banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Kỹ năng tuyên truyền miệng của cán bộ công đoàn
Cập nhật lúc 04:08 ngày 12/10/2015

Tuyên truyền miệng là phương pháp dùng lời nói trực tiếp với một đối tượng cụ thể - một người hoặc nhiều người - về một vấn đề nhất định, nhằm giáo dục, giải thích, nâng cao kiến thức, giúp đối tượng nhận thức đúng sự việc và định hướng cho họ tự điều chỉnh thái độ tư tưởng, hành vi ứng xử để thích ứng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. 


Ðặc điểm: 

Nói thẳng tới người nghe không qua một công cụ trung gian nào, người nghe (đoàn viên CĐ, NLĐ) và người nói (cán bộ CĐ) đối mặt, nghe-nhìn rõ thái độ, có mối giao lưu tình cảm với nhau. Trong những trường hợp nhất định có thể mở rộng thành đối thoại, trao đổi để đi tới chân lý, hoặc thu hẹp lại thành tư vấn cho một việc riêng biệt. 

- Ðối tượng thường là những người mà người nói quen biết ( cùng làm việc trong  1 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp), hiểu được trình độ, cuộc sống, hoàn cảnh sinh hoạt, những băn khoăn thắc mắc của họ. 

- Ðề cập được tất cả mọi vấn đề, mọi mặt về chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội, từ những vấn đề chung như thời sự quốc tế, trong nước, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp... một chủ trương, chế độ, chính sách, luật lệ mới ban hành, một cuộc vận động, một phong trào hoạt động công đoàn... cho đến những vấn đề riêng tư của một nhóm người (tổ sản xuất), một cá nhân (đoàn viên CĐ, NLĐ). 

- Có thể tiến hành tuyên truyền miệng bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, bất kỳ với ai, linh hoạt, dễ dàng, có hẹn trước hoặc không, miễn là phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, tâm lý của đối tượng được tuyên truyền, nhất là cuốn hút hoặc thuyết phục được họ nghe. 

Chuẩn bị: 

- Ðề tài tuyên truyền tập trung vào một chuyên đề, một chủ đề. Trong một phạm vi cần thiết đáp ứng yêu cầu, mục đích cần đạt, không tham lam, dàn trải. 

- Tìm hiểu đối tượng tham dự xem họ có muốn nghe vấn đề mình sẽ nói không? ở khía cạnh nào? Tư tưởng ra sao? Có thắc mắc gì? Qua đó định trước điểm nào cần đi sâu, đoạn nào kết hợp giải thích, giải đáp.   

- Xác định nên nói với số đông người hay chỉ trong một nhóm người, một người để có phương thức nói thích hợp. 

- Biết rộng và hiểu sâu đề tài định nói, nghiên cứu kỹ các tài liệu, tư liệu, để sử dụng cho buổi tuyên truyền sinh động. 

Viết đề cương, dàn bài hoặc gạch đầu dòng những ý chính trình bày theo thứ tự. 

Chọn địa điểm, thời gian, thời lượng nói, thích ứng, thuận tiện cho đối tượng ở nơi nói chuyện cần thoáng đãng, đủ chỗ ngồi, đủ ánh sáng, không bị tiếng ồn xung quanh, chỉ khi  nói đông người hãy dùng micro. Nếu tuyên truyền cá biệt nên gặp ở gia đình vào lúc thích hợp nhất. 

Mấy điều cần lưu ý khi nói : 

- Tâm lý người nghe thời kinh tế thị trường, bận sản xuất làm ăn, không muốn nghe nói dài, ngồi lâu. 

- Ði thẳng vào vấn đề, không mở đầu vòng vo, không lan man đi lạc sang lĩnh vực khác, không ba hoa chiều theo thị hiếu người nghe, chệch hướng nội dung đã định. 

