banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Hoạt động công đoàn góp phần bảo đảm an sinh xã hội
Cập nhật lúc 09:48 ngày 31/07/2014

An sinh xã hội là sự bảo vệ, bảo đảm của xã hội đối với các thành viên của mình; bao gồm hệ thống các chính sách pháp luật, chế độ, chương trình hoạt động, biện pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để giải quyết các vấn đề xã hội nhằm nâng cao an sinh xã hội cho cá nhân, nhóm và cộng đồng; với các hoạt động cụ thể như tạo việc làm, đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động; chính sách pháp luật về bảo hiểm, chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm; chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội, chính sách người có công, xóa đói giảm nghèo, dịch vụ xã hội cơ bản… hướng tới mục tiêu “không ai bị gạt ra bên lề xã hội và sự phát triển của xã hội”.

Hiện nay, vấn đề an sinh xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm chia sẻ trách nhiệm cộng đồng hướng tới sự công bằng xã hội. Do đó bảo đảm an sinh xã hội là thước đo của sự phát triển kinh tế xã hội. Trong Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều điểm mới, đặc biệt là Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” là một chương có số lượng điều nhiều nhất trong Hiến pháp với 36 điều, đây là điểm nổi bật của Hiến pháp năm 2013, coi con người là chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển.

Đ/c Trịnh Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch CĐCTVN tặng quà Tết cho CNVCLĐ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 01/7/2014 lực lượng lao động cả nước là 53,7 triệu người, tăng 0,2 triệu người so với năm 2013, trong đó lao động nam chiếm 51,4%, lao động nữ chiếm 48,6%. Tổ chức công đoàn với vai trò và chức năng của mình đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tham gia quản lý, tham gia kiểm tra, giám sát và tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật người lao động; bên cạnh đó các cấp công đoàn cũng là lực lượng quan trọng, nòng cốt tham gia góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Công đoàn các cấp đã tham gia, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và hoạt động gần đây là tham gia, bổ sung đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội nhằm “bảo đảm nguồn đầu vào -bộ máy và cơ chế vận hành - đầu ra hợp lý”.

Triển khai các hoạt động giám sát thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội, từ tháng 7 năm 2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức các chương trình phối hợp giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động; tổ chức các hoạt động giám sát tại các doanh nghiệp một cách thực chất, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm vào những đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên nợ, chậm, trốn đóng BHXH cho người lao động và đề nghị có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với các hành vi không đóng BHXH cho người lao động.

Công tác cho vay vốn, tạo việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho công nhân, lao động cũng được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp; từ năm 2009-2012, công đoàn các cấp đã đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho hơn 811.000 người. Phát huy kết quả đã đạt được, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động xây dựng, hoàn thiện đề án “Nhân rộng mô hình tổ chức hoạt động Quỹ CEP với sự hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước” và đề án “Nâng cao năng lực cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020, có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước”. Năm 2013, công đoàn các cấp đã tích cực chăm lo đến người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các gia đình chính sách. Trước những thiệt hại lớn về người và tài sản do bão lũ liên tiếp gây ra tại các tỉnh miền Trung, cán bộ, đoàn viên, người lao động và các nhà hảo tâm đã có nhiều đóng góp chia sẻ khó khăn với công nhân lao động và nhân dân vùng bị thiên tai với số tiền hàng chục tỷ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán 2013, thông qua các chương trình: Góp Tết với công nhân, lao động nghèo, mái ấm Công đoàn, vui xuân đón Tết, trao tặng vé xe… Công đoàn Ngành, tỉnh thành phố, Quỹ Tấm lòng vàng Lao động đã vận động, phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp trao hàng chục ngàn phần quà Tết với tổng số tiền hơn 1.100 tỷ đồng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân tới các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sỹ, người có công với nước, các trung tâm điều đưỡng, xây dựng Nhà tình nghĩa, nhận đỡ đầu con em gia đình chính sách và tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho các đối tượng chính sách, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ và các hoạt động xã hội khác đạt nhiều kết quả tích cực, được đông đảo đoàn viên và người lao động nhiệt tình ủng hộ và đánh giá cao. Theo thống kê trong năm 2013, cán bộ, đoàn viên và người lao động cả nước đã ủng hộ vào Quỹ “ Vì người nghèo” số tiền 565,428 tỷ đồng.

