Hiệp định hợp tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại lớn nhất trên thế giới với 12 quốc gia thành viên xung quanh vành đai Thái Bình Dương bao gồm: New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico, Nhật Bản. Với dân số của 12 quốc gia thành viên tham gia TPP khoảng 800 triệu người, hàng năm tạo ra 28,5 ngàn tỷ USD, chiếm hơn 40% GDP toàn cầu, TPP sẽ tạo cơ hội lớn cho các nước tham gia phát triển kinh tế, xóa bỏ hàng rào thuế quan và đẩy mạnh tăng trưởng thương mại giữa các nước. Hiệp định TPP hứa hẹn với những tiêu chuẩn cao, “thế hệ mới” với mức độ tự do hóa ở phạm vi sâu rộng với các nội dung thương mại và phi thương mại, một hiệp định mang tính “bước ngoặt của thế kỷ 21” tạo ra nền tảng tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu như:
- Tạo ra một mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực.
- Tạo thuận lợi cho dòng chảy đầu tư.
- Tiếp cận thị trường một cách toàn diện trong việc đưa ra các cam kết.
- Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại.
- Tạo lập lợi ích, con đường ngắn nhất- lợi ích cao nhất.
- Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại.
Giá trị tích cực và cơ hội mang lại
- Cơ hội mở rộng, tiếp cận thị trường rộng lớn của các nước thành viên tham gia TPP.
- Tạo ra sự cân bằng quan hệ thương mại, tránh phụ thuộc một khu vực thị trường nhất định.
- Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu.
- Góp phần tạo ra sức hút đầu tư nước ngoài.
- Hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, hệ sinh thái đầu tư thông thoáng, thuận lợi.
- Tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.
- Tăng trưởng việc làm, thu nhập, đời sống người lao động.
- Sẽ có sự tăng mức lương trung bình giữa các nước nhờ quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư.
- Làm cân bằng giá tất cả các yếu tố sản xuất trong đó có yếu tố tiền công - tiền lương giữa các nước, các khu vực.
- Tạo tiền đề cho tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như tăng cường cải cách hành chính.
- Học hỏi, áp dụng kiến thức, kinh nghiệm của các nước phát triển.
Thách thức đối với doanh nghiệp
- Khả năng tận dụng các cơ hội của doanh nghiệp (muốn được hưởng các ưu đãi thuế nhập khẩu trong một số lĩnh vực cần đáp ứng được quy tắc về xuất xứ, từ đó mới được hưởng ưu đãi của TPP)
- Tiêu chuẩn cao hơn, chất lượng cao hơn, đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường khó tính.
- Không mang lợi ích cho tất cả, không giống nhau cho tất cả, có những sự khác biệt của nội lực và ngoại lực của mỗi doanh nghiệp tham gia.
- Năng lực nắm bắt, thu thập thông tin, năng lực cạnh tranh, quy mô cạnh tranh.
- Trinh độ, khoa học, công nghệ kỹ thuật, vốn, trình độ quản lý, quản trị.
- Khả năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá thị trường.
- Việc gắn kết, liên kết còn hạn chế.
- Thách thức nhất là nông nghiệp, quá trình tái cơ cấu cũng như tăng năng lực cạnh tranh cho ngành này cần có thời gian và sự đầu tư lớn.
- Sẽ có những rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật tác động.
Những thách thức đối với người lao động
- Trình độ, tay nghề, ngoại ngữ, kỹ năng,.năng lực nắm bắt thông tin của người lao động còn hạn chế.
- Khả năng làm việc nhóm của người lao động hạn chế và chưa chuyên nghiệp.
- Khoảng cách về thu nhập của người lao động tại các nước, các vùng phát triển và chậm phát triển hơn sẽ dần được thu hẹp lại do kết quả của việc tăng trao đổi thương mại và luân chuyển vốn đầu tư.
- Tăng khoảng cách thu nhập trong lao động,các nhóm lao động có trình độ cao sẽ được trả công cao hơn gấp nhiều lần và được hưởng các đãi ngộ lớn hơn hẳn các nhóm lao động khác, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, đẩy nhanh tốc độ phân cực giữa các nhóm lao động.
- Áp lực cạnh tranh trong thị trường, nhiều doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động, giảm tiền lương và trợ cấp phúc lợi, cắt giảm,
- Việc không tuân thủ, vi phạm các quy định về điều kiện an toàn vệ sinh lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các điều kiện làm việc khác.
- Quan hệ lao động trở nên phức tạp hơn, dẫn đến những tranh chấp lao động lơn hơn về quy mô, số lượng và phức tạp hơn.
- Sẽ có một lực lượng lớn lao động nông nghiệp, thanh niên nông thôn gia nhập đội ngũ công nhân lao động trong các doanh nghiệp, tạo sức ép lên việc làm, đời sống xã hội.
Những vấn đề liên quan đến người lao động và công đoàn
Là một nền kinh tế đang phát triển ở mức độ trung bình, việc đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì các điều kiện lao động ở mức cùng tiêu chuẩn tối thiểu với các nước phát triển trong TPP là điều không dễ dàng và có thể là tác nhân làm tăng chi phí sản xuất, từ đó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Các nước TTP không sử dụng tiêu chuẩn lao động làm rào cản thương mại, nhưng cũng không được hạ thấp tiêu chuẩn lao động để giành được lợi thế cạnh tranh trong thương mại. Đây cũng là hai mặt của một vấn đề, khi một quốc gia duy trì lợi thế nhân công giá cạnh tranh để thu hút đầu tư và việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động. Điều đó tạo sức ép cho các doanh nghiệp cần phải chủ động, nâng cao năng lực, không ngừng tự hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
TPP đã dành một chương để quy định các vấn đề liên quan đến lao động, theo đócác thành viên TPP đã thống nhất các quyền cơ bản của người lao động dựa trên 4 nguyên tắc:
- Tuân thủ các quy định của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) về các quyền cơ bản của người lao động tại nơi làm việc.
- Tất cả các tổ chức của người lao động hoạt động ở Việt Nam phải tôn trọng thể chế chính trị và pháp luật của Việt Nam.
- Khi đã đặt ra tiêu chuẩn thì phải sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tuyệt đối không lấy tiêu chuẩn của bất cứ quốc gia nào để áp đặt lên quốc gia khác.
- Các vấn đề khó sẽ tiến hành theo lộ trình.
Trong quy định của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) về các quyền cơ bản của người lao động tại nơi làm việc trong đó người lao động có quyền tự do nghiệp đoàn, như vậy sẽ có công đoàn nằm ngoài hệ thống của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng cũng có thể sinh hoạt, gia nhập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều đó đặt ra là cạnh tranh không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp, thị trường mà chính cả hoạt động công đoàn cũng phải không ngừng hoàn thiện, đổi mới, sáng tạo để thật sự hoạt động có hiệu quả, đại diện bảo vệ và đem lại những lợi ích tốt nhất cho người lao động. Không những tổ chức công đoàn phải đổi mới, mà mỗi cán bộ công đoàn cũng phải tự hoàn thiện mình để đại diện, bảo vệ, giúp đỡ người lao động. Ngược lại nếu hoạt động công đoàn ở đơn vị, doanh nghiệp đó không hiệu quả mà có một tổ chức công đoàn mới ra đời đáp ứng được nguyện vọng của người lao động tại nơi đó thì đó sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với hoạt động công đoàn Việt Nam. Nhưng điều đó cũng là một xu thế khách quan đòi hỏi mỗi cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn phải không ngừng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trần Phong (tổng hợp)