banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Đánh giá đúng vai trò của bữa ăn ca
Cập nhật lúc 10:40 ngày 27/09/2019

Bữa ăn ca có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của người lao động (NLĐ), đặc biệt là công nhân trực tiếp sản xuất. Vì vậy, nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực cải thiện bữa ăn ca giúp NLĐ đảm bảo sức khỏe, phấn chấn hơn trong công việc... Song cũng không ít DN vẫn còn rất thờ ơ.  
Ngon miệng, đủ chất
Thời gian qua, các cấp công đoàn trong cả nước luôn quan tâm, có nhiều biện pháp, chủ động tham gia với người sử dụng lao động đưa bữa ăn ca vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đặc biệt, tại nhiều đơn vị trong ngành Công Thương đã đề cao việc chăm lo đời sống sinh hoạt cho NLĐ bằng việc xây dựng các nhà ăn, bếp ăn tự chọn, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhiều doanh nghiệp ngành Công Thương có nhà ăn ca tự chọn
Hầu hết các bếp ăn tự chọn đều phục vụ tới hơn chục món, được chế biến sạch sẽ, an toàn. Bữa ăn bảo đảm nóng, đúng giờ; thực đơn được lên theo ngày, tuần và công khai giá; nhà ăn, nhà bếp được vệ sinh sạch sẽ; thái độ phục vụ nhiệt tình… Vì vậy, các bữa ăn không chỉ ngon, hợp khẩu vị mà còn bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có thể kể đến một số đơn vị tiêu biểu trong ngành Công Thương như: Tập đoàn công nghiệp hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Thượng Thư - Chủ tịch Công đoàn, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - cho biết, khi chưa có nhà ăn ca tự chọn, khẩu phần ăn được chia theo suất, ít món được lựa chọn, có món hợp khẩu vị với người này, nhưng lại không hợp khẩu vị với người khác, nên có người ăn không hết, người khác lại không đủ, một số công nhân viên chức, lao động thường xuyên cắt không ăn ca, hoặc ăn ít, nhất là vào mùa hè… làm ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ. Việc cải thiện bữa ăn ca của nhiều đơn vị, DN, không chỉ giúp NLĐ đảm bảo sức khỏe mà còn phấn chấn hơn trong công việc, giúp lao động sản xuất hiệu quả hơn.
Cần phải luật hóa
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn không ít DN chưa thực sự quan tâm đến chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ. Hệ quả nhìn rõ nhất là nhiều bếp ăn xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Ước tính, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra gần 20 vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, khiến hàng nghìn lao động phải nhập viện. Trong số những vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến NLĐ, có tới 70% nguyên nhân do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, 30% đến từ điều kiện vệ sinh bếp ăn tại chỗ.
Qua tìm hiểu, phần lớn các vụ ngộ độc xảy ra là do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn không tốt, dẫn đến nhiễm vi sinh. Một bộ phận cơ sở chế biến buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát trong khâu chế biến, bảo quản, dẫn đến thực phẩm bị nhiễm khuẩn...
Trước thực tế này, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến cán bộ công đoàn về một số vấn đề cơ bản trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), trong đó có kiến nghị về trách nhiệm chủ DN lo bữa ăn ca cho NLĐ.

Khi được chăm sóc tốt từ thu nhập, điều kiện làm việc đến chất lượng bữa ăn, NLĐ sẽ làm việc tốt, có trách nhiệm và gắn bó với DN hơn.
Thanh Tâm (nguồn: congthuong.vn)