banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Những góc nhìn về lao động nữ khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay
Cập nhật lúc 03:21 ngày 22/05/2015

Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay với mục tiêu là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong mục tiêu đó không thể không nói đến vai trò của giai cấp công nhân - lực lượng chính tạo ra sản phẩm cho xã hội, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển


Công nhân lao động hàng năm làm ra khối lượng sản phẩm chiếm hơn 1/2 tổng sản phẩm quốc dân và đóng trên 60% ngân sách cả nước, cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp trên toàn quốc đã mang lại nhiều tác động tích cực trong tạo việc làm, thu hút một lực lượng lao động với quy mô lớn và đa dạng về đặc trưng nhân khẩu học và xã hội. Đến nay, có hơn 10 triệu người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau và có gần 2 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trong đó gần 70% là lao động nữ.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. Bên cạnh đó có rất nhiều yêu cầu mới, vấn đề mới đặt ra, đòi hỏi đội ngũ công nhân lao động phải không ngừng nỗ lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ công nhân lao động cần phát triển theo hướng là lao động có trí tuệ và sáng tạo, phát triển về số lượng và chất lượng theo hướng ngày càng tri thức hoá.

 Sự gia tăng số lượng công nhân lao động đã tạo áp lực lớn và những hệ quả trong đời sống văn hóa - xã hội ở các địa bàn dân cư. Lao động nữ đang làm việc tại các khu công nghiệp là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, họ đã và đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những bất cập trong vấn đề tiền lương, thu nhập, đời sống văn hóa tinh thần, điều kiện chăm sóc con, sức khỏe sinh sản…Để xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, trước hết cần quan tâm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị và trình độ các mặt của giai cấp công nhân, đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân, chăm lo lợi ích thiết thân của đội ngũ công nhân lao động, đặc biệt là công nhân lao động nữ, nhất là về giải quyết việc làm, nhà ở, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điều kiện chăm sóc con cái, sức khỏe sinh sản và các chính sách xã hội khác.

Góc nhìn từ hệ thống chính sách pháp luật đối với lao động nữ, lao động nữ khu công nghiệp

Hệ thống khung pháp lý gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, ở Việt Nam có Hiến pháp, các Luật và văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước” trong đó đưa ra nhiệm vụ là giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách  của giai cấp công nhân, tạo được chuyển biến thật sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân (về nhà ở, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ...) tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của giai cấp công nhân; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp.

Bộ Luật Lao động năm 2012 đã dành chương X “những qui định riêng đối với Lao động nữ”; Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (Ban hành theo Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án 31 của Chính phủ về: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và những quy định pháp luật khác có liên quan cho công nhân, lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ”...

Góc nhìn từ thực tiễn đời sống thực tiễn lao động nữ nhập cư khu công nghiệp, khu chế xuất  (theo kết quả đề tài nghiên cứu “Thực trạng mức sống của lao động nữ nhập cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay” do Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng tổ chức ActionAid Việt Nam tiến hành khảo sát):

Đa phần lao động nữ (LĐN) nhập cư có tuổi đời khá trẻ, trình độ chuyên môn, kỹ thuật còn hạn chế và phải thuê nhà trọ: LĐN nhập cư có tuổi đời khá trẻ, từ 18- 40 tuổi chiếm 97.9%. Tỷ lệ đã kết hôn 71,7% và đã có con: 62.1%. Có 44,3% LĐN nhập cư chưa qua đào tạo. Ngay cả đối với lao động đã qua đào tạo, có tới 77% trong số họ phải đào tạo lại tại doanh nghiệp mới có thể để đáp ứng công việc.Tỷ lệ LĐN nhập cư phải thuê nhà trọ hoặc ở nhờ nhà người thân có tỷ lệ cao, chiếm 70,8%, trong khi đó chỉ có 2% được ở nhà của doanh nghiệp và 28,8% ở nhà riêng.

