Hoạt động công đoàn hiện nay diễn ra trong điều kiện nước ta đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Tác động của các nhân tố “nước ngoài” đối với hoạt động công đoàn, với cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động là rất sâu sắc, cả mặt tích cực và tiêu cực. Bởi vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở nói riêng cần có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới.
Tác động của hội nhập quốc tế đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Hội nhập quốc tế có tác động trên nhiều phương diện từ khoa học, công nghệ hiện đại được du nhập, người lao động có thể tiếp cận, sử dụng; vốn đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất, đến sự du nhập tri thức của các nền văn minh thế giới.
Quan hệ lao động, nhất là quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trở nên phức tạp, tranh chấp lao động và đình công luôn rình rập và có xu hướng tăng lên, xuất hiện một số vụ đình công lớn, vượt ra ngoài khuôn khổ doanh nghiệp.
Đặc biệt, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng đưa đến những tư tưởng đa chiều. Không ít công nhân bị ảnh hưởng bởi những dòng văn hóa không lành mạnh. Lập trường giai cấp, ý thức chính trị của một số công nhân bị giảm sút, phai nhạt niềm tin vào Đảng và Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra những cơ hội mới đồng thời cũng đưa đến nhiều thách thức cho cán bộ công đoàn và hoạt động công đoàn. Trong thời đại mở cửa hội nhập với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học thì các phương tiện truyền thông (điện thoại, internet, báo hình, báo mạng...) mà người lao động có thể khai thác, sử dụng là đa chiều. Trong các khối thông tin khổng lồ đó, nếu không có chính sách, định hướng đúng đắn, người lao động vốn ít hiểu biết, rất dễ dàng tiếp thu những mặt tiêu cực của các sản phẩm văn hóa tư sản phương Tây, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.
Theo kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trên 95% số cán bộ công đoàn có điện thoại, trong đó hơn 50% số điện thoại có thể nghe nhạc, truy cập internet. Thông qua các phương tiện thông tin, CNLĐ không chỉ được cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình chính trị, thời sự, văn hóa, xã hội trong nước, ngoài nước một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Qua tiếp thu thông tin, cán bộ công đoàn có sự đồng nhất tương đối giữa quan niệm đạo đức và quy tắc ứng xử của một cộng đồng với những quan niệm đạo đức và ứng xử mang tính quốc tế. Điều này đặt ra cho cán bộ công đoàn những nhiệm vụ phức tạp hơn, cần tiếp thu và sử lý thông tin đa chiều, đa dạng hơn. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cũng cần đổi mới về cả nội dung và hình thức.
Đổi mới về nội dung tập huấn, bồi dưỡng đối với CBCĐ cơ sở trong doanh nghiệp
Nội dung tập huấn cần trang bị cho cán bộ công đoàn cơ sở những kiến thức cơ bản về pháp luật lao động, pháp luật công đoàn như: Bộ Luật lao động, Luật công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội... Trang bị những kiến thức xã hội: Các vấn đề liên quan đến Gia đình, Bình đẳng giới, Dân số- kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội…Trang bị các kỹ năng tổ chức hoạt động như: Kỹ năng tuyên truyền miệng, kỹ năng đối thoại, kỹ năng vận động, thuyết phục, kỹ năng thương lượng, kỹ năng tổ chức các sự kiện văn hóa trong công nhân (các cuộc thi, diễn đàn, tổ chức sân chơi cho CNLĐ; kỹ năng nắm bắt tâm trạng, tư tưởng của CNLĐ, kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công. Việc đầu tư cung cấp các kỹ năng cho cán bộ CĐCS trong doanh nghiệp là yêu cầu rất căn bản giúp cho CBCĐ hoạt động được tốt hơn trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đối với CBCĐ cơ sở trong doanh nghiệp
Trang bị cho cán bộ công đoàn một số phương pháp như phương pháp xây dựng kế hoạch hoạt động; phương pháp tổ chức các hoạt động cho CNLĐ; phương pháp tuyên truyền cổ động, phương pháp học tập tích cực. Tổ chức tập huấn, tọa đàm, trao đổi, nói chuyện chuyên đề, đối thoại, tổ chức các cuộc thi...Chọn cử cán bộ công đoàn cơ sở đi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn do các cấp công đoàn tổ chức. Tổ chức tập huấn theo phương pháp tích cực: Trên thực tế thì khi sử dụng phương pháp này, người nghe không bị thụ động, mà phải tập trung tư duy và tham gia vào quá trình trao đổi, điều quan trọng là sau mỗi nội dung thảo luận thì cả giảng viên và học viên sẽ nhớ được những vấn đề cơ bản.
Bồi dưỡng cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp thông qua tổ chức nhiều hoạt động cho công nhân, lao động tại doanh nghiệp. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở cần luân phiên phân công mỗi người đảm nhận một nội dung để chủ động triển khai, mỗi một hoạt động lại thay đổi cách phân công để làm sao cán bộ công đoàn nào cũng được “đóng” các vai để diễn tập, khắc phục tình trạng khi xảy ra sự việc chỉ có Chủ tịch CĐCS mới có thể giải quyết.
Các cấp công đoàn cần tích cực phấn đấu thực hiện mục tiêu của Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra là: Trong nhiệm kỳ 2013-2018, có “100% số cán bộ công đoàn chuyên trách, 70% số cán bộ công đoàn không chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn”. Trong thời gian tới, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cần được tiếp tục đẩy mạnh, để xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực, trình độ, đủ “sức” đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.