banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Khen thưởng đúng người đúng việc, tạo động lực phát triển thi đua
Cập nhật lúc 12:25 ngày 05/08/2015

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương, các cấp trong ngành đã tổ chức nhiều phong trào thi đua nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, trong đó có vai trò không nhỏ của tổ chức công đoàn. Khen thưởng đúng người đúng việc chính là tạo động lực để phát triển phong trào thi đua. Đó là chia sẻ của Chủ tịch Công đoàn Công Thương Lý Quốc Hùng về công tác thi đua khen thưởng của ngành Công Thương.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của phong trào thi đua với sự phát triển của ngành Công Thương trong những năm qua?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Ngành Công Thương hiện đang điều hành và quản lý nhiều ngành sản xuất quan trọng, chiếm một tỉ lệ lớn trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, việc phát động các phong trào thi đua trong Ngành có ý nghĩa rất quan trọng giúp người lao động tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Các phong trào thi đua đều có tác dụng riêng. Tuy nhiên, kết quả rõ nét nhất và có thể đánh giá, thấy ngay mức độ ảnh hưởng của nó đến doanh nghiệp chính là phong trào thi đua phát huy ý tưởng sáng tạo.

Nhìn lại 5 năm qua, toàn Ngành đã có trên 100 ngàn ý tưởng, sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, làm lợi trên 200 tỉ đồng. Nhiều sáng kiến, giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Con số đó đã đủ nói lên được vai trò của phong trào thi đua với sự phát triển của ngành. Ngoài ra, các phong trào thi đua đã tạo nên sự đoàn kết nhất trí trong tập thể CNVCLĐ, làm cho mỗi người công nhân luôn gắn bó với doanh nghiệp, luôn được thể hiện tính sáng tạo của mình để xây dựng doanh nghiệp, đặc biệt, tạo được việc làm ổn định cũng như thu nhập cho người lao động. Thực tiễn cho thấy, đầu tư cho phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, có ý nghĩa giáo dục người lao động yêu doanh nghiệp hơn, yêu công việc hơn và Tập đoàn, Tổng công ty nào có phong trào thi đua lao động sáng tạo phát triển mạnh mẽ thì ngành đó cũng là ngành có hiệu quả kinh tế cao, phát triển ổn định và bền vững.

PV: Bên cạnh những đơn vị tổ chức tốt các phong trào thi đua thì vẫn còn những đơn vị chạy theo thành tích, thi đua lấy lệ. Theo ông, làm thế nào để tránh tình trạng này, giúp phong trào thi đua đi vào thực chất?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Đúng là hiện nay vẫn còn hiện tượng này. Bên cạnh những đơn vị tổ chức phong trào thi đua mang tính thiết thực, tính thực tiễn, gắn với hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp, gắn với quyền lợi, thu nhập của người lao động thì cũng có những đơn vị còn coi nhẹ công tác thi đua, làm qua loa chiếu lệ, chạy theo thành tích mà chưa đi vào thực chất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt, nếu không quan tâm đến phong trào thi đua thì doanh nghiệp sẽ phát triển không bền vững. Thực tế cho thấy, quan tâm đến phong trào thi đua chính là đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, rèn tác phong công nghiệp cho đội ngũ người lao động. Người lao động trong thời kỳ hội nhập ngoài việc có tay nghề chuyên môn tốt còn phải rèn tính kỷ luật cao, chủ động, sáng tạo trong công việc thay vì thụ động ngồi chờ.

Vì vậy, để tránh hình thức thì ngoài công tác tuyên truyền, phát động phải chú trọng công tác tổng kết nhân rộng điển hình tiên tiến để mọi doanh nghiệp và người lao động thấy được ý nghĩa của phong trào thi đua, kết hợp hài hòa việc khen thưởng về vật chất và tinh thần để tạo động lực cho người lao động phấn đấu. Cụ thể, doanh nghiệp phải đưa ra phong trào thi đua sát với thực tế sản xuất của đơn vị, có tiêu chí rõ ràng, chi tiết. Mặt khác, phải thực hiện nghiêm túc các qui định của nhà nước và ngành đối với qui trình khen thưởng, coi trọng công tác thẩm định, tuyệt đối không cào bằng nhằm mục đích tìm được nhân tố mới, điển hình để khen thưởng đúng người đúng việc, tránh tràn lan.