Tiền lương, thu nhập của lao động nữ nhập cư không đủ trang trải cho các chi phí tối thiểu cần thiết: Tiền lương, thu nhập thực tế của đa số người lao động, trong đó có LĐN nhập cư hiện nay còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày.  Cụ thể, LĐN nhập cư có thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ: 31,3%; từ 3,1-4 triệu đồng/ tháng chiếm tỷ lệ 39,7%, và từ 4,1-5 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ 28,6%; tỷ lệ có thu nhập trên 5 triệu đồng tháng chỉ chiếm khoảng 2%. Do đó cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn và bấp bênh hơn. Kết quả là 88,8% LĐN nhập cư phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống ngày càng tăng: chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu như ăn ở, đi lại, chi phí khám chữa bệnh và nuôi con nhỏ bình quân hàng tháng của LĐN nhập cư ở mức 5-7 triệu đồng/tháng (quy mô gia đình 3-4 người). Trong đó chi cho thuê nhà trọ của chị em nhập cư trung bình 500- 600 ngàn đồng/tháng. Đánh giá về thu nhập của mình, LĐN nhập cư cho biết: có 22,8% cho rằng thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống; 39,2% cho rằng phải chi tiêu tằn tiện và tiết kiệm mới đủ sống; 36,4% cho rằng thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống; chí có 1,7% chị em cho biết thu nhập có tích lũy.

Lao động nữ nhập cư có cuộc sống bấp bênh, không có tiết kiệm phòng tránh rủi ro: Với thu nhập thấp, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày, trong khi đa phần LĐ nhập cư phải thuê nhà trọ để ở, đời sống của NLĐ đặc biệt là LĐN nhập cư ở trong tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định. Kết quả khảo sát cho biết 56,5% gia đình chi em nữ nhập cư không có tiền tiết kiệm đề phòng lúc gặp khó khăn và tránh rủi ro. Trong những người có tiết kiệm, số tiền cũng không nhiều, mức dưới 1 triệu đồng/tháng, chiếm 78,1%.

Lao động nữ nhập cư hầu như không có thời gian và  ngân sách dành cho đời sống văn hóa tinh thần: Quy hoạch và phát triển các KCN, KCX thiếu đầu tư đúng mức vào các khu dân sinh ngoài KCN, KCX, thiếu đồng bộ trong việc dành quỹ đất và hạn chế về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho người lao động. Thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống, khiến NLĐ trong đó có LĐN nhập cư hầu như không có thời gian và ngân sách cho việc thụ hưởng các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao, chăm sóc sức khỏe để tái tạo sức lao động. Kết quả nghiên cứu cho thấy loại hình giải trí phổ biến cho LĐN nhập cư là xem ti vi, nghe nhạc (47,7%).

Các chính sách hỗ trợ cho lao động nữ nhập cư của nhà nước và doanh nghiệp còn rất hạn chế: chỉ có 2% LĐN được ở nhà của doanh nghiệp. Ngoài ra doanh nghiệp chưa có chính sách hỗ trợ riêng cho LĐN nhập cư từ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo đến đãi ngộ...Thêm vào đó, cũng chưa có sự phối kết hợp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội địa phương với công đoàn, chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách xã hội cho LĐN, nhất là LĐN nhập cư.

Điều kiện nhà ở và các đồ dùng thiết yếu: nhà trọ của LĐN tại các khu dân cư gần các  KCN, KCX diện tích trung bình 10 -15 m2 cho 3 - 4 người. Có 23,0% không khép kín, các công trình vệ sinh, nhà tắm dùng chung; có 35,7% có chỗ nấu ăn nhưng không có nhà vệ sinh; còn lại là nhà trọ khép kín, nhưng phòng vệ sinh chật chội, và thiếu ánh sáng. LĐN nhập cư KCN gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống như ăn, ở, đi lại, quan hệ cộng đồng. Có đến 76% LĐN nhập cư khẳng định có khó khăn trong cuộc sống và một bộ phận không nhỏ LĐN nhập cư chưa lập gia đình bày tỏ sự lo lắng về việc khó lập gia đình vì đời sống quá vất vả.