Tiếp tục các hoạt động hướng tới ngư dân và biển đảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các nghiệp đoàn nghề cá, động viên lao động trong ngành ngư nghiệp đoàn kết, yên tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, thông qua chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” công đoàn các ngành, địa phương đã trao tặng nhiều phần quà với tổng số tiền ủng hộ trên 21 tỷ đồng cho ngư dân các địa phương. Điển hình là cán bộ, công nhân viên chức lao động ngành Công Thương năm 2013 ủng hộ Huyện đảo Trường Sa số tiền 2,5 tỷ đồng. Công đoàn Công Thương Việt Nam đã thăm hỏi Tết Nguyên Đán năm 2013 cho 5.770 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn số tiền 1,5 tỷ đồng; xây 160 nhà mái ấm Công đoàn cho công nhân lao động nghèo các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu… với số tiền trên 3 tỷ đồng, ủng hộ đồng bào miền Trung bị cơn bão số 10, số 11 với số tiền 720 triệu đồng, ủng hộ chương trình tấm lưới nghĩa tình cho các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Kiên Giang, Bình Thuận... với số tiền 100 triệu đồng, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa Trung ương 100 triệu đồng, hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam 100 triệu đồng, tặng quà nhân dịp 27/7 cho 276 thương binh số tiền 138 triệu đồng, tặng quà cho 02 trung tâm Thương binh nặng Thuận Thành-Bắc Ninh và Liêm Cần-Hà Nam, ủng hộ Quỹ Tấm lòng Vàng Lao động để xây dựng nhà mái ấm công đoàn 230 triệu đồng, thăm hỏi tặng quà cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ủng hộ các chương trình mắt sáng cho người cao tuổi, cùng trẻ em vùng cao đến trường, chăn ấm cho trẻ em nghèo vùng cao, công đoàn các đơn vị trong ngành Công Thương tiếp tục phụng dưỡng 210 bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phát động phong trào rộng khắp tới các đơn vị cơ sở, mang lại hiệu quả thiết thực. Theo khảo sát cho thấy: Tỉ lệ người tiêu dùng quan tâm đến hàng nội đã tăng từ 23% năm 2012 lên 58% năm 2013. Tổ chức tọa đàm “ Phát huy vai trò của công đoàn trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường tại các địa phương. Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Công đoàn Công Thương Việt Nam kêu gọi các công đoàn các đơn vị phối hợp với chuyên môn hưởng ứng và triển khai mang lại nhiều kết quả như: Công đoàn Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp, Công đoàn Tổng công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam đã đưa máy cơ khí, máy cày, máy bơm nước… phục vụ sản xuất nông nghiệp về vùng nông thôn ở đồng bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc cho người nông dân và đồng bào dân tộc với giá ưu đãi; các đơn vị thuộc Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam với các sản phẩm đạm, phân bón chất lượng cao, dịch vụ tốt cho bà con nông dân với giá ưu đãi và nhiều hỗ trợ khác.

Các cấp công đoàn trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam đã cùng với chuyên môn hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng ủng hộ Nghị quyết 30a năm 2008 của Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; như Công đoàn Xăng dầu Việt Nam phối hợp với chuyên môn đã ký giúp huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang xóa nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với số tiền hỗ trợ là 50 tỷ đồng tập trung vào y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, ngoài ra các công đoàn các đơn vị trực thuộc Công đoàn Xăng dầu Việt Nam đã hỗ trợ xây cầu bê tông, làm đường nông thôn, xây trường mầm non với giá trị hàng tỷ đồng… Công đoàn Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam phối hợp với chuyên môn hình thành vùng cây nguyên liệu như cây thuốc lá các tỉnh miền núi, với các hoạt động hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm, thu mua tại chỗ, thanh toán bằng tiền mặt đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện chính sách định canh định cư cho nhân dân và đồng bào dân tộc, góp phần ổn định an ninh quốc phòng. Từ năm 2009 đến nay tổ chức mô hình thí điểm đào tạo nghề cho nông dân trồng cây thuốc lá cho 2.880 người, đối tượng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn với số tiền hàng tỷ đồng. Các hoạt động của công đoàn đã đồng hành, sát cánh cùng với doanh nghiệp, nhà nước, hỗ trợ, giúp đỡ, kết nối dịch vụ gắn đào tạo nghề với nhu cầu phát triển của các vùng miền núi, nông thôn; góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động, nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về xóa đói giảm nghèo, phát triển đời sống, văn hóa tinh thần ở nông thôn, miền núi, đặc biệt là vùng khó khăn tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận của hoạt động công đoàn các cấp, tình hình thực tiễn về việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động còn thấp, nhu cầu thực tế về vật chất, sinh hoạt văn hóa tinh thần là rất lớn nhưng tỉ lệ đáp ứng còn hạn chế. Vì vậy các cấp công đoàn cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa với các hình thức đa dạng, phong phú, tích cực, sáng tạo trong hoạt động công tác của mình nhằm thực hiện tốt vai trò và chức năng của tổ chức công đoàn, thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy của người lao động; đồng thời chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, góp phần vào bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội.                         

 Trần Phong (tổng hợp)