banner2019
 
Thứ hai, ngày 27 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 27 tháng 01 năm 2025
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định
Cập nhật lúc 05:09 ngày 24/12/2019
Tiền lương: là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. (Khoản 1 điều 90 Bộ Luật Lao động 2012 áp dụng đến 31/12/2020).
Và theo Điều 90, 91 Bộ luật Lao động 2019 (áp dụng từ 01/01/2021): Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Chính phủ quy định chi tiết mức lương tối thiểu; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
- Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 và nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động: 
Mức lương tối thiểu vùng quy định là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
+ Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
+ Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định. 
Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính khi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
- Thêm vào đó có hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hiệu quả là:
+ Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định này.
+ Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định này.
Để bảo vệ được quyền và lợi ích của mình người lao động khi bị trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định có quyền khiếu nại, khởi kiện theo đúng quy định. 
Thanh Huyền tổng hợp