Những thách thức, nguyên nhân, hạn chế đối với lao động nữ khu công nghiệp

Trên thực tế việc thực thi các chính sách pháp luật về lao động nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều vấn đề và chưa thực sự đi vào cuộc sống của công nhân lao động nữ. Nhiều hoạt động mang tính hình thức, đối phó và do chính sự bất cập, thiếu đồng bộ trong việc thực thi chế độ chính sách pháp luật đối với người lao động.

 Với mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp là lợi nhuận, việc người chủ sử dụng lao động vận dụng tối đa những điều luật pháp không cấm và sử dụng tối đa sức lao động của người lao động mà chỉ muốn chi trả cho họ khoản chi phí thấp nhất có thể là điều thường xảy ra trong thực tiễn. Không những vậy, một thực tế là đối với những vấn đề không được nêu rõ hoặc nêu chung chung trong luật mà chỉ mang lại lợi ích cho người lao động và làm tăng chi phí của doanh nghiệp sẽ không được doanh nghiệp áp dụng hoặc áp dụng đầy đủ như việc quan tâm đến đời sống của người lao động nữ bao như: nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, thể dục thể thao, nơi trông giữ trẻ, mẫu giáo...Đây là những vấn đề mang tính xã hội, không trực tiếp thuộc trách nhiệm của người chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó những vấn đề này một mình doanh nghiệp khó có thể làm được nếu không có sự hỗ trợ  tích cực, quyết liệt của Nhà nước, các cấp, các ngành liên quan.

Bên cạnh đó một phần không nhỏ lao động nữ khu công nghiệp, khu chế xuất chưa nắm được các quy định của chính sách pháp luật và phần lớn lao động nữ làm việc trong các khu công nghiệp đến từ các vùng nông thôn, trình độ tay nghề còn hạn chế, chủ yếu làm việc thủ công nên khi tìm được một công việc có thu nhập đã được coi là một sự may mắn nên dẫn đến tình trạng cam chịu, chấp nhận làm việc khi người chủ doanh nghiệp chưa áp dụng, thực thi các chế độ chính sách pháp luật đối với người lao động theo quy định...

Góc nhìn về vai trò của tổ chức công đoàn đối với lao động nữ khu công nghiệp, khu chế xuất

Trong những năm qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn đã có nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, hoạt động đối với lao động nữ, lao động nữ khu công nghiệp như:

Nghị quyết số 03a/NQ-TLĐ ngày 17/02/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ III Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XI về nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nghị quyết 6b/TLĐ ngày 29/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn “Về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” và Chỉ thị 03/CT-TLĐ ngày 18/8/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức lao động.

Với các hoạt động nhằm giáo dục, nâng cao hiểu biết về chế độ, chính sách và các quyền lợi liên quan cũng như kỹ năng sống cho LĐN nhập cư, hỗ trợ LĐN nhập cư hòa nhập cộng đồng ở địa phương nơi đến và khuyến khích họ tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục... Đồng thời truyên truyền, vận động và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi LĐN nhập cư sinh sống có nhiều biện pháp hỗ trợ họ hiệu quả, như trợ giúp pháp lý; nơi ở và bảo đảm an ninh trật tự; xây dựng mô hình câu lạc bộ công nhân nhà trọ; mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng...

Bên cạnh đó, công đoàn các cấp thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vướng mắc khó khăn của LĐN nói chung và LĐN nói riêng trong các KCN-KCX để có những giải pháp phối hợp tháo gỡ giải quyết kịp thời. Với các hoạt động nâng cao năng lực của tổ chức công đoàn các cấp, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp, đặc biệt tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hoạt động công đoàn không ngừng đổi mới, chủ động, tích cực, sáng tạo với các hoạt động thiết thực, hiệu quả, thường xuyên, liên tục để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho lao động nữ nói chung và lao động nữ nhập cư tại các khu công nghiệp nói riêng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng lương Quốc gia, tham gia đóng góp trong quá trình tham mưu xây dựng chế độ tiền lương cho người lao động. Với các kiến nghị cụ thể như đề nghị Chính phủ nghiên cứu thực hiện lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người lao động theo kết luận số 23/KL-TW ngày 29/5/2012 của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và theo Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012.

         Kim Sơn  (tổng hợp)