banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thời gian làm việc và tính nhân văn của pháp luật
Cập nhật lúc 10:39 ngày 21/08/2019
Bộ luật Lao động hiện hành quy định, số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Luật cũng quy định giới hạn số giờ làm thêm trong ngày (không quá 50% số giờ làm việc bình thường), trong tháng (không quá 30 giờ). Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã bỏ quy định về giới hạn làm thêm giờ tối đa trong tháng và mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400h. 
Điều này cần được cân nhắc. Bởi theo Dự thảo trên, nếu chỉ cần “bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc tiêu chuẩn của người lao động không quá 12 giờ trong 01 ngày” và “Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục” thì khi doanh nghiệp áp dụng việc làm thêm lên 100h/tháng vẫn là hợp pháp nhưng người lao động sẽ kiệt sức.
Giờ làm việc kéo dài có thể gây bệnh tật và tai nạn lao động.
Nhiều nghiên cứu cho thấy thời giờ làm việc kéo dài có ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe người lao động. Azizi Seixas, Trung tâm Y khoa NYU Langone, nhận định những người thường xuyên làm việc quá 40 tiếng mỗi tuần có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe, bao gồm sức khỏe thể chất và tinh thần.
Theo nhà nghiên cứu Christian Benedict thuộc khoa Khoa học Thần kinh, Đại học Uppsala (Thụy Điển), làm việc quá nhiều có thể làm gia tăng các phản ứng chống stress và biểu hiện trầm cảm.
Theo nghiên cứu của Bannai và Tamakoshi (Nhật Bản), làm việc quá sức là cơ sở của hầu như tất cả các vấn đề về giấc ngủ và bệnh tim mạch vành.
Báo cáo của ILO năm 2012 về thời giờ làm việc và vấn đề an toàn sức khỏe nghề nghiệp đã khẳng định việc kéo dài thời gian làm việc ảnh hưởng tới nhịp sinh học của cơ thể và giấc ngủ cũng như cuộc sống gia đình và xã hội. Hậu quả bất lợi của giờ làm việc và lịch làm việc kéo dài có thể là cấp tính hoặc mãn tính và chủ yếu phản ánh việc gia tăng mức độ mệt mỏi và cần có thời gian nghỉ ngơi.
Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu riêng biệt về vấn đề thời gian làm việc, nhất là làm thêm giờ với vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Y tế về kết quả khám sức khỏe định kỳ cho người lao động giai đoạn 2006 – 2016 cho thấy, chất lượng sức khỏe của người lao động ngày càng giảm sút. Số lao động có sức khỏe loại 1 giảm, loại 4, loại 5 tăng. Giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ người lao động đạt sức khỏe loại 1 và loại 5 là 36,26% và 1,85% thì giai đoạn 2011- 2016, tỷ lệ này là 19,5 và 2,3%.
Thống kê tình nghỉ ốm của công nhân lao động giai đoạn 2012-2016 cũng cho thấy, số ngày nghỉ ốm trung bình của người lao động năm 2017 là 2,75 ngày, tăng hơn 3 lần so với trung bình ngày nghỉ ốm giai đoạn 2012-2016. 
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều căn cứ khẳng định việc kéo dài thời gian làm việc có nguy cơ bị tai nạn cao hơn đặc biệt là vào cuối ca, gây tổn thất cho cả doanh nghiệp và người lao động. 
Nghiên cứu của Claire và cộng sự thuộc Viện An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (2015) về mối liên quan giữa bệnh tật, tai nạn thương tích và hành vi sức khỏe với việc làm thêm giờ và tăng ca ở người lao động cho thấy, có 16/22 báo cáo chỉ ra mối liên quan giữa làm thêm giờ với tăng tỷ lệ tai nạn thương tích. Kirkcaldy và công sự thuộc Viện An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (1997) đã báo cáo rằng, giờ làm việc tăng lên trong nhân viên y tế, thì tai nạn ô tô và tai nạn trong công việc tăng lên. 
Kết quả phân tích từ các báo cáo tai nạn lao động chết người năm 2015 của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho thấy tỷ lệ tai nạn lao động chết người tăng dần vào cuối ca, tăng đột biến vào thời gian tăng ca: số vụ tai nạn chết người xảy ra đầu ca 81 (21,6%), giữa ca 82 (21,9%), cuối ca 84 (22,4%) và trong thời gian tăng ca 128 (chiếm 34,1%).
Đề nghị giảm giờ làm việc xuống còn 44h/tuần
Xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của người lao động. 
Với quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ/tuần, hiện nay, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong lúc đó, từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan Nhà nước (Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ). 
Đến nay, sau 20 năm, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng quy định thời giờ làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Trong nhiều năm, quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và người lao động khu vực ngoài Nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động.
Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần tiếp tục duy trì giới hạn trần làm thêm giờ trong 01 tháng; xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hổi thảo luận và biểu quyết.
Có thể nói, việc cân nhắc tới góc độ chất lượng cuộc sống của người lao động, hướng đến giải pháp cho các nhu cầu được nghỉ ngơi, giải trí, tái tạo sức khỏe để người lao động có thể làm việc, cống hiến dài lâu khi sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 sẽ minh chứng cho tính nhân văn của pháp luật.
Đặng Lợi (tổng hợp)