Hoạt động tài chính công đoàn luôn song hành - nếu không muốn nói là không thể tách rời - với các mặt hoạt động khác của tổ chức công đoàn, bởi thực chất tài chính công đoàn là điều kiện tiên quyết, đảm bảo cho việc thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn theo Luật Công đoàn.
Chính vì điều này mà hoạt động tài chính công đoàn cần phát huy tốt vai trò của mình, thu đúng, thu đủ kinh phí và đoàn phí công đoàn, khai thác triệt để các nguồn thu khác, coi đoàn phí là nguồn thu quan trọng của công đoàn. Việc quản lý chi tiêu phải cụ thể, thiết thực, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả để có thể chủ động nguồn kinh phí phục vụ tốt cho các nội dung hoạt động từ cơ sở tới Ngành. Nhưng có một thực tế đang diễn ra là nguồn thu tài chính trong hai năm gần đây bị giảm sút đáng kể đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của công đoàn cơ sở và số thu về công đoàn cấp trên. Nếu lấy năm 2012 làm căn cứ để so sánh về số liệu trích nộp kinh phí công đoàn của các cấp công đoàn trực thuộc CĐCTVN trên báo cáo quyết toán, thì năm 2013 số thu kinh phí công đoàn toàn Ngànhchỉ đạt 84,85% so với năm 2012 (giảm 15,15 %). Chính vì vậy, số kinh phí công đoàn cơ sở đã nộp về Công đoàn Công Thương năm 2013 cũng chỉ đạt 61,98 % so với năm trước (giảm 38,02%).Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này nhưng nguyên nhân chủ yếu chính là do sự tác động của khủng hoảng kinh tế trong nước cũng như trên thế giới đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quy định mới về thu kinh phí theo Luật Công đoàn năm 2012 cũng đã làm thay đổi đáng kể đến nguồn thu tài chính công đoàn.
Tập huấn công tác tài chính công đoàn
Mặc dù việc luật hóa cơ chế tài chính công đoàn theo Luật Công đoàn năm 2012 đã thống nhất được đối tượng đóng, mức đóng, lấy quỹ lương đóng BHXH làm căn cứ đóng kinh phí công đoàn, nhưng việc thực hiện không hề dễ dàng khi mà những công đoàn cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài do trước đây chỉ phải thu kinh phí công đoàn bằng 1% quỹ lương (thực hiện theo Quyết định số 133/2008/QĐ-TTg ngày 01/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ), cũng như không phải nộp cấp trên số thu này, thì nay họ không muốn nộp khi mức thu tăng lên 2%, mà muốn giữ lại 100% số thu đó, vì họ quan niệm đó là nguồn thu của doanh nghiệp phải để lại cho công đoàn cơ sở và người lao động tại đơn vị. Điển hình trong khối các doanh nghiệp FDI của CĐCTVN là các đơn vị trực thuộc Công đoàn Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp. Là một trong số những đơn vị quản lý nhiều doanh nghiệp FDI, năm 2014, số lượng lao động các đơn vị liên doanh chiếm tỷ lệ 61,68% trong tổng số lao động của TCty và chiếm 61,53 % lao động FDI toàn Ngành.
Bên cạnh những thuận lợi của việc thực hiện Quy định về tài chính công đoàn theo Luật Công đoàn năm 2012 mang lại thì vẫn nảy sinh không ít khó khăn, đó chính là việc không thu được kinh phí công đoàn ở những doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng đối với lao động thường xuyên để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp có sự biến động về lao động, chẳng hạn như khối các đơn vị xây lắp đường dây, tại các nông lâm trường… đều là những tác nhân gây ảnh hưởng đến nguồn thu tài chính công đoàn do khó xác định quỹ lương, khó xác định số lao động để trích nộp kinh phí công đoàn.
