Nói như vậy có nghĩa là yêu cầu mỗi cán bộ Công đoàn (CĐ) các cấp từ tổ trở lên phải xác định rõ ràng được vị trí, vai trò của mình trong toàn bộ nội dung khi thực hiện nhiệm vụ tổ chức phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và hoạt động CĐ.
Khi xác định vị trí “ ở trong “ đoàn viên có nghĩa là mình đã thực sự vừa là cán bộ CĐ của đoàn viên, của CNVCLĐ (chứ không phải là cán bộ CĐ của người nào khác) và vừa là một đoàn viên CĐ. Có lẽ như vậy mới đúng là cán bộ CĐ, mới có thể hòa mình được với CNVCLĐ, mới có cơ hội để “ chăm nhìn, chăm nghe, chăm hiểu “ được người lao động (LĐ) và để “ cùng ăn, cùng làm “ với họ. Khi xác định vị trí “ ở trên “ đoàn viên có nghĩa là mình đã có vai trò thật sự của người cán bộ để từ đó có những cách làm, những việc làm cụ thể tập hợp được đông đảo CNVCLĐ cùng tham gia tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, trong sinh hoạt tư tưởng riêng tư, trong đời sống vật chất cũng như đời sống văn hóa tinh thần, và khi đó mới có thể được tin tưởng, trở thành “ Thủ lĩnh “ của họ. Muốn được như vậy thì đòi hỏi mỗi cán bộ CĐ phải “ biết hy sinh “, phải tâm huyết với nhiệm vụ và đặc biệt là phải không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện về đạo đức, năng lực, trình độ, nắm vững mọi chế độ chính sách tuyên truyền giải thích thỏa đáng cho CNVCLĐ để xứng tầm trên họ “ một cái đầu “.
Người bảo làm cán bộ CĐ rất dễ; Cũng lại có người bảo làm cán bộ CĐ cực khó. Tất cả đều đúng! Tại sao lại “ lưỡng tính “ như vậy? Rất đơn giản, vì chỉ cần giải thích rằng: nói “ rất dễ “ có nghĩa là khi đó, cho dù là cán bộ CĐ nhưng cũng mới chỉ được coi như là đoàn viên, không có nhiệm vụ rõ ràng hoặc không quan tâm đến nhiệm vụ và cũng không làm gì cả. Còn nói “ cực khó “ có nghĩa là cán bộ CĐ phải biết làm việc “ hết tầm “, phải có tâm huyết, có trách nhiệm với CNVCLĐ, với đoàn viên CĐ và đã xác định được vị trí: “ Vừa ở trong đoàn viên, vừa ở trên đoàn viên CĐ “.
Trong một lần “ Trà đàm “ về chủ đề cán bộ CĐ, có người nêu vấn đề một cách so sánh: “ Cán bộ CĐ phải như một người thợ gò bậc 7/7, vừa có tay nghề cao, vừa đủ sức bề bỉ, kiên nhẫn và khéo léo để biết uốn, biết nắn, biết tạo ra sản phẩm theo ý mình. Như vậy, anh cán bộ CĐ sẽ có đủ bản lĩnh, đủ tầm không những chỉ để vận động, thuyết phục người sử dụng LĐ trong quá trình tổ chức thương lượng những nội dung của Thỏa ước LĐ tập thể cũng như những vấn đề về quan hệ LĐ mà còn có sức thuyết phục trong việc vận động, tập hợp những người LĐ tham gia thực hiện những nội dung hoạt động CĐ…”. Một người khác sôi nổi: “ Tôi nhất trí. Theo tôi, cán bộ CĐ cũng phải bền bỉ, dẻo dai như một thứ sản phẩm đa năng, có thể chịu đựng trước mọi sức ép, mọi sự va đập mà vẫn bình yên tồn tại được như thường…”.
Mọi người đều cho rằng, điều đó cần phải được coi là mục tiêu phấn đấu của mỗi cán bộ CĐ tuy rằng rất khó. Nhưng, nếu mỗi cán bộ CĐ đều suy nghĩ, đều làm được như vậy thì tổ chức CĐ sẽ mạnh mẽ hơn, và có ai đó muốn nói rằng: “ CĐ là ăn theo, nói leo “, “ là bánh xe thứ năm …” sẽ không bao giờ dám!