banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Trên 50% công nhân, lao động không hài lòng với mức lương và thu nhập hiện nay
Cập nhật lúc 01:20 ngày 18/07/2014

Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ đã điều chỉnh 4 vùng lương của người lao động khu vực sản xuất - kinh doanh. Theo Nghị định này, tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tăng thêm trung bình từ 14% - 17% so với mức trước đó.

Số liệu khảo sát về mức lương trung bình các vùng lần lượt là 4,358 triệu (vùng 1); 3,665 triệu (vùng 2); 3,549 triệu (vùng 3) và 3,153 (vùng 4). So với năm 2013, cả 3 vùng 1, 3, 4 tăng (cao nhất là 7,0%, thấp nhất là 2,0%) và vùng 2 giảm 4,3%. Nói chung, các doanh nghiệp đã chấp hành khá tốt những quy định của chính phủ về tăng lương tối thiểu. Đến hết Quý I/2014, có 90,4% ý kiến công nhân, lao động cho biết, doanh nghiệp đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Song vẫn còn 9,6% công nhân, lao động cho biết, họ chưa được điều chỉnh tiền lương tối thiểu, nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp dân doanh. Lý do của các doanh nghiệp này là, kinh tế chưa hồi phục nên nếu điều chỉnh tăng lương, sẽ tăng thêm chi phí doanh nghiệp không những không có lãi mà có thể bị lỗ. Chúng tôi cho rằng, đây là bài ca muôn thủa của nhiều doanh nghiệp, vin vào suy thoái kinh tế, trốn tránh trách nhiệm với công nhân, lao động, không chịu điều chỉnh tăng lương theo quy định tại Nghị định 182 của Chính phủ. Thậm chí đến Quý II/2014 vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nợ lương công nhân, lao động.


Mổ xẻ vấn đề này, tại hội thảo về nhu cầu sống tối thiểu và mức lương tối thiểu của Tổng Liên đoàn LĐVN, ngày 11/6/2014, có đại diện của tổ chức ILO, đại diện đến từ Công đoàn Úc và nhiều chuyên gia của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Cục Thống kê, Bộ Y tế, … đều thống nhất cho rằng, mức lương tối thiểu thực tế đang áp dụng, vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu của công nhân, lao động từ 23% - 32% (tùy theo từng vùng lương). Đây là nỗi bức bách, bó buộc công nhân, lao động khi đứng trước các nhu cầu chi tiêu, sự tăng lên của mức giá tiêu dùng (do lạm phát) và sự sụt giảm của các mức lương thực tế.

Vì vậy, khi khảo sát, đánh giá thái độ của công nhân, lao động trước việc chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu so với nhu cầu sống tối thiểu, có 21,7% công nhân, lao động không hài lòng; 56,7% tạm hài lòng và 21,5% tỏ ý hài lòng về tiền lương, thu nhập. Nếu chia ra 4 vùng lương và cũng với 2 câu hỏi, hài lòng và không hài lòng, thì vùng 1 có 22,9% hài lòng; vùng 2 là 20,6%; vùng 3 là 17, 6 % và vùng 4 là 27,6% hài lòng.

Như vậy, tại cả 4 vùng lương, mức độ không hài lòng về tiền lương và thu nhập của công nhân, lao động vẫn chiếm trên 50%. Cuộc sống của những người bán sức lao động tại các doanh nghiệp, vẫn là khốn khó nhất.

PGS. TS Vũ Quang Thọ

Viện trưởng, Viện Công nhân - Công đoàn

 (theo Website Tổng Liên đoàn)