Trong nhiều thập kỷ qua, kinh tế của Đông Nam Á đã biến đổi về chất nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và chuyển đổi nhân khẩu học. Các nước trong khu vực cũng đã được định hướng bởi các tổ chức hợp tác khu vực, lâu nhất và nổi tiếng nhất là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hiện nay, đang bước vào một kỷ nguyên mới với một mốc quan trọng sẽ đạt được trong năm 2015 là sự hình thành, tạo ra một thị trường, một khu vực sản xuất chung và những cơ hội mới vì sự thịnh vượng trong khu vực.
Hoạt động kinh tế mạnh mẽ đã biến ASEAN trở thành một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới. Từ năm 2007, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của nền kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,3% thì tốc độ tăng trưởng của khối ASEAN là 5,1%. Điều này đã cải thiện đáng kể các tiêu chuẩn sống: Từ năm 1991 đến năm 2013 đã có 83 triệu người lao động thoát khỏi đói nghèo và gia nhập tầng lớp trung lưu. Là một khu vực có dòng đầu tư nước ngoài đổ vào cao nhất trên thế giới, nhờ sức hút của lực lượng lao động 300 triệu người, thị trường tiêu dùng luôn tăng trưởng, mạng lưới cơ sở hạ tầng liên tục mở rộng.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức. Tỷ lệ nghèo đói, bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội, còn nhiều người lao động làm những việc kém chất lượng. Khoảng 179 triệu người lao động (hoặc ba phần năm) thuộc diện dễ bị tổn thương và 92 triệu người có thu nhập quá thấp nên chưa thể thoát khỏi đói nghèo. Đảm bảo việc làm bền vững cho những lao động trẻ và phụ nữ là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Những vấn đề này của thị trường lao động càng trở nên trầm trọng hơn do các cam kết về tiêu chuẩn lao động và bảo trợ xã hội hiện còn rất hạn chế. Song, nếu không được quản lý phù hợp AEC có thể khiến cho những thâm hụt thị trường lao động và bất bình đẳng thêm trầm trọng. Vì vậy, các nước thành viên ASEAN sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc tăng hoặc giảm số việc làm, phát triển kỹ năng, tiền lương và năng suất, di cư lao động và các hệ thống bảo trợ xã hội.
Việc kết nối các cộng đồng qua những mạng lưới hữu hình tạo điều kiện cho việc lưu chuyển hàng hóa, vốn, lao động và ý tưởng, đồng thời làm giảm tổng chi phí giao dịch. Việc tối đa hoá lợi ích như vậy sẽ đòi hỏi sự điều phối tốt hơn giữa các nhà hoạch định chính sách nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng thích hợp. Một loạt các khu kinh tế tiểu vùng đã xuất hiện từ những năm 1990 với mục đích chuyển đổi những khu vực liên quốc gia tiếp giáp nhau thành các vùng kinh tế hấp dẫn. Ngoài ra, ASEAN có một loạt các hiệp định thương mại với các nước châu Á quan trọng như: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Các sáng kiến này đã đưa ASEAN vào một vị trí nổi bật nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập kinh tế trong khu vực.
Việc nắm bắt được những lợi ích tiềm năng phụ thuộc vào việc đưa ra các chính sách hợp lý, bao gồm chính sách hướng tới việc làm chất lượng cao, chính sách tăng cường bảo trợ xã hội và các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn. Một sự dịch chuyển cơ cấu đang diễn ra đó là sự suy yếu của ngành nông nghiệp - chiếm 40% tổng số việc làm, ngành dịch vụ với 40,6% tổng số việc làm, trong khi 19,4% việc làm còn lại được đóng góp bởi ngành Công nghiệp. Thách thức đối với một số quốc gia là phần lớn việc làm được tạo ra tại các ngành có năng suất không cao hơn năng suất nông nghiệp là mấy - và đôi khi còn thấp hơn… lợi ích sẽ không được phân phối đồng đều giữa các quốc gia hoặc khu vực, hoặc giữa phụ nữ và nam giới. Thay đổi trong sự phân bổ việc làm giữa các ngành kinh tế trong khu vực sẽ dẫn đến sự thay đổi nhu cầu về vị trí ngành nghề. Nhu cầu về lao động có tay nghề thấp hoặc trung bình sẽ tiếp tục duy trì, tuy nhiên dự đoán nhu cầu với lao động có kỹ năng cao sẽ tăng nhanh tại một số nền kinh tế. Các doanh nghiệp sẽ cần phải thu hút và giữ chân lao động có tay nghề cao bằng mức lương tốt hơn nhằm cạnh tranh bằng năng suất...