- Dẫn chứng, thí dụ, số liệu đưa ra cần cụ thể, chính xác, gần gũi với người nghe và có sức thuyết phục. Muốn nói 1 phải biết 10 (hiểu biết sâu, rộng vấn đề tuyên truyền). Cái gì chưa hiểu đầy đủ chưa nói.  Người nghe yêu cầu mình nói những việc mình chưa biết rõ nên thành thực nói là chưa nắm vững, khất lại lần sau, khiêm tốn và tôn trọng người nghe sẽ thu phục được tình cảm của họ. Không lặp lại những gì đã nói với họ ở lần trước. Nếu là vấn đề khoa học - kỹ thuật cần đem theo tài liệu chuyên môn nói có sách, mách có chứng, hoặc trên cơ sở đã được kiểm nghiệm. Ðiều cốt yếu là tạo được lòng tin cho người nghe. 

- Ðánh giá đúng thái độ người nghe tán thành, hoan nghênh hay gián tiếp phản đối? Ðừng chủ quan với những tràng pháo tay rôm rả. 

Nghệ thuật nói: 

Với đông người: Tư thế chững chạc, trang phục chỉnh tề, chỗ đứng cao hơn để quan sát được toàn thể. Ðộng tác phụ họa cho diễn đạt vừa phải, đúng lúc, không khoa trương như múa rối. Nói đủ nghe, âm thanh linh hoạt khi êm đềm tình cảm, khi sôi nổi mạnh mẽ (phụ thuộc vào nội dung nói); điều khiển âm lượng để bộc tả, làm chủ ngay từ phút đầu. Tránh "đao to búa lớn", "dạy bảo" người nghe. 

Quan tâm đến mối giao lưu giữa người nói và đối tượng nghe. 

Dùng từ chính xác, sống động, vốn từ ngữ phong phú, đa dạng và sử dụng đúng chỗ, gây được ấn tượng. Tránh những từ sáo mòn, thô, lặp đi lặp lại, nghèo nàn. . 

Thấy không khí trầm lắng, người nghe buồn ngủ, nói chuyện riêng... cần lập tức thay đổi giọng nói, chuyển nội dung qua một mẩu chuyện vui minh họa giành lại sự chú ý của người nghe. Nếu không được, hãy nghỉ ít phút, khi tiếp tục nhẹ nhàng, tế nhị, dí dỏm nhắc khéo. Cũng có thề đặt thẳng vấn đề xem nội dung, cách nói có gì chưa phù hợp? Có gây thắc mắc gì? Hoặc chuyển thành đối thoại, tranh luận nếu người nói có năng lực. 

Kết thúc, đừng quên cám ơn sự chú ý theo dõi và mong được góp ý kiến để lần sau nói tốt hơn, hay hơn. 

Với cá nhân: Nắm đủ lý lẽ, nhưng người nói luôn phải lấy tình cảm để thuyết phục là chính. Tuyên truyền dưới dạng tâm sự nhỏ to, làm sao chiếm được lòng tin để họ bộc bạch cả những điều sâu kín trong tâm hồn họ. Không nôn nóng vội vàng. Nếu người nghe chưa bị thuyết phục, chưa chấp nhận giải pháp, hãy gợi mở ra các phương án khác, tạo thời gian để họ suy nghĩ thêm và hẹn lần gặp sau. Khi cần thiết có thể vận dụng tác động hỗ trợ của người thân, bạn bè, chuyên gia có uy tín về lĩnh vực đó. Rỉ rả phối hợp, cộng hưởng chân lý, tạo nên thế mạnh để đạt tới đích hiệu quả tuyên truyền.

