banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 25/01
Cập nhật lúc 08:28 ngày 25/01/2016
Ngày 25/01, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Năm 2015, Việt Nam chi gần 50 tỷ USD mua hàng Trung Quốc; Thương hiệu may mặc Việt dần lụi tàn; Giá dưa hấu rẻ mạt tại tỉnh Bình Thuận; CPI tháng 1 tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; Hiệu quả từ Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn; Tết Nguyên đán 2016: Bánh kẹo ngoại lấn át hàng nội.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Năm 2015, Việt Nam chi gần 50 tỷ USD mua hàng Trung Quốc.

Đây là con số vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra trong báo cáo "Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và năm 2015" mới công bố.

Song đó chỉ là những con số chính thức được Tổng cục Hải quan thống kê, còn hàng nhập theo đường tiểu ngạch cũng không ít nhưng chưa thể thống kê được. Chỉ biết mỗi ngày ra đường vẫn đối mặt với rất nhiều những sản phẩm Trung Quốc. Nhắc đến hàng Trung Quốc, rất nhiều người tỏ ra lo ngại về chất lượng, thế nhưng cho đến nay hàng Trung Quốc vẫn hiện diện trong từng con phố, khu chợ. Để giảm thiểu sự hiện diện của hàng Trung Quốc, không còn cách nào khác DN Việt Nam phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.

2.Thương hiệu may mặc Việt đang dần lụi tàn!


Chỉ 20% doanh nghiệp may mặc mặn mà với thị trường trong nước. Với chiến lược “đánh” thị trường xuất khẩu để tìm lợi nhuận cao, nhiều doanh nghiệp lớn đã nhường thị trường nội địa cho DN nhỏ trong nước.

Khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nguồn vải phong phú giá rẻ của Trung Quốc và nhiều nước qua đường chính ngạch vào Việt Nam với thuế suất 0% sẽ là cơ hội cho ngành may mặc nếu có thiết kế phù hợp xu hướng tiêu dùng. Vấn đề quan trọng là công nghiệp thời trang có phát triển kịp thời để DN tận dụng cơ hội này hay không.

3. Giá dưa hấu rẻ mạt.

Vài ngày qua, trên tỉnh lộ ĐT 713, đoạn qua huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), hàng trăm tấn dưa hấu được người dân chất thành từng đống hai bên đường với hy vọng được thương lái ghé lại hỏi mua. Thế nhưng, dù dưa hấu loại đẹp nhất được người dân chào giá từ 1.300-1.500 đồng/kg nhưng thương lái thu mua với số lượng rất hạn chế. Vụ dưa Tết năm nay, bà con rất được mùa nhưng giá cả thì lại rớt thê thảm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân giá dưa hậu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 rớt giá thê thảm là do hiện tại phía bạn hàng Trung Quốc đã ngừng thu mua. Bên cạnh đó, theo thông kê, toàn tỉnh Bình Thuận đang có khoảng trên 200ha dưa hấu trồng phục vụ dịp tết Nguyên đán nên lượng dưa khá nhiều, dẫn đến ‘cung vượt cầu”.

4. CPI tháng 1 tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 không đổi so với tháng trước và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng, trong đó nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất 0,89%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,44%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,37%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,3%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25%.

Có hai nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là giao thông giảm 2,82% và bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

5. Hiệu quả từ Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn.


Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều phiên chợ vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu cũng như mong muốn của người tiêu dùng. Không ít phiên chợ hàng Việt tổ chức còn khá rời rạc, thiếu chuyên nghiệp. Mặt khác, các chuyến hàng khi về đến các xã đều diễn ra trong một thời gian rất ngắn và không cố định; hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, chất lượng chưa ổn định. Tại các chợ địa phương vẫn còn các đại lý bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí còn có cả hàng giả, hàng nhái.

Hiệu quả của những chuyến hàng và Phiên chợ Việt về nông thôn là rất rõ, nhưng để người tiêu dùng trong nước thật sự tin dùng và gắn bó với hàng Việt, rất cần một chiến lược dài hơi, đồng bộ và hiệu quả, linh hoạt.

6. Tết Nguyên đán 2016: Bánh kẹo ngoại lấn át hàng nội

Bản tin Tài chính Kinh doanh lúc 7h sáng 25/1 thông tin: Với chất lượng, mẫu mã, bao bì... tốt, đẹp và đa dạng hơn, bánh kẹo nhập ngoại đang thể hiện sự lấn lướt đáng kể so với bánh kẹo nội trong dịp Tết Nguyên đán 2016.

Theo ghi nhận tại một siêu thị, 7 trên 8 món đồ trong giỏ quà tết (loại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhất) có nguồn gốc từ nước ngoài. Không chỉ vậy, 80% số bánh kẹo được bày trên 2 quầy ngay lối lên cầu thang (vị trí đẹp) tại siêu thị này cũng đều là bánh kẹo nhập khẩu.

Được bày ở vị trí đẹp, số lượng nhiều hơn, bao bì đẹp và giá cả không chênh nhiều là những lý do cho việc khách hàng lựa chọn bánh kẹo ngoại thay vì hàng nội.Không chỉ tại siêu thị trên, năm nay, bánh kẹo ngoại cũng được bày bán nhiều hơn hẳn tại các đại lý và cửa hàng bán lẻ.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)