Trong số những cơ chế tài chính mà Tổng Liên đoàn có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền của công đoàn được quy định trong Điều 12 của Nghị định 191/2013/NĐ-CP như: Quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu tài chính công đoàn, Quy chế quản lý tài chính công đoàn,Quy định về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn, Hướng dẫn đóng đoàn phí công đoàn… thì Quy định về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn và Hướng dẫn đóng đoàn phí công đoàn cũng đã có những tác động đến công tác tài chính từ khi thực hiện theo Luật Công đoàn. Việc phân cấp thu tài chính công đoàn cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được thực hiện từ năm 2013 đến nay vẫn phát huy thế chủ động, tạo động lực, vị thế của công đoàn với chuyên môn đồng cấp và công đoàn cấp dưới. Đồng thời, việc phân cấp thu tài chính cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn thể hiện trách nhiệm của công đoàn cấp dưới với công đoàn cấp trên trực tiếp trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, đối với công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước theo Quyết định mới ban hành số 270/QĐ-TLĐ ngày 07 tháng 3 năm 2014 của Tổng Liên đoàn LĐVN thì phải có 10.000 lao động trở lên, có kế toán công đoàn chuyên trách… mới được phân cấp thu kinh phí công đoàn. Điều này là vô cùng khó khăn cho “bài toán” phân cấp của CĐCTVN, khi mà trong tổng số 101 công đoàn cơ sở là doanh nghiệp đang quản lý, thì 100% công đoàn không thỏa mãn điều kiện này. Có đến 14 công đoàn cơ sở có số lao động nhỏ hơn 20 người và 20 công đoàn cơ sở có số lao động ít hơn 50 người, còn lại phần lớn là các công đoàn cơ sở có số lao động từ 50 đến dưới 1.000 người. Nếu thực hiện theo Quy định về phân cấp này, thì số cán bộ làm công tác tài chính hiện có của CĐCTVN không đủ để thực hiện công tác thu theo hình thức trực tiếp đối với những đơn vị này (chưa kể 42 công đoàn cơ sở hành chính sự nghiệp không phân cấp thu). Nếu việc xây dựng phương án phân cấp và phân phối nguồn thu tài chính không khoa học và thiếu tính khả thi thì rất dễ bị thất thu kinh phí công đoàn.
Để tạo nguồn tài chính bền vững cho tổ chức công đoàn,thì đoàn phí phải luôn được xác định là nguồn thu quan trọng về trước mắt cũng như lâu dài. Vấn đề này không phải bây giờ mới được đề cập đến mà đã có trong các văn bản hướng dẫn về tài chính của các cấp công đoàn từ nhiều năm nay. Vì là một nguồn thu quan trọng trong cơ cấu thu tài chính công đoàn nên ngày 07/3/2014 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn 258/HD-TLĐ về thu đoàn phí công đoàn có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 thay thế Hướng dẫn 1803/HD-TLĐ ngày 29/11/2013 bị xem là còn nhiều bất cập. Hướng dẫn mới đã quy định rất chi tiết cho từng loại đối tượng đóng và mức đóng cụ thể phù hợp với điều kiện của các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong điều kiện kinh tế hiện nay. Nhưng chính do sự cụ thể trong Hướng dẫn thu đoàn phí mà khi nghiên cứu Quyết định số 271/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc khen thưởng, xử phạt thu, nộp tài chính công đoàn để áp dụng lại cho thấy trong quy định về thưởng đoàn phí công đoàn đã có sự khác biệt giữa các đối tượng được khen thưởng. Cụ thể như sau: Đoàn viên trong DNNN (kể cả DN cổ phần nhà nước chiếm cổ phần chi phối) đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương thực lĩnh (đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, thuế TNCN), tối đa hàng tháng không quá 10% tiền lương cơ sở theo quy định của Nhà nước được trích thưởng bằng 1% tổng số thu. Trong khi đó đoàn viên trong DN ngoài nhà nước (kể cả DN cổ phầnnhà nước không chiếm cổ phần chi phối), HTX, tổ chức nước ngoài… không theo bảng lương do Nhà nước quy định: đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được trích thưởng bằng 1,5% tổng số thu. Vẫn biết rằng, những đoàn viên ở doanh nghiệp ngoài nhà nước là đối tượng cần phải động viên, khuyến khích để tăng nguồn thu, nhưng nếu hiểu theo nghĩa bình đẳng trong một “sân chơi” thì việc đưa ra tỷ lệ thưởng như vậy có lẽ không phải là cách để “nuôi dưỡng” nguồn thu: Số thu nhiều hơn nhưng tỷ lệ thưởng lại chưa hợp lý.