Kỹ năng gây thiện cảm ban đầu cho người nghe

Việc gây thiện cảm ban đầu cho người nghe rất quan trọng. Thiện cảm ban đầu thể hiện ở nhân thân, tâm thế và biểu hiện của người nói khi bước lên bục tuyên truyền là nguồn thiện cảm ban đầu cho người nghe; kích thích người nghe háo hức chờ đón buổi tuyên truyền. Thiện cảm ban đầu tạo ra sự hứng thú, say mê của người nghe, củng cố được niềm tin về vấn đề đang tuyên truyền. Thiện cảm ban đầu còn được tạo ra bởi khung cảnh của hội trường, khung cảnh của diễn đàn, dáng vẻ bề ngoài, y phục, nét mặt, cử chỉ, phong thái, lời giao tiếp ban đầu. Như vậy, báo cáo viên cần phải tươi cười bao quát hội trường, có lời chào mừng, chúc tụng, có câu mở đầu dí dỏm, hài hước, công bố thời gian, chương trình làm việc rõ ràng, thoải mái, điều đó sẽ gây được thiện cảm ban đầu đối với người nghe. Tuy nhiên thiện cảm ban đầu chủ yếu là ở cách đặt vấn đề đầu tiên của người nói. Trong những phút đầu tiên của bài giới thiệu, người nói phải nêu được khoảng từ 3, 4 vấn đề chủ yếu mà người nghe cần tìm hiểu nhất. Ví dụ khi tuyên truyền cho đối tượng là công nhân về Bộ luật Lao động thì các vấn đề mà công nhân quan tâm nhất là hợp đồng lao động; bảo hộ lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương; bảo hiểm xã hội... Việc nêu các vấn đề đó còn tuỳ thuộc ở khả năng thuyết trình của báo cáo viên. Báo cáo viên có thể bắt đầu từ một câu chuyện pháp luật được các phương tiện thông tin đại chúng nói đến nhiều thời gian qua hoặc có thể bắt đầu từ một bộ phim đã chiếu khá phổ biến hoặc cũng có thể bằng các tình huống xảy ra gần địa bàn nơi tổ chức tuyên truyền... 

Tạo sự hấp dẫn, gây ấn tượng trong khi nói

Nghệ thuật tuyên truyền là tạo nên sự hấp dẫn, gây ấn tượng bằng giọng nói, điệu bộ, ngôn ngữ. Giọng nói phải rõ ràng, mạch lạc nhưng truyền cảm. Hết sức tránh lối nói đều đều. Giọng nói, âm lượng phải thay đổi theo nội dung và nhấn mạnh vào những điểm quan trọng, cần phải chú ý. Động tác, cử chỉ cần phải phù hợp với nội dung và giọng nói để nâng cao hiệu quả tuyên truyền của lời nói. Sắc thái có tác dụng truyền cảm rất lớn. Vẻ mặt của người nói cần thay đổi theo diễn biến của nội dung. Khi nói, cần chú ý nhìn bao quát những người ngồi dưới, thỉnh thoảng người nói cần thay đổi vị trí nhìn để tạo sự chú ý của cử tọa. Người nói cần đưa ra số liệu, sự kiện để minh hoạ, đặt câu hỏi để tăng thêm sự chú ý của người nghe. 

Người nói cũng cần phát huy vai trò thông tin, truyền cảm của ngôn ngữ bằng cách sử dụng chính xác, đúng mực thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành và ngôn ngữ phổ thông. Người nói có thể kết hợp, lồng ghép, sử dụng hợp lý, chính xác ý tứ, ngôn từ trong kinh điển, thơ văn, ca dao, dân ca vào buổi tuyên truyền để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục đối với người nghe.

Bảo đảm các nguyên tắc sư phạm trong tuyên truyền miệng

Người nói cần tôn trọng các nguyên tắc sư phạm. Từ bố cục bài nói, diễn đạt các đoạn văn, liên kết giữa các đoạn văn đến cách nói đều phải rõ ràng, mạch lạc, lôgic. Người nghe cần được dẫn dắt từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ gần đến xa (phương pháp suy diễn) hoặc từ xa đến gần (phương pháp quy nạp) và tuỳ từng vấn đề mà dùng lý luận soi sáng cho thực tiễn hoặc từ thực tiễn mà đi sâu vào lý luận. Mục đích cuối cùng vẫn là để người nghe hiểu rõ hơn, toàn diện hơn về những vấn đề mà người nói đã nêu ra. Tuy nhiên dù phân tích, diễn giải rộng hay hẹp đều phải luôn bám sát trọng tâm của vấn đề.

