banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Đến lượt công đoàn phải cạnh tranh
Cập nhật lúc 09:49 ngày 27/11/2015

Tuần trước, khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vạch ra khá rõ ràng lộ trình người lao động được quyền thành lập tổ chức đại diện cho mình mà không nhất thiết gia nhập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Dĩ nhiên từ đây đến đó còn rất nhiều việc phải làm như sửa đổi luật lệ, soạn thảo quy trình đăng ký, chỉ định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký... Nhưng quá trình này cũng là dịp để công đoàn cơ sở, công đoàn các cấp và đặc biệt là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn lại hoạt động hiện nay của mình trên cơ sở chuẩn bị cho một sự cạnh tranh lành mạnh nhằm thực sự đại diện cho quyền lợi của người lao động. Một khi người lao động có quyền tự do liên kết thì chỉ có tổ chức nào thật sự giúp họ thể hiện quyền thương lượng tập thể thì tổ chức đó mới là tổ chức đại diện cho họ.


Suy cho cùng cam kết với TPP cũng là cam kết với công nhân mà thôi.

Đây là một vấn đề rất lớn liên quan đến chức năng, vai trò, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Ở đây chỉ xin nói một góc cạnh có thể đang gây hiểu nhầm trong công luận. Đó là suy nghĩ Việt Nam có đến năm năm kể từ ngày TPP có hiệu lực thì sau đó các cam kết về lao động mới phải thực hiện. Thật ra lộ trình năm năm này (hay bảy năm kể từ ngày ký TPP) chỉ áp dụng cho cam kết sửa đổi luật lệ sao cho các tổ chức của người lao động tại các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau ở mức độ liên doanh nghiệp, mức độ ngành hay vùng. Còn việc sửa đổi luật lệ để người lao động tự hình thành tổ chức của mình trong doanh nghiệp thì áp dụng ngay, trước khi TPP có hiệu lực.

Nói cách khác, công nhân từng doanh nghiệp có thể có tổ chức đại diện cho mình mà chỉ cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không cần gia nhập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngay sau khi TPP có hiệu lực. Còn các tổ chức này muốn liên kết ở cấp ngành hay cấp vùng thì phải năm năm sau.

Mặc dù TPP chỉ nói đến công nhân trong các doanh nghiệp, thiết nghĩ quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là một quyền phổ quát nên mở rộng cho các ngành nghề khác. Ví dụ, hiện nay khi nói đến công đoàn ở trường học, có lẽ nhiều người sẽ chỉ nghĩ đến các việc như chăm lo đời sống giáo viên, chuyện hiếu hỉ, chuyện nghỉ mát hay dưỡng sức cho các thầy cô. Nhưng giả sử sau này giáo viên có nghiệp đoàn giáo chức riêng của họ, sẵn sàng đấu tranh cho sự tiến bộ của nghề giáo và cũng là nơi giới giáo chức tu dưỡng, rèn luyện đạo lý nghề giáo bằng những ràng buộc của người trong nghề với nhau - điều đó ắt hẳn sẽ tốt hơn chuyện thăm nhau khi ốm đau.

Cạnh tranh đã từng giúp ngành viễn thông nước ta vượt lên, đạt được những thành tựu đáng kể. Đó chỉ là một minh họa cho sự cần thiết của cạnh tranh trong hoạt động kinh tế. Cho nên nếu nhìn theo cách đó, việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dẫn tới chỗ hệ thống công đoàn nước ta phải cạnh tranh để tự cải tiến nhằm thu hút công nhân đi theo mình là điều đáng mừng chứ không phải là đáng lo. Bởi suy cho cùng cam kết với TPP cũng là cam kết với công nhân mà thôi.

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn