cứ điều hành tính giá cơ sở, Bộ Tài chính còn ban hành hai thông tư khác có liên quan đến thuế nhập khẩu xăng dầu là Thông tư 165 áp dụng mức thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Thông tư áp thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA Việt Nam – Hàn Quốc.

2.Xăng dầu Nghi Sơn không đạt mức 4, Tiêu chuẩn Việt Nam.

Bộ Công Thương vừa có một báo cáo trình Thủ tướng về sản phẩm của Dự án Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn trong đó có nêu, chất lượng sản phẩm của Liên hợp này không đạt Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cấp 4 và cấp 5.

Theo Bộ Công Thương, nếu Chính phủ vẫn yêu cầu Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) tuân thủ lộ trình khí thải và NSRP không có giải pháp nâng cấp chất lượng sản phẩm để đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam mức 4 trước ngày 01/01/2016 và mức 5 trước ngày 01/01/2021 thì đối chiếu Hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký, sản phẩm của Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn không đáp ứng yêu cầu của hợp đồng.

Đây là một lối thoát để giải quyết vấn đề bế tắc là PVN sẽ phải thanh toán cho NSRP số tiền phát sinh do việc thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm của dự án này trong suốt 10 năm với số tiền hiện được tạm tính có thể lên tới con số 75.000 tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn mà PVN có nhiều khả năng không thực hiện được. Thậm chí Tập đoàn này còn đã đề nghị lập một quỹ lấy tiền thu phí xăng dầu của người tiêu dùng để trả cho việc cam kết bao tiêu sản phẩm của NSRP.

3. Xăng A95 của Petrolimex lại bị tố “phá” xe.

Hàng loạt chủ xe ở TPHCM lại “khóc ròng” vì ô tô bị chết máy và hỏng hóc sau khi đổ xăng A95 của Petrolimex. Tình trạng này tương tự sự cố xăng Petrolimex kém chất lượng trước Tết âm lịch.

Đại diện Mercedes Phú Mỹ Hưng cho hay, thời gian gần đây có hơn 10 xe đổ xăng A95 của Petrolimex phải đưa tới xưởng sửa chữa. Thậm chí ngay cả xe của Mercedes Phú Mỹ Hưng cũng bị hư do khi đổ xăng A95 của Petrolimex. Trong chiều 14.3, nhân viên Mercedes Phú Mỹ Hưng đã rút xăng A95 của toàn bộ xe ở Mercedes Phú Mỹ Hưng để phòng sự cố. Còn theo phản ánh của Mercedes Hàng Xanh, gần đây nơi này cũng nhận 3 trường hợp xe hư khi đổ xăng A95 của Petrolimex. Chi phí sửa thấp nhất hơn 100 triệu đồng và cao nhất là hơn 200 triệu đồng.

4. Nhiều doanh nghiệp thép có động thái tăng giá.


Ngay sau khi Bộ Công Thương có quyết định áp thuế tự vệ tạm thời với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp thép trong nước đã có động thái tăng giá. Cùng với động thái này, đã diễn ra tình trạng hàng loạt xe tải của nhiều đơn vị phân phối xếp hàng chờ đợi nhiều ngày liền ở các nhà máy thép để mua hàng do lo sợ tăng giá.

Chủ doanh nghiệp cho biết, không có chuyện doanh nghiệp không có hàng, hoặc ghim hàng nhưng do số lượng xe quá đông nên chưa thể đáp ứng. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, hoàn toàn có khả năng có tâm lý tích trữ kéo theo đầu cơ.

5. Gạo Việt và nỗi lo thua ngay trên sân nhà.

Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo/năm, lượng gạo cung ứng cho tiêu thụ cả nước và xuất khẩu khá ổn định. Song hiện không ít người đã và đang quay lưng với gạo Việt.

Tâm lý xem gạo ngoại là gạo sạch đã khiến nhiều người lùng sục mua cho được gạo ngoại. Điều này đã khiến nhiều thương buôn tuồn gạo lậu từ bên kia biên giới về và giới thiệu là gạo sạch (không có thuốc trừ sâu, phân bón) ngày một nhiều. Gạo sạch hay không sạch chưa ai kiểm định nhưng cái mác “gạo sạch” đã làm xáo trộn thị trường gạo.

Theo thống kê, số lượng gạo nhập lậu được đưa vào Việt Nam đang ngày càng có xu hướng tăng.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)