Sử dụng phương pháp thuyết phục trong tuyên truyền miệng

Tuyên truyền miệng chủ yếu dùng phương pháp thuyết phục với ba bộ phận cấu thành là chứng minh, giải thích và phân tích.

- Chứng minh là cách thuyết phục chủ yếu dựa vào các dẫn chứng xác thực, khách quan để làm sáng tỏ và xác nhận tính đúng đắn của vấn đề. Các dẫn chứng đưa ra gồm số liệu, sự kiện, hiện tượng, nhân chứng, danh ngôn, kinh điển. Để có sức thuyết phục, các dẫn chứng được đưa ra phải chính xác, tiêu biểu, toàn diện và sát hợp với vấn đề nêu ra.

- Giải thích là việc dùng lý lẽ để giảng giải giúp người nghe hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề. Lập luận trong khi giải thích phải chặt chẽ, chính xác, mạch lạc, khúc triết, không ngụy biện.

- Phân tích là diễn giải, đánh giá vấn đề nhằm tìm được đặc điểm, bản chất, điểm mạnh, điểm yếu, điểm tốt, điểm xấu, sự phù hợp, không phù hợp... của vấn đề. Việc phân tích phải dựa trên cơ sở khoa học, không được cường điệu mặt này hay hạ thấp mặt kia. Sau khi phân tích phải có kết luận, đánh giá, hướng người nghe vào định hướng tư duy đúng đắn, không làm cho người nghe hoài nghi, dao động, hoang mang.

Các bước tiến hành một buổi tuyên truyền miệng

Để có một buổi tuyên truyền miệng cần qua 2 bước:

1. Bước chuẩn bị: gồm 5 nội dung chính sau đây :

- Nắm vững đối tượng truyên truyền: Báo cáo viên cần nắm vững đối tượng tuyên truyền qua các yếu tố về số lượng; thành phần; trình độ văn hoá; tình hình thực hiện pháp luật ở cơ sở; ý thức thực hiện pháp luật và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người nghe. 

Báo cáo viên có thể nắm vững đối tượng bằng phương pháp trực tiếp (tự điều tra, tìm hiểu, gặp gỡ, quan sát...) hoặc bằng phương pháp gián tiếp (qua báo cáo tổng kết của cơ sở, trao đổi với người tổ chức buổi tuyên truyền...). Cần có thông tin đầy đủ từ phía đơn vị tổ chức tuyên truyền về thành phần dự. Chú ý những thay đổi có thể diễn ra về thành phần người nghe.

- Nắm vững vấn đề liên quan đến lĩnh vực trình bày: Đó là các vấn đề về kỹ thuật nghiệp vụ chuyên ngành, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực đó, các tài liệu lý luận, giáo khoa, các tài liệu của nước ngoài trong lĩnh vực đó. Để nắm vững vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh đòi hỏi báo cáo viên ngoài trình độ chuyên môn tốt cần phải có quá trình tích lũy, sưu tầm với một ý thức trách nhiệm và lòng say mê với nghề nghiệp.

- Nắm vững nội dung trình bày, cụ thể là hiểu rõ bản chất  của vấn đề dự kiến trình bày. Muốn vậy, người nói cần nắm được thông tin liên quan đến vấn đề  một cách toàn diện. Ngoài ra, trong quá trình tuyên truyền, người nói cũng cần giới thiệu có chọn lọc ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn liên quan đến nội dung đó.