Trong tình hình hiện nay, việc tìm giải pháp để khắc phục những khó khăn trong công tác thu tài chính, góp phần tăng nguồn thu cho CĐCTVN là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động tài chính hiện nay.
Một trong những giải pháp cụ thể cho công tác này chính là phải tạo được một đội ngũ những người làm tài chính chuyên nghiệp, đủ năng lực, trình độ, giỏi chuyên môn, vững về nghiệp vụ, có khả năng thuyết phục cao để có thể tự tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Với những đòi hỏi, khó khăn trong quá trình thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn như hiện nay, sự chuyên nghiệp, khả năng thuyết phục chính yếu tố quan trọng để tuyên truyền, vận động không chỉ người lao động, đoàn viên để đóng kinh phí mà còn phải tiếp cận, làm việc trực tiếp với người sử dụng lao động để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn theo đúng luật định. Bên cạnh đó, bộ máy những người làm tài chính có đủ năng lực, trình độ là điều kiện bắt buộc góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn bởi thực tế cho thấy hoạt động tài chính công đoàn không chỉ đơn thuần là việc ghi chép, phản ánh các nghiệp vụ tài chính phát sinh mà còn đòi hỏi người làm công tác tài chính công đoàn cần có sự hiểu biết sâu sắc hoạt động tài chính đang diễn ra tại đơn vị, để từ đó có những tham mưu, đề xuất các giải pháp khai thác nguồn thu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính công đoàn tích lũy góp phần tăng nguồn thu cho công đoàn. Cán bộ làm công tác tài chính giỏi chuyên môn sẽ tìm được các giải pháp cho phù hợp với thực tế tại công đoàn cơ sở sao cho hoạt động đó mang lại lợi ích và hiệu quả cao nhất cho đoàn viên và tổ chức công đoàn. Để hoạt động tài chính thực sự là động lực, chất xúc tác cho hoạt động công đoàn, thì người làm tài chính phải biết sử dụng đúng quy định các nguồn lực tài chính hiện có cho hoạt động, để hoạt động của công đoàn sẽ tác động trở lại một cách hiệu quả đến đoàn viên, người lao động và chính doanh nghiệp.
Không chỉ tổ chức tập huấn tài chính định kỳ hàng năm theo từng cấp, Công đoàn Công đoàn Công Thương Việt Nam cần tổ chức các Hội thảo chuyên đề trong công tác tài chính để các cấp công đoàn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ, từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp cho hoạt động. Hơn thế nữa, để công tác thu tài chính công đoàn của Công đoàn Công Thương Việt Nam thực sự đi vào nề nếp thì bên cạnh việc tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát hoạt động của công đoàn cần phải lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về các quy định mới của Nhà nước, Tổng Liên đoàn trong công tác tài chính.
Song song với các giải pháp trên, việc động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân đã có nhiều cố gắng đạt thành tích cao trong công tác tài chính, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thu, nộp kinh phí, đoàn phí công đoàn cũng là một giải pháp không kém phần quan trọng trong công tác thu tài chính công đoàn. Gắn công tác thi đua khen thưởng của chuyên môn với phong trào công đoàn như một thể thống nhất. Đối với các doanh nghiệp không trích nộp kinh phí công đoàn đầy đủ và kịp thời thì không xét danh hiệu thi đua toàn diện trong năm và ngược lại. Trong quá trình động viên, khen thưởng cần có sự quan tâm đối với khu vực ngoài Nhà nước.
Nghị định 191/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết về tài chính công đoàn và một loạt các Quyết định của Tổng Liên đoàn vừa mới ban hành cho phù hợp với quy định của Nghị định là “công cụ” hữu hiệu để tài chính công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Bằng những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cùng với những nỗ lực không chỉ của Công đoàn Công Thương Việt Nam mà còn là sự cố gắng hết mình của những người làm tài chính trong toàn Ngành, chúng ta có thể tin tưởng rằng công tác thu nói riêng và công tác tài chính nói chung sẽ góp phần đem lại một “diện mạo” mới cho hoạt động Công đoàn Công Thương Việt Nam trong tình hình mới.
Nguyễn Phương Nam
Phó Trưởng ban Tài chính - CĐCTVN