banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 26/02
Cập nhật lúc 07:41 ngày 26/02/2016
Trong ngày 26 tháng 02 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Vụ Công ty Liên Kết Việt lừa đảo 60.000 người; Bộ Công Thương cảnh báo về những chiêu lừa của đối tác nước ngoài; Giật mình hàng hóa Trung Quốc gắn mác ngoại lừa người mua; "Không thể để Dung Quất lạm dụng vị thế "chơi" bài toán đặc quyền"; Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại - Phiên tổng kết công tác thị trường nước ngoài.

Thông tin cụ thể như sau:

1Vụ Công ty Liên Kết Việt lừa đảo 60.000 người.

Trụ sở chính của Liên kết Việt đã ngừng mọi hoạt động sau khi các lãnh đạo của công ty này bị bắt tạm giam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản - Ảnh: L.Hoài

Với chiêu bài “lợi nhuận cao” cùng với biển hiệu, hình ảnh, giấy tờ nhập nhèm mượn danh Bộ Quốc phòng, công ty đa cấp Liên kết Việt đã chiếm đoạt của hàng nghìn nạn nhân ở Hải Phòng số tiền lên tới vài chục tỷ đồng. Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương đến thời điểm này vẫn chưa có phát ngôn nào về việc có rút giấy phép kinh doanh đa cấp của công ty Liên kết Việt.

Theo ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long: Trong vụ việc này, Bộ Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh không thể vô can. Việc không lên tiếng cảnh báo người dân cũng là một lỗi lớn với cơ quan quản lý.

2Bộ Công Thương cảnh báo về những chiêu lừa của đối tác nước ngoài.

Thông tin phát đi từ Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận trường hợp doanh nghiệp Việt Nam bị kẻ gian lừa đảo trong quá trình giao dịch với đối tác tại thị trường sở tại.

Bộ Công Thương cũng cảnh báo, trong vài năm trở lại đây, các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn nhiều, với nhiều hình thức. Những kẻ lừa đảo lợi dụng sự bất cẩn của các doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch như không không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không sử dụng các biện pháp liên lạc trực tiếp khác như điện thoại, fax để xác minh thông tin về tài khoản nhận tiền hàng khi khác với tài khoản ghi trong hợp đồng đã ký, tận dụng những khó khăn về ngôn ngữ, thời gian giao dịch.

Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, các doanh nghiệp Việt đang mất cảnh giác, không có việc kiểm tra chéo, trao đổi trực tiếp với đối tác, nhất là trong thời gian nghỉ lễ dài ngày.

3. Giật mình hàng hóa Trung Quốc gắn mác ngoại lừa người mua.

Tình trạng máy móc, hàng hóa Trung Quốc nhưng gắn mác của Singapore, Mỹ, Nhật… khiến người tiêu dùng phải giật mình xem lại nguồn gốc xuất xứ sản xuất khi mua hàng để không chịu thiệt.

Hiện tượng này gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp. Bởi người tiêu dùng không thể phân biệt được hàng giả gắn mác thương hiệu nổi tiếng so với hàng thật. Tức mua phải hàng chất lượng kém, giá cao. Đồng thời làm thiệt hại không nhỏ đến uy tín, thương hiệu, thậm chí có thể bóp chết các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

4. "Không thể để Dung Quất lạm dụng vị thế "chơi" bài toán đặc quyền".


“Cơ quan quản lý cần nghiên cứu chính sách hợp lý để Dung Quất không phải đóng cửa, doanh nghiệp không phải mua xăng dầu ở bên ngoài nhưng cũng không thể để cho Dung Quất lạm dụng vị thế của mình để "chơi" bài toán đặc quyền". Các chuyên gia kinh tế tiếp tục lên tiếng về việc nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể phải đóng cửa nếu chính sách thuế cho sản phẩm của doanh nghiệp này không được sửa đổi.

Không chỉ Công ty TNHH một thành viên Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mà , ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) còn cho rằng phải cổ phần hóa luôn cả Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN)… Ông Hải khẳng định điều quan trọng ở đây không phải là liệu có nên cho BSR thêm ưu đãi, mà phải đi vào giải quyết tận gốc vấn đề, đồng thời nhấn mạnh ngành dầu khí vốn nổi tiếng với bộ máy điều hành cồng kềnh cùng quỹ lương khổng lồ, ‘đáng mơ ước’ của nhiều ngành nghề khác. Ông Hải khẳng định cần phải nhanh chóng cổ phần hóa cả PVN hay những tập đoàn nhà nước khác như EVN, TKV cùng các tập đoàn viễn thông...

Không chỉ PVN mà cả Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVNP) trong bối cảnh giá dầu giảm sâu và ngành dầu khí đang chịu nhiều áp lực cắt giảm lao động và ổn định sản xuất. Theo đó, VEA kiến nghị Thủ tướng xem xét giải quyết một cách có hiệu quả không chỉ là các biện pháp cấp bách trước mắt mà cần tính tới các yếu tố trung và dài hạn để cân đối tình hình tài chính cho PVN. VEA đề nghị Chính phủ và các bộ cho điều chỉnh lại thuế suất để giá xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngang bằng với mặt hàng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc. Đồng thời, Chính phủ và các Bộ chỉ đạo các khách hàng đặc biệt khách hàng lớn là Petrolimex tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm xăng dầu với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong năm 2016 và các năm tiếp theo tùy tình hình biến động giá xăng dầu thế giới, nhà máy sẽ có biện pháp điều chỉnh giá phù hợp với giá thị trường để các khách hàng chấp nhận được.

5. Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại - Phiên tổng kết công tác thị trường nước ngoài.

Sáng nay (26/2), Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại – Phiên tổng kết công tác thị trường nước ngoài. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị các tham tán thương mại tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; trao đổi với các doanh nghiệp các giải pháp, góp phần cùng ngành công thương hoàn thành đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ mà ngành được giao.

LH (Nguồn Bộ Công Thương)