- Sưu tầm tài liệu dẫn chứng, minh họa: Đây là nội dung rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng, độ sâu và sức thuyết phục của buổi tuyên truyền. Khi sưu tầm tài liệu, báo cáo viên cần chú ý đến tính chất, yêu cầu của tài liệu đó, tuyệt đối tránh tài liệu, dẫn chứng minh họa thuộc diện bí mật của Nhà nước, của doanh nghiệp; số liệu, dẫn chứng đã cũ không còn phù hợp với hiện tại.

- Chuẩn bị đề cương: Đề cương tuyên truyền miệng (bao gồm đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết) cần đầy đủ về nội dung, thích hợp với đối tượng, chặt chẽ về bố cục, sắc sảo về lập luận. Khi chuẩn bị đề cương cần chú ý những yêu cầu sau:

+ Đề cương không phải là một bài viết hoàn chỉnh, cụ thể mà là tài liệu nêu lên các trọng tâm cần tập trung tuyên truyền, phổ biến. Trên cơ sở đó, báo cáo viên phân tích cụ thể, mở rộng những vấn đề nêu trong đề cương. 

+ Để thu hút người nghe và tạo điều kiện cho người nghe hiểu vấn đề một cách hệ thống, toàn bộ các phần trong đề cương phải có mối quan hệ hữu cơ với nhau như một câu chuyện.

Tiến hành một buổi tuyên truyền miệng 

Một buổi tuyên truyền miệng về thường có các phần sau:

- Vào đề: Là phần giới thiệu vấn đề, định hướng tư duy, khơi gợi nhu cầu của đối tượng, thiết lập quan hệ giữa người nói với người nghe. Trước khi bắt đầu phần này, báo cáo viên cần có những lời chào mừng, chúc tụng đối với người nghe để gây thiện cảm và không khí gần gũi. Trong phần vào đề, người nói phải nêu được khoảng từ 3, 4 vấn đề chủ yếu mà người nghe cần tìm hiểu nhất để tạo sự chú ý, sức hấp dẫn cho người nghe. Việc nêu các vấn đề đó còn tuỳ thuộc ở khả năng diễn thuyết của báo cáo viên. Báo cáo viên có thể bắt đầu từ một câu chuyện được các phương tiện thông tin đại chúng nói đến nhiều thời gian qua; có thể bằng các tình huống xảy ra gần địa bàn nơi tổ chức tuyên truyền hoặc một câu chuyện có liên quan mà tình cờ báo cáo viên biết được qua trao đổi trước buổi tuyên truyền với một số người nghe... 

- Nội dung: Là phần chủ yếu của buổi nói, làm cho đối tượng hiểu, nắm được nội dung, chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức cho đối tượng. Cần lưu ý là phải nêu được những điểm mới, thời sự để người nghe chú ý; khi tuyên truyền không được sao chép, đọc nguyên văn văn bản để tránh sự nhàm chán. 

Trong tuyên truyền văn bản phải chú ý tới hai điều, đó là: lựa chọn cách trình bày phù hợp với đối tượng và nêu được vấn đề cơ bản, cốt lõi, trọng tâm để người nghe thâu tóm được tinh thần văn bản. Sử dụng hợp lý kênh ngôn ngữ (nói) và kênh phi ngôn ngữ (cử chỉ, động tác).

 Trong thực tiễn tuyên truyền miệng, vì nhiều lý do, có thể xảy ra những “trục trặc” ngoài ý muốn khi đang thực hiện buổi tuyên truyền miệng pháp luật. Những “trục trặc” thường gặp trong thực tế là:

- Nói lắp, nói nhịu: Đôi khi trong khi đang nói vì căng thẳng hay mệt mỏi báo cáo viên nói lắp, nói nhịu. Đây là hiện tượng vô thức xảy ra ngoài ý muốn của con người. Khi xảy ra hiện tượng này, thường sẽ gây nên tiếng cười, ồn ào trong người nghe. Để khắc phục hiện tượng này, báo cáo viên cần phải bình tĩnh, không được mất tinh thần; lấy lại sự tập trung vào bài giảng. Báo cáo viên có thể kể một câu chuyện vui hoặc có những câu nói hài hước để tạo nên không khí thoải mái, vui vẻ trong buổi tuyên truyền, sau đó khéo léo dẫn dắt vào bài giảng.

