banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Sửa Luật Lao động phải bảo vệ được quyền lợi người lao động
Cập nhật lúc 08:38 ngày 13/09/2019
Vừa qua, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Lần thứ 7 (khóa XII) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là về sửa đổi Bộ luật Lao động, theo đó, việc sửa đổi cần phải đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ).
Tham dự có đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Cần giảm giờ làm việc
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần 3. Theo đó, bên cạnh những nội dung đã được tiếp thu, bổ sung trong thời gian qua, Tổng LĐLĐVN tiếp tục tập trung đề xuất và bảo vệ quan điểm đối với một số nội dung lớn trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, so với nhiều nước trên thế giới, thời giờ làm việc bình thường của NLĐ Việt Nam đang ở mức cao, với 48 giờ/tuần. Quan điểm của Tổng LĐLĐVN là cần giảm thời giờ làm việc cho NLĐ. Tổng LĐLĐVN đề nghị xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận và biểu quyết. Đề xuất này dựa trên thực tế với quy định thời giờ làm việc bình thường của NLĐ là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Đồng chí Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam - bày tỏ đồng tình giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ. “Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới. Đây cũng là dịp để chuyển từ sử dụng nhiều nhân công kỹ thuật thấp sang nhân công kỹ thuật cao, chất lượng cao. Giảm giờ làm cũng sẽ tạo áp lực để chủ sử dụng lao động đầu tư thêm vào kỹ thuật, công nghệ, từ đó nâng cao năng suất lao động”- đồng chí Trần Quang Huy lý giải.
Đồng chí Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng - cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến trên, đồng thời nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh không chỉ là thời gian làm việc mà cần phải đổi mới công nghệ…
Quy định tuổi nghỉ hưu cần lưu ý đến đặc thù nghề nghiệp
Vấn đề tuổi nghỉ hưu cũng thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu. Theo đồng chí Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam - chỉ những người làm công tác quản lý mới muốn tăng tuổi nghỉ hưu; còn các giáo viên ở khối phổ thông, đặc biệt ở khối mầm non thì không muốn. Đồng chí Vũ Minh Đức kể, có cô giáo mầm non nói rằng, đến 52 tuổi đã không thể múa, hát cho các cháu được. Việc sắp xếp sang công việc khác là rất khó. Vì vậy, đồng chí cho rằng, cần tính đến đặc thù nghề nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Trịnh Thanh Hằng - Trưởng ban Nữ công (Tổng LĐLĐVN) - nói rằng, cần lưu ý đến những nghề nghiệp đặc thù, nặng nhọc, độc hại khi quy định tuổi nghỉ hưu, theo đó, nên trao quyền cho NLĐ được lựa chọn.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho hay, Tổng LĐLĐVN đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là CNLĐ trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Đối với những đối tượng này phải đánh giá tác động và tiếp tục lắng nghe ý kiến trực tiếp từ họ; giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Đối với NLĐ bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, sửa Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn là 2 nội dung rất quan trọng được Tổng LĐLĐVN quan tâm chỉ đạo sát sao. Đồng chí nhấn mạnh, trong sửa Bộ luật Lao động, Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục kiên trì những định hướng đã đề xuất, sẽ kịp thời điều chỉnh tiếp thu diễn biến mới để có góp ý tối đa vào bộ luật theo đúng mục tiêu đặt ra, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp chính đáng của NLĐ...
Theo Tờ trình về định hướng hoạt động trọng tâm CĐ năm 2020 do đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - trình bày, Thường trực Đoàn Chủ tịch đề xuất lựa chọn chủ đề hoạt động năm 2020 là “Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS”. Theo đó, tờ trình đề xuất 3 hoạt động trọng tâm: Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Đảng, về giai cấp CN đối với đội ngũ đoàn viên, NLĐ, thiết thực hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò của CĐ trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS...
Hội nghị còn thảo luận Tờ trình về Kế hoạch kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2020); Tờ trình phương án về sắp xếp phát triển, quản lý cơ quan báo chí CĐ; Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch số 07/KH-TLĐ ngày 31.1.2019 của Đoàn Chủ tịch TLĐ về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập CĐ VN (28.7.1929 - 28.7.2019)...
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Đình Khang đã thống nhất một số hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; thống nhất cao đưa ra định hướng trọng tâm trong hoạt động CĐ năm 2020. Đồng chí đánh giá các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập CĐ VN đã thành công, gây tiếng vang, ấn tượng tốt đẹp với các tầng lớp nhân dân. Đối với phương án về sắp xếp phát triển, quản lý cơ quan báo chí CĐ, cần có phương án để các cơ quan truyền thông của tổ chức CĐ phát huy được sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Đình Khang giao Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện, trình Đoàn Chủ tịch ban hành.
Bảo Hân 
Đối với việc xây dựng Đề án “CĐ phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2019-2023”, các đại biểu nhất trí cao sự cần thiết của việc ban hành đề án, tuy nhiên bày tỏ băn khoăn về một số chỉ tiêu, vấn đề kinh phí đào tạo... Đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến để đưa ra các chỉ tiêu dễ đánh giá, cập nhật; đồng thời cho rằng cần phấn đấu đưa nội dung này vào các thỏa ước lao động tập thể cũng như các văn bản phối hợp, ký kết giữa CĐ với người sử dụng lao động, từ đó góp phần vào tăng năng lực cạnh tranh của đất nước.
Quế Chi (nguồn: laodong.vn)