Phong trào “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến – Sáng tạo” từ lâu đã có sức lan tỏa lớn trong công nhân viên chức lao động Thủ đô nói chung và ngành Công Thương Hà Nội nói riêng; qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, khơi dậy ý chí, tinh thần trách nhiệm của người lao động.
Nhận thức được tầm quan trọng này, phong trào “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến – Sáng tạo” luôn được các cấp Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đổi mới, sáng tạo với nhiều đột phá; qua đó, đưa phong trào thi đua thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng; góp phần cổ vũ đội ngũ công nhân viên chức lao động trong toàn ngành tích cực lao động sản xuất, phát huy sức sáng tạo, nở rộ những bông hoa, những tấm gương điển hình tiên tiến,…
Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội Lê Thị Thanh Thủy phát biểu tại lễ tuyên dương "Công nhân giỏi", "Sáng kiến - Sáng tạo" năm 2021
Để duy trì và phát triển phong trào “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến - Sáng tạo” có hiệu quả, bà Lê Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội luôn lựa chọn hình thức thi đua phù hợp, được đông đảo công nhân viên chức lao động tích cực hưởng ứng tham gia, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn ngành; thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, phong trào lao động sáng tạo, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời phát hiện những gương điển hình tiên tiến và xây dựng mô hình điểm về phong trào để nhân rộng ra các đơn vị.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của Ban Thường vụ Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, năm 2020, đã có hàng nghìn sáng kiến cải tiến của công nhân viên chức lao động được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn, 50 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất được khen thưởng cấp ngành năm 2021, có ý nghĩa xã hội cao, làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng. Song song đó, Liên đoàn Lao động thành phố tặng Bằng khen cho 7 cá nhân có thành tích thi đua trong phong trào Lao động giỏi, Lao động sáng tạo năm 2021.
Những sáng kiến, cải tiến đã góp phần giảm chi phí, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao giúp các doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra. Một số đơn vị có sáng kiến và khen thưởng kịp thời như: Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh, Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam, Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long,…
Là một trong những gương “Sáng kiến – Sáng tạo” tiêu biểu của ngành Công Thương Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hiến, đoàn viên Công đoàn Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam cho biết, những năm qua công tác nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất luôn là vấn đề then chốt và được đơn vị quan tâm. Trong đó, với vai trò là người đứng đầu công tác quản lý kỹ thuật của nhà máy, quá trình công tác anh Hiến luôn là người tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không ngừng nghiên cứu học tập các công nghệ mới, tiên tiến, áp dụng vào sản xuất, Kaizen (sự cải tiến không ngừng nghỉ) cải tiến công nghệ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm,…
Các gương "Sáng kiến - Sáng tạo" tiêu biểu được Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội biểu dương
Theo anh Hiến, tại đơn vị, lãnh đạo rất quan tâm đến công tác Kaizen cải tiến trong toàn công ty; từ đó, phát hiện các sáng kiến, sáng tạo tiêu biểu. Cụ thể, hàng tháng công ty có xây dựng quy chế đánh giá, khen thưởng sáng kiến trong lao động dựa trên việc giao KPI (đánh giá hiệu quả công việc) cho công nhân viên mỗi cá nhân 2 Kaizen. Mỗi tháng thực hiện đánh giá Kaizen 1 lần và khen thưởng Kaizen điển hình. Trung bình mỗi tháng công ty có khoảng 900 – 1.000 Kaizen lớn nhỏ,…
Nhờ đó, trong 5 năm qua, mỗi năm công ty có hàng trăm sáng kiến cải tiến, Kaizen điển hình. Nhờ các sáng kiến đó đã góp phần hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, góp phần làm lợi cho doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập cho người lao động.
“Để đạt được kết quả trên, ngoài sự cố gắng, sáng tạo của cán bộ công nhân viên, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm rất lớn của Ban lãnh đạo; sự động viên kịp thời của Ban Chấp hành Công đoàn công ty qua đó, động viên, cổ vũ rất lớn cho chúng tôi về mặt tinh thần để cán bộ công nhân viên có nhiều ý tưởng hơn trong quá trình sản xuất”, anh Hiến cho biết.
Có thể thấy, các phong trào thi đua “Sáng kiến – Sáng tạo” của ngành Công Thương Hà Nội đã có sức lan tỏa lớn trong công nhân viên chức lao động. Nhờ đó, trong năm qua, đã có hàng nghìn “Công nhân giỏi” cấp cơ sở là những người có trình độ tay nghề giỏi, lao động luôn đạt năng suất cao. Từ đó, Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đã lựa chọn tuyên dương 93 “Công nhân giỏi” tiêu biểu năm 2021 và đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tuyên dương 6 “Công nhân giỏi Thủ đô”; có 50 “Sáng kiến – Sáng tạo” và 10 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua,…
Đỗ Đạt (nguồn: nld.com.vn)