Khi mức lương cao hơn được trả cho việc cải thiện kỹ năng và tăng năng suất, người lao động sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn từ thu nhập của họ - điều này làm tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia thành viên ASEAN, trong khi sức mua của tiền lương đã tăng lên trong những năm gần đây, khoảng cách thu nhập giữa những người có mức lương thấp nhất và những người có mức lương cao nhất đang bị nới rộng. Thêm vào đó, vẫn còn những khác biệt lớn về mức lương giữa các nước thành viên ASEAN - trải từ 119 USD/ tháng tại Lào tới 3.547 USD tại Singapore. Điều này phần nào phản ánh sự khác biệt đáng kể về năng suất lao động.
Hiện nay, có rất ít thương lượng tập thể thực sự giữa tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động tại khu vực tư nhân ở hầu hết các nước thành viên ASEAN. Cơ chế chính để xác định mức tiền lương là xây dựng mức lương tối thiểu - và nếu chúng không được điều chỉnh thường xuyên, quan hệ ngành nghề có thể trở thành xung đột. Để người lao động và người sử dụng lao động cùng có lợi, mức lương tối thiểu cần được đánh giá thường xuyên dựa trên các quy trình vững vàng dựa trên chứng cứ thực tế.
Các nước thành viên sẽ cần phải tạo điều kiện và quản lý sự thay đổi cơ cấu do AEC mang lại. Những biện pháp này bao gồm tăng cường các chính sách công nghiệp và chính sách ngành, hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ hơn, củng cố các chính sách việc làm và kỹ năng nghề, và cải thiện khả năng kết nối cũng như cơ sở hạ tầng. Đồng thời, xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội có hiệu quả cho những lao động dễ bị tổn thương cũng như cho phụ nữ, nam giới có nguy cơ mất việc làm và thu nhập trong một số ngành kinh tế suy giảm là rất quan trọng. Hội nhập khu vực sâu hơn mang đến nhiều triển vọng kinh tế to lớn, nhưng biến những lợi ích này thành sự thịnh vượng chung và phát triển công bằng cần có những cải cách mạnh mẽ về thể chế cho thị trường lao động. Việc hội nhập sâu rộng hơn sẽ đòi hỏi các quan hệ đối tác khu vực sâu hơn. Điều này bao gồm việc thực hiện các thỏa thuận bước ngoặt của ASEAN như Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Lao động Di cư và Tuyên bố ASEAN về Tăng cường Bảo trợ Xã hội. Ưu tiên khác cho hợp tác khu vực gồm mở rộng các thỏa thuận công nhận lẫn nhau, hoàn thiện khung tham chiếu về tiêu chuẩn nghề ASEAN, tăng cường thông tin thị trường lao động và tăng cường các nghiên cứu giúp kiểm soát các tác động của AEC vào thị trường lao động.
Những nỗ lực hợp tác khu vực như vậy cần phải phù hợp với chính sách quốc gia. Mỗi nước thành viên sẽ cần xác định trình tự thích hợp nhất cho các chính sách theo từng hoàn cảnh riêng của họ, trong khi tạo ra một sân chơi cạnh tranh bình đẳng, chẳng hạn như thông qua phê chuẩn các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Cuối cùng, sự thành công của hội nhập khu vực ASEAN sẽ phụ thuộc vào cách thức nó ảnh hưởng đến thị trường lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động trong khu vực như thế nào.
Đàm Bảo Linh (sưu tầm)