banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Tìm “áo xanh” ở đâu vào chủ nhật?
Cập nhật lúc 01:40 ngày 12/05/2015

Ngày chủ nhật nếu không tăng ca thì chỉ biết nằm nhà ngủ. Xem phim, mua sắm, đến các tụ điểm vui chơi, giải trí... trở thành một thú vui xa xỉ với nhiều công nhân 

Chủ tịch CĐ một công ty tại KCX Linh Trung (TPHCM) bảo tôi: “Hiện nay, phần lớn công nhân (CN) không có ngày chủ nhật”. Nửa tin, nửa ngờ trước nhận định này, tôi làm một cuộc khảo sát “bỏ túi” và phát hiện rất nhiều điều đáng suy nghĩ. 


Chủ nhật... ở xưởng 

“Người ta có tiền mới mơ đến ngày chủ nhật để còn nghỉ ngơi, vui chơi; còn nghèo như tụi tôi, chủ nhật nếu không đến xưởng cũng chỉ biết ngủ vùi cho hết ngày”- Ngọc, CN Công ty LHP, thổ lộ. Còn T. Dương (CN Công ty Nidec 

Copal) lại kể: “Anh chị lập gia đình rồi ra riêng, tôi phải chăm sóc ba mẹ già. Ở quê khó kiếm tiền, tôi lên TPHCM tìm việc. Gần 4 năm, hai lần đổi chỗ làm nhưng cũng chỉ quanh quẩn ở quận 7. Chị hỏi tôi ngày chủ nhật làm gì à? Chỉ mong công ty tăng ca để kiếm thêm thu nhập vì hôm đó làm 1 được 2 (lương gấp đôi ngày thường)”. Chính vì vậy mà tuy lên TP 4 năm nhưng Sài Gòn trong mắt Dương chỉ là đoạn đường ngắn từ công ty tới căn phòng trọ chật chội. 

“Quê ở Long An nên chủ nhật tôi tranh thủ về thăm nhà, gởi má chút tiền chợ. Việc đi lại như vậy đã lấy hết thời gian rồi nên tôi không còn phải tính đến chuyện đi chơi”- H. Dung (Công ty Pou Yuen) tâm sự. Với T. Nguyên (Công ty FAPV), ngày nghỉ, nếu không tăng ca, Nguyên lại cọc cạch đạp xe đến nhà trọ của các cô bạn đồng hương Nghệ An, nấu ăn, chơi đến chiều lại lóc cóc đạp xe về. Vậy là xong một ngày chủ nhật. Với nhiều CN ở các KCX- KCN TP, ngày chủ nhật dường như cũng chẳng khác nhau. 

Nếu không tăng ca thì ở nhà... ngủ 

Sau giờ tan ca chiều chủ nhật, thấy một cô CN cứ tần ngần trước một shop thời trang nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát, tôi bắt chuyện làm quen. “Là con gái, thấy quần áo đẹp ai mà không thích. Nhưng tôi chỉ xem chơi thôi”- T. Phượng (Công ty FAPV) bộc bạch. Thú vui cuối tuần của Phượng là đạp xe đi dạo loanh quanh gần khu nhà trọ, ngắm quần áo, trang sức cho “đã mắt” chứ không dám vào vì các chủ cửa hàng thường không mấy niềm nở với những khách hàng áo xanh như Phượng. Họ nghĩ, CN làm gì có tiền mà mua. 

Hai chị em A. Duyên (Công ty May đan Goodtop, KCN Tân Tạo) thì thổ lộ: “Chủ nhật là ngày duy nhất trong tuần tụi tôi được ngủ đủ giấc, không lo trễ giờ đi làm. Ngủ vừa khỏe vừa đỡ tốn tiền”. Tuy nói vậy, nhưng sau đó, Duyên cũng đồng ý với tôi rằng, sau một tuần làm việc mệt đừ, họ cũng cần được nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn: “Công viên Phú Lâm là nơi duy nhất tụi tôi ghé chơi, vì không phải tốn tiền mua vé vào cổng. Nhưng do đạp xe hơi xa nên thỉnh thoảng mới đi”. Điểm hẹn miễn phí của CN KCX Tân Thuận là công viên nho nhỏ trước cổng KCX. Thế nhưng, được một thời gian, các bạn cũng thấy... chán vì nhìn đi nhìn lại, cũng chỉ có mấy khóm hoa, bãi cỏ, hồ nước nhỏ xíu. Thế là lại nằm nhà đọc tạp chí cũ mua từ các xe bán dạo hoặc ở các vỉa hè với giá từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/quyển vì “làm gì có truyền hình mà coi”. 

Giá như cuộc sống ít khó khăn hơn... 

Với CN đã có người yêu thì hơi khác. Chủ nhật là ngày họ dành trọn cho “nửa kia” của mình. Đi làm cả tuần, chủ nhật là ngày duy nhất họ được ở bên nhau, nấu cho nhau bữa cơm tươm tất hơn ngày thường một chút hoặc chở nhau dạo qua các con phố ngày nào cũng qua lại đến mòn chân, hoàn toàn không có chuyện đến rạp xem phim hay đến các sân khấu ca nhạc. Lên Sài Gòn được 3 năm, yêu nhau gần 2 năm song T. Trang (Công ty FAPV) và người yêu của cô cũng chỉ mơ một lần được đặt chân đến rạp xi-nê cho biết với người ta. Nhưng ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. 

Những ngày chủ nhật của Nguyên, Dương, Trang, Phiên... cùng hàng ngàn CN tại các KCX- KCN cứ thế bình lặng trôi qua. Nhìn họ, tôi bỗng ao ước, giá như có thể đổi thay sự bình lặng ấy bằng những cuộc vui chơi, giải trí, học hành; những sinh hoạt cộng đồng bổ ích thì hay biết mấy. Nhưng ước mơ đó khó thành sự thật một khi đời sống của CN còn quá khó khăn và những quan tâm đối với họ còn quá mờ nhạt.

Phương Trang (Theo NLĐ)