Khi thủ tục khiếu nại, khiếu kiện còn nhiêu khê thì Công đoàn càng cần nâng cao vai trò nhằm giải quyết kịp thời bức xúc của người lao động.
“Bộ Luật Lao động còn nhiều điều khoản không rõ ràng nên khi phát sinh sự việc cụ thể thì mỗi người lại có những ý kiến khác nhau. Người lao động (NLĐ) và chủ doanh nghiệp (DN) đều suy nghĩ theo hướng có lợi cho mình. Thậm chí, các cơ quan chức năng cũng đưa ra quan điểm trái chiều trong quá trình tiếp nhận, tư vấn và giải quyết đơn thư khiếu nại của NLĐ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ lao động tại DN, đồng thời khiến NLĐ nản lòng mỗi khi khiếu nại, khiếu kiện”. Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Hansoll Vina (KCN Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương), đã chỉ ra những bất cập trong việc giải quyết khiếu nại cho NLĐ tại buổi tọa đàm “Thủ tục khiếu nại và hoạt động tư vấn pháp lý cho NLĐ” do Quỹ Châu Á và Báo Lao Động phối hợp tổ chức mới đây.
Cán bộ công đoàn tư vấn pháp luật lưu động cho công nhân tại doanh nghiệp
Nản lòng vì thủ tục
Để khẳng định điều mình vừa nói, bà Hằng nêu dẫn chứng cụ thể điều 17 Bộ Luật Lao động. Năm 2013, do DN phải sắp xếp lại một số bộ phận nên một tài xế có thâm niên 11 năm bị mất việc. Tuy được DN bố trí làm bốc xếp nhưng do tuổi tác đã cao, không đủ sức khỏe nên anh này không đồng ý.
Bị mất việc, anh tài xế đến các cơ quan chức năng để nhờ tư vấn và quyết định kiện DN ra tòa. Ở phiên sơ thẩm, tòa khẳng định NLĐ đúng, Tuy nhiên, ở phiên phúc thẩm, tòa lại xử phần thắng thuộc về DN. “Hai tháng trầy trật đi kiện, rốt cuộc NLĐ vẫn về tay trắng. Phán quyết trái chiều của tòa khiến NLĐ nản lòng và mất niềm tin vào cơ quan chức năng” - bà Hằng bày tỏ.
Ý kiến của bà Hằng lập tức nhận được sự đồng thuận từ các đại biểu. Nhiều người cho rằng đa số NLĐ có trình độ văn hóa thấp trong khi thủ tục giải quyết khiếu nại, khiếu kiện lại không rõ ràng, do vậy, khi phát sinh tranh chấp thì NLĐ thường chọn giải pháp an toàn là nghỉ việc. Điều này dẫn đến hệ lụy tiêu cực là NLĐ chấp nhận quyết định của DN dù chưa biết đúng hay sai. Khiếu kiện khó khăn, con đường khiếu nại cũng rắc rối không kém bởi khi tranh chấp phát sinh, cả NLĐ và DN đều tìm đến cơ quan quản lý lao động hoặc CĐ. Thế nhưng, điều nghịch lý là kết quả giải quyết của các cơ quan này lại không được xem là thủ tục hòa giải. Thực trạng này khiến NLĐ mất nhiều thời gian tìm đến những cơ quan khác nhau mới có thể hoàn tất quy trình giải quyết khiếu nại.
Một vấn đề khác khiến đại biểu băn khoăn là ý thức tuân thủ của DN trong thực hiện giải quyết khiếu nại. Điển hình là việc bồi thường cho một nạn nhân bị tai nạn lao động tại TP HCM. Dù thanh tra lao động đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu DN phải bồi thường 30 tháng lương (tương đương 230 triệu đồng) cho NLĐ, song khi trả được 50 triệu đồng thì DN ngừng chi trả. Điều này khiến gia đình NLĐ khốn đốn, không biết kêu ai bởi luật hiện hành chưa quy định rõ biện pháp chế tài nếu DN né tránh thực hiện nghĩa vụ với NLĐ.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhìn nhận tổng thể các quy định về pháp luật lao động còn nhiều bất cập, thậm chí mâu thuẫn, nên dẫn đến tình trạng nhiều DN “lờ” quyết định của thanh tra lao động.
Công đoàn cần chủ động
Mạnh dạn chỉ ra những bất cập trong quá trình tham gia giải quyết khiếu nại, các đại biểu cũng khẳng định tranh chấp lao động có thể giải quyết ổn thỏa nếu CĐ thực sự chủ động.
Chia sẻ kinh nghiệm ổn định quan hệ lao động tại đơn vị, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch CĐ Công ty CP Dệt may Thành Công (KCN Tân Bình, TP HCM), cho biết khi tranh chấp xảy ra, đa số NLĐ khó lòng theo đuổi đến cùng. Hiểu được điều đó, CĐ cơ sở đã đề xuất DN ban hành quy định tiếp nhận, giải quyết các ý kiến góp ý của NLĐ. Theo đó, DN khuyến khích tất cả NLĐ tham gia góp ý về điều kiện làm việc, các chế độ chính sách và quyền lợi liên quan... Việc góp ý không nhất thiết phải thông qua trưởng đơn vị và cam kết bảo mật các thông tin liên quan. DN cũng quy định cụ thể thời hạn giải quyết với từng loại khiếu nại, tùy mức độ phức tạp và nghiêm cấm tất cả hình thức trù dập NLĐ do góp ý. CĐ còn bố trí một phòng riêng để tiếp nhận các phản ánh, khiếu nại của NLĐ. Với nỗ lực này, NLĐ rất yên tâm khi muốn lên tiếng đòi quyền lợi.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đặc biệt nhấn mạnh về hiệu quả của công tác hòa giải nội bộ thông qua đối thoại định kỳ nhằm giải quyết bức xúc của NLĐ. “Công tác trợ giúp pháp lý vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN và NLĐ. Tuy nhiên, nếu đôi bên cùng thương lượng, giải quyết tận gốc của vấn đề thì mọi việc sẽ ổn thỏa. Để làm được điều này, CĐ cần nâng cao năng lực đại diện trong việc đại diện NLĐ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo hướng hài hòa lợi ích hai bên” - ông Bình góp ý.
Ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Chú trọng đưa pháp luật đến người lao động
Trên thực tế, nhiều quy định về pháp luật lao động chưa phù hợp với thực tiễn và mong muốn của NLĐ. Qua những góp ý xác đáng của NLĐ và cán bộ CĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận và nghiên cứu, góp ý với cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý các cấp CĐ từ tỉnh, thành đến cơ sở cần đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật cho NLĐ, nhất là ở cơ sở, giúp họ hiểu luật và nắm bắt quy trình trong giải quyết khiếu nại, khiếu kiện để không lúng túng khi xảy ra tranh chấp.
TH (Nguồn NLĐ)