Ngày 30/9/2014 tại Hội trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Công đoàn Công thương Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về “Bộ luật Lao động, Luật công đoàn năm 2012 sau 1 năm thực hiện – Vấn đề lao động và vai trò công đoàn trong Hiệp định Thương mại tự do” khu vực phía bắc nhằm tổng kết đánh giá công tác thực hiện luật Lao động và luật Công đoàn, thu thập ý kiến vướng mắc của các đơn vị cơ sở sau 1 năm Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành, đồng thời phổ biến, nâng cao nhận thực của các đơn vị cơ sở về vai trò của Công đoàn trong tiến trình Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế.
Đến dự và chỉ đạo Tọa đàm có đồng chí Lý Quốc Hùng, Chủ tịch CĐCT Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Thái, Phó Chủ tịch CĐCTVN. Tham gia tọa đàm có đại diện Ban quan Hệ Lao động Tổng liên đoàn và Đại diện Vụ chính sách Đa biên Bộ Công thương và hơn 70 đại biểu đến từ các đơn vị trong ngành Công thương Việt Nam.
Qua một năm thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn:
Về sử dụng lao động toàn ngành hiện có 3.408 lao động không có việc làm, theo đó nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế khó khăn tác động trực tiếp đến người lao động, đặc biệt là công nhân sản xuất theo các mặt hàng theo nhu cầu thị trường tạo nên tình trạng thiếu việc làm.
Về thực hiện ký hợp đồng lao động năm 2013 đã có 173.684 người ký hợp đồng lao động chiếm 98,3%, trong đó: hợp đồng không xác định thời hạn là 68.322 người, chiếm 38,6%; hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng đến 36 tháng là 72.390 người, chiếm 40,7%; hợp đồng lao động dưới 12 tháng 32.037 người, chiếm 18,1%; số lao động chưa ký hợp đồng lao động là 4.062 người, chiếm 0,9%. Còn lại là đối tượng ký hợp đồng dưới dạng thời vụ hiện đang thiếu việc làm và các đối tượng không phải ký hợp đồng lao động 1.271 người chiếm 1,7%. Hợp đồng lao động được ký kết giữa người lao động và người sử dụng lao động đều đảm bảo theo quy định của Bộ Luật lao động về đối tượng, hình thức, nội dung của hợp đồng lao động theo mẫu hướng dẫn của Bộ Lao động- TB&XH.
Về Tiền lương, thu nhập bình quân của các doanh nghiệp là 6.022.922 đồng/người/tháng, trong đó: các doanh nghiệp nhà nước có thu nhập 5.241.533 đồng/người/tháng; các doanh nghiệp dân doanh có thu nhập 6.870.602 đồng/người/tháng. Một số đơn vị luôn đảm bảo mức tiền lương và thu nhập cao hơn so với mặc bằng toàn ngành. Nhìn chung, các doanh nghiệp trong ngành đã thực hiện thanh toán tiền lương đầy đủ cho người lao động, không để nợ lương; đồng thời xây dựng kế hoạch tiền thưởng cuối năm mức thưởng là từ 50.000 đồng đối với người lao động làm đủ 1 tháng, bình quân 2.800.000 đồng đối với người lao động làm đủ 12 tháng trở lên. Việc nâng bậc lương hàng năm cho người lao động được các doanh nghiệp thực hiện theo Quy chế nâng bậc lương của doanh nghiệp, hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết.
Về bảo hiểm xã hội, nhìn chung các đơn vị trong toàn ngành đều chấp hành các quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Các chế độ bảo hiểm xã hội như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện thanh toán kịp thời, tình trạng nợ đọng bảo hiểm hàng năm không xảy ra.
Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tùy theo điều kiện sản xuất kinh doanh và tính chất nghề mà doanh nghiệp bố trí thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lý.
Đối với việc xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các đơn vị cơ sở đều đã triểu khai thực hiện xây dựng và đăng ký thỏa ước lao động tập thể. Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể đảm bảo trình tự thủ tục, có biên bản lấy ý kiến tập thể người lao động. Nội dung thỏa ước lao động tập thể đã quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động về: việc làm, bảo đảm việc làm; hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, BHXH…Tuy nhiên, cũng còn một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của việc ký kết thỏa ước lao động tập thể nên đến nay chưa xây dựng được thỏa ước hoặc xây dưng thỏa ước nhưng chưa ký kết được.
Việc áp dụng chính sách đối với lao động nữ, nhiều doanh nghiệp có đông lao động nữ đặc biệt là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực da-giầy rong quá trình thực hiện Bộ luật Lao động nhìn chung các doanh nghiệp đã đảm bảo cho lao động nữ có đủ việc làm, đời sống ổn định, được bố trí làm việc ở những vị trí phù hợp với ngành nghề, sức khỏe của phụ nữ.
Tuy vậy vẫn còn một số những hạn chế, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về Pháp luật lao động, chưa chấp hành đầy đủ những quy định của Pháp luật Lao động đối với người lao động, chưa quan tâm nâng cao tiền lương, đời sống và lợi ích khác của người lao động. Chưa quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến Pháp luật lao động và các quy định của doanh nghiệp trong nội quy lao động, nội quy an toàn lao động, thỏa ước lao động tập thể, thang tương bảng lương đến người lao động. Cán bộ làm công tác về chính sách pháp luật còn nhiều hạn chế. Người lao động còn thiếu hiểu biết về Pháp luật lao động, nên ý thức chấp hành kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn chưa cao.
Tại tọa đàm các đại biểu đã đưa ra một số vướng mắc và kiến nghị sửa đổi chế độ chính sách như sự khác biệt giữa mức đóng bảo hiểm xã hội và mức áp dụng chi trả bảo hiểm xã hội trên thực tế hiện nay; vấn đề tổ chức hội nghị người lao động tại các doanh nghiệp, cũng như việc xây dựng và áp dụng thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ tại cơ sở; vai trò và sự ảnh hưởng của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động tại các doanh nghiệp thuộc khối doanh nghiệp tư nhân.
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được cung cấp một số thông tin về các hiệp định thương mại tự do như hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thời cơ và thách thức đối với nền kinh tế, các doanh nghiệp, vấn đề lao động việc làm và vai trò của tổ chức công đoàn khi Việt Nam tham gia các hiệp định trên.
Một số hình ảnh tại buổi Tòa đàm
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Đ/c Lý Quốc Hùng - Chủ tịch CĐCTVN phát biểu khai mạc
Đ/c Nguyễn Xuân Thái - Phó Chủ tịch CĐCTVN đọc báo cáo tổng hợp
Các đại biểu tham gia trao đổi và thảo luận
Đ/c Ngô Chung Khanh - Vụ Phó Vụ Đa Biên, Bộ Công Thương trao đổi tại Tọa đàm
Đ/c Phạm Thị Thu Lan - Trưởng phòng QHQT, Ban Đối ngoại TLĐLĐVN trao đổi tại Tọa đàm
Tin: Trần Ngọc Anh
Ảnh: Mạnh Tuấn