banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Các quyền tự do cơ bản của công dân
Cập nhật lúc 12:46 ngày 27/04/2015

Quyền tự do cơ bản của công dân là giá trị nhân văn to lớn của xã hội loài người và mang tính lịch sử đối với mỗi quốc gia - dân tộc. Các quyền tự do cơ bản của công dân luôn được đặt ở vị trí đầu tiên, quan trọng nhất, không thể tách rời đối với mỗi cá nhân và là các quyền tối thiểu mà cá nhân phải có. Đây là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân loại tiến bộ thế giới.

Các quyền tự do cơ bản của công dân thường được xuất phát từ các quyền tự nhiên thiêng liêng và bất khả xâm phạm của con người như quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc và là các quyền được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận. Đây thực chất là các quyền con người, quyền được sống với tư cách là một cá nhân trong xã hội, công dân của một nước. Các quyền con người lần đầu tiên được trang trọng ghi nhận trong Tuyên ngôn độc lập của Mĩ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791 cũng khẳng định: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Các quyền tự do cơ bản của công dân được luật pháp quốc tế bảo vệ.

Ở mỗi nước, các quyền tự do cơ bản của công dân đều được ghi nhận trong Hiến pháp và trong các luật liên quan. Các quyền tự do cơ bản của công dân cần phải được quy định trong Hiến pháp - văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, vì đây là các quyền liên quan đến con người và để bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng. Đây đồng thời là chế định pháp lý cơ bản, xác định địa vị pháp lý của công dân trong mối quan hệ với Nhà nước và xã hội, là cơ sở để xác định các quyền và nghĩa vụ khác của công dân ở mọi cấp độ và trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi nhà nước thừa nhận công dân có các quyền tự do cơ bản về thân thể, tinh thần, tự do lao động và sáng tạo, tự do kinh doanh, học tập và tự do nghiên cứu khoa học… Nhìn vào các quyền tự do cơ bản của công dân ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật, chúng ta có thể đánh giá mức độ dân chủ, nhân đạo, tiến bộ và mối quan hệ giữa nhà nước, xã hội và công dân ở mỗi nước.

Ở Việt Nam, từ khi thành lập cho đến nay, Nhà nước luôn luôn tôn trọng các quyền tự do cơ bản của công dân và coi đó là một trong những nguyên tắc xây dựng pháp luật của Nhà nước. Nhà nước ta đã ghi nhận các quyền tự do cơ bản của công dân trong Hiến pháp và pháp luật. Mỗi công dân được quyền tự mình lựa chọn và thực hiện các quyền tự do cơ bản của mình trong khuôn khổ của pháp luật mà không có sự ngăn cản, hạn chế nào. Các quyền con người, quyền tự do của công dân Việt Nam do pháp luật quy định gồm có:  Quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền ,tự do cư trú, tự do kinh doanh, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình,tự do nghiên cứu, sáng tác, tự do lựa chọn nghề nghiệp mưu sinh, tự do hôn nhân…

Việc đề cao các quyền tự do cơ bản của công dân xuất phát từ mục đích hoạt động của Nhà nước ta luôn vì con người, đề cao nhân tố con người trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà nước và xã hội. Đặc biệt, hiện nay, nước ta đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà một trong những nội dung quan trọng của Nhà nước pháp quyền là khẳng định cội nguồn quyền lực nhà nước là ở nhân dân, trong đó nhà nước là của nhân dân:

Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định:

“Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Trong nhà nước pháp quyền, một mặt, pháp luật bảo đảm cho sự phát triển tự do tối đa của nhân dân, mặt khác pháp luật xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn định, trong đó không chỉ mỗi công dân, mỗi cá nhân, mà bản thân nhà nước và những người đứng đầu chính quyền cũng phải tôn trọng pháp luật. Hai mặt dân chủ và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền gắn bó hữu cơ, làm tiền đề tồn tại cho nhau và tạo nên bản chất của Nhà nước pháp quyền trong lịch sử nhân loại đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhà nước bảo đảm quyền tự do dân chủ cho công dân nhưng nghiêm cấm lợi dụng các quyền tự do dân chủ để để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân”.

 Bỉnh Bút