“Cùng với Cách mạng 4.0, Công đoàn Việt Nam đang đứng trước tác động kép: Sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và những đổi mới mạnh mẽ của Đảng đối với hệ thống chính trị, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn vào thời điểm có tính bước ngoặt, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình” - Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN nhìn nhận về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Công đoàn Việt Nam.
Dưới đây là ý kiến của đồng chí Ngọ Duy Hiểu về vấn đề này:
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN.
Tác động của Cách mạng 4.0
Cách mạng 4.0 trước hết tác động đến việc làm, tức là tác động trực tiếp đến đoàn viên, người lao động - đối tượng tập hợp của tổ chức công đoàn. Nhiều việc làm truyền thống sẽ biến mất và xuất hiện những việc làm mới. Công nghệ sẽ đóng vai trò là nguồn tạo việc làm và giúp biến đổi việc làm. Quan hệ lao động sẽ có những thay đổi.
Nền kinh tế tự do (Gig) với nhiều hình thức mới đã và sẽ xuất hiện như Uber, Grab, thương mại điện tử. Có nhiều việc làm không cần người lao động phải có mặt ở cơ quan mỗi ngày 8 tiếng như truyền thống. Tập hợp người lao động, đại diện, chăm lo, bảo vệ họ và tổ chức các hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu và cách làm mới.
Trong bối cảnh mới, Công đoàn Việt Nam vẫn trung thành với những chức năng vốn có của mình, trong đó xác định chức năng đại diện, bảo vệ quyền và chăm lo lợi ích của người lao động là chức năng cơ bản, được quan tâm hàng đầu để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Công đoàn sẽ tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và ra các quyết định ảnh hưởng đến số phận của hàng triệu công nhân lao động, giúp người lao động có việc làm bền vững trong Cách mạng 4.0.
Cùng với đó, Công đoàn sẽ tư duy về mô hình và cấu trúc mới (Công đoàn 4.0) với những đổi mới mạnh mẽ để tận dụng Cách mạng 4.0, khắc phục bệnh hành chính, giấy tờ, ra mệnh lệnh, xa cơ sở, họp hành nhiều.
Công đoàn sẽ làm gì trong bối cảnh mới?
Trước hết, phải đổi mới mô hình tổ chức và đột phá trong công tác cán bộ. Mô hình tổ chức trong tương lai phải thiết kế theo hướng ưu tiên, đầu tư nhân lực cho cơ sở để bám cơ sở, chăm lo cho cơ sở và người lao động. Mô hình đó phải đảm bảo năng động, linh hoạt, hiện đại, không rập khuôn theo hệ thống hành chính. Khuyến khích sự ra đời các mô hình mới để tập hợp người lao động trong các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ví dụ Grab).
Cán bộ công đoàn cần được đầu tư đào tạo, trẻ hóa, chuyên nghiệp hóa, năng động hóa. Cán bộ công đoàn không chỉ là người làm công tác đoàn thể chính trị, nặng về bàn giấy mà phải là chuyên gia về thương lượng, đàm phán, đối thoại, tư vấn và thực sự sâu sát cơ sở, bám cơ sở, gần đoàn viên, phải đậm “chất” công nhân.
Trong bối cảnh tình hình mới, phương thức hoạt động công đoàn phải thay đổi. Cần chuyển dần từ chỉ đạo, giao nhiệm vụ của cấp trên cho cấp dưới sang hỗ trợ, phục vụ; công đoàn, nhất là cấp cơ sở và cấp trên cơ sở nên tổ chức các hoạt động dịch vụ để đoàn viên, người lao động được tiếp cận và thụ hưởng.
Cơ quan công đoàn trong tương lai không còn là cơ quan hành chính thuần túy, mà nên là cơ quan hành chính - dịch vụ - hỗ trợ. Các cấp công đoàn cần ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của mình, trong quản lý đoàn viên và các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, giúp đoàn viên, người lao động tiếp cận tổ chức công đoàn một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.
Công đoàn cũng cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong thương lượng tập thể, đối thoại xã hội và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững. Phải đưa việc xem xét giải quyết các vấn đề của Cách mạng 4.0 vào trong các thỏa thuận thương lượng tập thể. Phải xây dựng sức mạnh công đoàn thông qua thương lượng tập thể thành công. Đối thoại xã hội phải thực chất và thực sự tạo được sức mạnh chung của tập thể người lao động để tác động có hiệu quả đến giới chủ.
Làm tốt những việc này, Công đoàn Việt Nam đã biến Cách mạng 4.0 thành cơ hội thực sự cho mình, đổi mới mình và khẳng định mình.
Nguồn: Lao động