PV: Vậy vai trò của tổ chức công đoàn trong các phong trào thi đua như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Muốn làm tốt phong trào thi đua thì phải làm tốt công tác tuyên truyền; tham gia tổ chức phong trào thi đua chính là tham gia quản lý; kết quả của phong trào thi đua chính là mang lại quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp. Vì vậy, vai trò của tổ chức công đoàn trong các phong trào thi đua là rất quan trọng. Với mục tiêu công đoàn luôn đồng hành cùng người lao động vì quyền lợi doanh nghiệp thì công đoàn phải chủ động đề xuất, tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với doanh nghiệp của mình.

Ở đây cũng thấy vai trò của người cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn phải hiểu doanh nghiệp đang cần gì, tổ chức công đoàn phải tập hợp được mọi người từ đội ngũ cán bộ quản lý đến công nhân lao động. Từ đó, phối hợp tốt với chuyên môn để tổ chức các phong trào thi đua sát thực tế sản xuất, đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

PV: Theo ông, làm thế nào để khuyến khích người lao động tích cực tham gia vào các phong trào thi đua?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Từ thực tiễn các đơn vị trong ngành, có thể thấy công tác khen thưởng là cực kỳ quan trọng, được trân trọng và động viên bằng vật chất kịp thời chính là động lực kích thích mỗi người lao động hăng hái thi đua. Làm tốt khen thưởng là làm tốt công tác quản lý doanh nghiệp, quản lý con người, do đó, công tác thi đua và khen thưởng phải song hành với nhau. Nếu khen thưởng không đúng người, đúng việc thì phong trào thi đua sẽ không có hiệu quả. Bên cạnh việc khen thưởng cho cán bộ quản lý, cũng cần quan tâm, có tỉ lệ khen thưởng thích hợp đến những người trực tiếp lao động.

Một điều cần thiết nữa là các cấp công đoàn cần hỗ trợ người lao động tham gia công tác thi đua khen thưởng. Bởi người lao động thường làm được, nhưng lại ngại trong khâu viết báo cáo. Vai trò của người cán bộ công đoàn chính là chuyển tải những ý tưởng, thành quả của sản xuất, của người lao động thành báo cáo. Từ đó càng có nhiều người công nhân được khen thưởng, được động viên kịp thời, giúp họ ngày càng gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp và ngày càng có thêm nhiều sáng tạo, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp mình.

PV: Xin ông cho biết, phong trào thi đua sẽ được đổi mới thế nào trong thời gian tới?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Trước tiên, công tác chỉ đạo phong trào thi đua phải xuyên suốt từ Công đoàn Ngành, cấp tập đoàn, tổng công ty đến các đơn vị thành viên. Tiêu chí khen thưởng phải cụ thể, rõ ràng, công khai minh bạch. Mỗi phong trào đều phải có sơ kết, tổng kết, phát hiện kịp thời các nhân tố mới, đúc rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng, khen thưởng kịp thời để khuyến khích người lao động. Việc khen thưởng phải hài hòa giữa các đối tượng: người quản lý, người lao động và cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn phải sát sao hơn với thực tế lao động sản xuất để thấy những cái cần cho doanh nghiệp, từ đó đề xuất phong trào thi đua phù hợp, tránh việc áp đặt duy ý chí từ trên xuống. Người cán bộ công đoàn từ chuyên trách đến bán chuyên trách đều cần đổi mới tư duy, nắm bắt văn bản trong thực tiễn, và quan trọng là phải hiểu chuyên môn, nói được, làm được và viết được để sẵn sàng trợ giúp người lao động.

 PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

 Hồ Nga (thực hiện)