- Lạc đề: Hiện tượng này xảy ra do báo cáo viên phân tích, diễn giải vấn đề quá rộng dẫn đến những nội dung báo cáo viên nói không có liên quan hoặc ít liên quan đến bài giảng. Trong trường hợp này, báo cáo viên không được mất bình tĩnh; sử dụng phương pháp quy nạp, từ những vấn đề đã phân tích, diễn giải rộng ở trên, báo cáo viên khéo léo dẫn dắt người nghe đến những nội dung chính của bài giảng.  Để kiểm soát được bài giảng của mình đúng trọng tâm, không lạc đề đòi hỏi báo cáo viên phải chuẩn bị kỹ nội dung bài giảng, trong khi giảng bài cần tập trung, luôn quan tâm theo dõi đến thái độ (phản ứng) của người nghe để điều chỉnh bài giảng hợp lý.

- Thừa giờ hoặc thiếu giờ: Tình huống này thường xảy ra đối với những báo cáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong nghề. Đây là trường hợp thời gian dự kiến ban đầu của buổi tuyên truyền miệng vẫn còn nhưng báo cáo viên đã truyền đạt hết các nội dung văn bản pháp luật hoặc đã hết giờ mà chưa truyền đạt hết nội dung. Nếu gặp phải trường hợp này, tuỳ vào từng hoàn cảnh cụ thể mà báo cáo viên cần phải nhanh nhạy chuyển sang hình thức khác có liên quan đến bài giảng như tổ chức thảo luận về những nội dung của văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo viên sẽ trực tiếp giải đáp những thắc mắc của người nghe hoặc báo cáo viên chuẩn bị sẵn những câu hỏi liên quan đến nội dung bài giảng để hỏi người nghe hoặc tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giữa báo cáo viên và người nghe, nhất là khi người nghe là những cán bộ tuyên truyền pháp luật...

Ngoài ra, cần xử lý các tình huống khác trong hội trường như: Học viên ngủ gật, nghe điện thoại di động, mất điện, học viên nói chuyện riêng...

Phần kết luận:

Là phần người nói thường điểm lại và tóm tắt những vấn đề cơ bản đã tuyên truyền. Tùy từng đối tượng mà nêu những vấn đề cần lưu ý đối với họ. Trong phần này, người nói sau khi đã phân tích, diễn giải cần phải tóm tắt lại những nội dung chính của buổi tuyên truyền miệng và những vấn đề cần lưu ý. Tuy nhiên với mỗi một đối tượng khác nhau sẽ có cách thức tóm tắt khác nhau căn cứ vào nhu cầu, lĩnh vực công tác của đối tượng.

Trả lời câu hỏi của người nghe: Người nói cần dành thời gian cần thiết trả lời các câu hỏi mà người nghe quan tâm, chưa hiểu rõ. Đây là phần người nói có thể đánh giá được mức độ hiểu bài của người nghe; là dịp để người nói trao đổi những kinh nghiệm, hiểu biết của mình cho người nghe.

Tóm lại, hiệu quả của tuyên truyền miệng về pháp luật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để đạt hiệu quả tuyên truyền cao, người tuyên truyền cần phải dày công tích luỹ, chuẩn bị đề cương, phải có nghệ thuật vượt qua hàng rào ngăn cách ban đầu về mặt tâm lý, gây thiện cảm, gây sự chú ý của người nghe từ khi bắt đầu buổi nói chuyện; phải biết tạo ra nhu cầu, kích thích, hấp dẫn, gây ấn tượng cho người nghe trong suốt buổi nói; biết kết luận đúng cách để khi kết thúc còn đọng lại những điều cần thiết cho người nghe tiếp tục suy nghĩ.

T.Vinh