Trong 5 năm qua (2013 - 2018), Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra.
Với sự chăm lo của tổ chức Công đoàn, công nhân lao động đã được thụ hưởng nhiều ưu đãi hơn. Ảnh: H.A
Những kết quả này sẽ tiếp tục được phát huy và phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 thông qua những chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đề ra.
Không ngừng đổi mới
Thời gian qua, hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, NLĐ được quan tâm thường xuyên. CĐ đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức CĐ được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống; vai trò CĐ tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định. Hoạt động tuyên truyền giáo dục tạo được sức lan tỏa trong hệ thống tổ chức CĐ. Phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Công tác tập hợp quần chúng đạt nhiều kết quả, thu hút đông đảo NLĐ gia nhập và tham gia hoạt động CĐ; mô hình tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ được quan tâm hoàn thiện. Hoạt động kiểm tra CĐ được tăng cường. Tài chính CĐ có những đổi mới quan trọng theo hướng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, từng bước tập trung nhiều hơn các nguồn lực phục vụ đoàn viên, NLĐ. Công tác đối ngoại ngày càng chủ động. Hoạt động nữ công có chuyển biến mới trong một số lĩnh vực chăm lo quyền lợi của lao động nữ. Bốn chương trình hành động của Đại hội lần thứ XI được tập trung triển khai thực hiện.
Đạt được kết quả trên là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự chủ động, quyết liệt của các cấp CĐ trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội; là kết quả của quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐ; đổi mới công tác tham mưu, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Đảng; sự quan tâm phối hợp của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp; tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ CĐ; sự nỗ lực phấn đấu của đông đảo đoàn viên và NLĐ.
Sau 5 năm (2013 - 2018) thực hiện Nghị quyết Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XI, một số kinh nghiệm được rút ra, gồm: Một là, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi trong hoạt động CĐ Việt Nam. Hai là, quan tâm chăm lo lợi ích của đoàn viên, lấy lợi ích là một trong những điểm quan trọng tập hợp, thu hút NLĐ đến với tổ chức CĐ. Ba là, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ. Bốn là, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ, kịp thời thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tế. Năm là, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đáp ứng phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ trong tình hình mới.
Đoàn viên hưởng lợi từ “Năm vì lợi ích đoàn viên”
Mục tiêu tổng quát của công tác CĐ và phong trào CNLĐ giai đoạn 2018 - 2023 là “Nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thiết thực chăm lo lợi ích đoàn viên, NLĐ. Xây dựng đội ngũ công nhân, NLĐ yêu nước, trách nhiệm xã hội, có đời sống cao, tay nghề giỏi, việc làm bền vững; tập hợp, thu hút đông đảo NLĐ vào CĐ Việt Nam. Xây dựng tổ chức CĐ Việt Nam vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Tại Đại hội XII, nhiệm kỳ 2018-2023, BCH Tổng LĐLĐVN tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả 3 khâu đột phá: (1) Đổi mới phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện bảo vệ NLĐ; (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; (3) Xây dựng nguồn lực CĐ đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông CĐ Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Riêng năm 2018 - năm thứ 2 tổ chức thực hiện “Năm vì lợi ích đoàn viên”, với kết quả đạt được tiếp tục khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của BCH Tổng LĐLĐVN.
Các cấp CĐ đã có chuyển biến về nhận thức trong trách nhiệm chăm lo cho đoàn viên của mình, xem đây là động lực, tập hợp NLĐ gia nhập tổ chức CĐ. Góp phần thúc đẩy đổi mới công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính CĐ minh bạch, hiệu quả hơn; tăng cường tập trung nguồn chi cho các hoạt động thiết thực vì đoàn viên CĐ, hạn chế chi cho các hoạt động chưa cần thiết hoặc không mang lợi ích cho đoàn viên và phát triển tổ chức CĐ. Thu hút sự quan tâm tham gia của xã hội chăm lo, cải thiện đời sống vật chất cho đoàn viên CĐ và NLĐ thông qua việc thỏa thuận hợp tác ký kết giữa Tổng LĐLĐVN với các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp lớn; giữa LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương và tương đương với các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương, ngành và các doanh nghiệp cùng đồng hành “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và NLĐ”.
Năm 2018, tổng số lao động cả nước là trên 55 triệu người, trong đó có hơn 10 triệu đoàn viên CĐ. Số đoàn viên CĐ đã phát và đổi thẻ là 1,456 triệu đoàn viên, trong đó phát và đổi thẻ liên kết là 1.700 đoàn viên và có 72.379 CĐ cơ sở đã triển khai “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ và NLĐ” đến đoàn viên và NLĐ; 1.885.574 đoàn viên và NLĐ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các đối tác, tăng 9% so với năm 2017 và giá trị hưởng lợi khoảng 758 tỉ đồng, tăng 49% so với năm 2017.
Bên cạnh đó, lợi ích mang lại từ giá ưu đãi sử dụng cơ sở vật chất hiện có của hệ thống CĐ gồm khách sạn, nhà khách: Số đoàn viên được hưởng lợi 228.803 người, giá trị hưởng lợi 36 tỉ đồng; Nhà Văn hóa CĐ: Số đoàn viên được hưởng lợi 376.570 người, giá trị hưởng lợi 5,311 tỉ đồng; Trường Đại học CĐ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Số đoàn viên và con đoàn viên được học và hưởng lợi là 13.685 người; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của CĐ giúp số đoàn viên và con đoàn viên được học và hưởng lợi là 2.628 người, giá trị hưởng lợi hơn 16 tỉ đồng.
B.C.Đ (nguồn: laodong.vn)