Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính trong hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội, là tiêu chí và mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trong xu hướng tiến bộ nhân văn của thế giới. Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
BHXH là kết quả của sự tăng trưởng kinh tế công bằng, đồng thời tạo cơ hội cho mọi người dân được thụ hưởng đầy đủ hơn các thành quả của sự phát triển kinh tế, phòng ngừa và khắc phục các rủi ro trong kinh tế thị trường và rủi ro xã hội khác; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Chính sách BHXH hiệu quả sẽ góp phần tích cực kiến tạo môi trường cho người lao động được hưởng thụ một cuộc sống mạnh khỏe, sáng tạo, có cơ hội để phát triển và tuổi thọ cao.
Pháp luật về BHXH hướng tới sự bảo vệ toàn diện, bảo đảm công bằng xã hội, công bằng trong đóng góp và thụ hưởng, được quản lý tập trung thống nhất. BHXH hình thành những quy định có tính pháp lý và chương trình mang tính quốc gia nhằm cải thiện điều kiện sống và việc làm cho người lao động. BHXH là một nhân tố sinh lợi, là điểm tối ưu của an sinh và phúc lợi để cân đối lợi ích, nhưng vẫn đảm bảo sự năng động của xã hội, để phát triển rộng hệ thống an sinh xã hội trong khi vẫn nuôi dưỡng được nguồn cung bền vững và tạo được hài hòa lợi ích giữa các đối tác xã hội. Nhà nước tạo sự biến đổi theo hướng tích cực thông qua tương tác, kiến tạo xã hội để tất cả các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị liên quan thực thi của pháp luật về BHXH một cách hiệu quả trong thực tiễn.
Luật Bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật Bảo hiểm xã hội bao gồm 9 Chương và 125 Điều; hướng tiếp cận tiến dần tới sự công bằng về mức thụ hưởng cho mọi đối tượng tham gia BHXH theo một lộ trình phù hợp đáp ứng đầy đủ nguyên tắc mức hưởng BHXH trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHXH của người lao động và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Với các quy định cụ thể để bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi hết tuổi lao động hoặc tử tuất. Luật BHXH sẽ góp phần bảo đảm an toàn cuộc sống của chính người lao động, của gia đình người lao động và của toàn xã hội hướng tới bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội ở mức độ cao hơn và bền vững hơn đối với người lao động.
Vấn đề đặt ra
Hiện nay cả nước có trên 13,4 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 24% lực lượng lao động trong độ tuổi, điều đó cho thấy vi bao phủ của BHXH còn thấp, ở cả phạm vi chính thức và phi chính thức, bởi so với mục tiêu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Đảng đã đề ra mục tiêu có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp vào năm 2020. Thực tế hiện nay mới có hơn 200.000 NLĐ đang tham gia BHXH tự nguyện cho thấy BHXH tự nguyện đang thiếu hấp dẫn đối với người mới tham gia. Trong khi đó, dự báo năm 2020 lực lượng lao động Việt Nam có khoảng 60 triệu người, như vậy để tăng từ 13,4 triệu lên 30 triệu NLĐ tham gia BHXH là con số không hề nhỏ, mở ra cơ hội lớn và thách thức rất lớn cả về trước mắt và lâu dài đối với BHXH Việt Nam.
Với điều kiện tình hình chung của các nước đang phát triển thì việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm, hiện Việt Nam có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức, chiếm tới 57,2% tổng số việc làm phi nông nghiệp trên cả nước, trong đó có 98% lao động phi chính thức không có BHXH, BHYT, chỉ 0,2% số lao động trong nhóm này được đóng BHXH bắt buộc; còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Đa số những lao động này có việc làm thiếu ổn định và thu nhập bấp bênh, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thoả thuận miệng; chủ yếu làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ hoặc siêu nhỏ, không đăng ký kinh doanh, không đóng BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 21,6 triệu người, chiếm 40,4% lao động đang làm việc của toàn bộ nền kinh tế, do đó tình hình số lao động tham gia quan hệ lao động, có hợp đồng lao động gia tăng không nhiều, đây cũng là một trở ngại lớn đối với BHXH Việt Nam.
Hàng năm có khoảng 4-5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150 nghìn người hưởng các chế độ BHXH dài hạn, có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng. Nếu tính cả đối tượng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công, đã có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng. Với một viễn cảnh, khi năng sinh sản giảm, tuổi thọ tăng, người lao động Việt Nam nghỉ hưu sớm so với tuổi thọ sẽ xảy ra tình trạng “chưa giàu đã già” và khi tuổi thọ tăng, thời gian hưởng lương hưu sẽ tương đối dài, nghỉ hưu sớm lại khá phổ biến trong khu vực công, phần nào cũng tác động đến tình hình của Quỹ BHXH.
Khi triển khai Luật BHXN năm 2014 vào thực tế còn có một số vướng mắc như: Một bộ phận không nhỏ NLĐ tại các khu công nghiệp chưa đồng tình về điều kiện hưởng chế độ BHXH một lần đối với NLĐ theo Điều 60 của Luật BHXH, cho dù không phải là đa số NLĐ mong muốn điều này, nhưng tiếng nói, nguyện vọng thực tế, tình cảnh của những NLĐ còn khó khăn cũng cần được tôn trọng và đáng quan tâm. Bên cạnh đó, việc quy định tăng thời gian đóng nhưng lại giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của NLĐ theo khoản 2, Điều 56 Luật BHXH 2014, kể từ năm 2018, đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lao động ồ ạt nhận BHXH một lần thay vì tích lũy, để dành cho tương lai. Do đó, năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, có hơn 21.000 lao động nữ có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm sẽ có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 từ 4% - 10%, tùy theo thời gian đóng BHXH thực tế. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu của BHXH cũng như chính sách an sinh xã hội của đất nước.
Một tình hình đáng lo ngại là khi ngày càng nhiều người lao động rời khỏi BHXH và mạng lưới an sinh xã hội, tính từ năm 2013- 2016, cả nước có 2,5 triệu NLĐ đề nghị lĩnh BHXH một lần, bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người rời quỹ hưu trí, dự báo năm 2017 có gần 700.000 người NLĐ đề nghị nhận BHXH một lần. Không những vậy, tình hình nợ, chậm, trốn trốn đóng BHXH diễn ra phổ biến và theo chiều hướng phức tạp, tại nhiều doanh nghiệp, còn có tình trạng người sử dụng lao động trốn tránh việc đóng góp thực hiện nghĩa vụ về BHXH đối với nhà nước và người lao động. Theo BHXH Việt Nam, tính đến 21/9/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 17.510 tỉ đồng, trong đó: nợ BHXH: 11.870 tỉ đồng, nợ BHTN: 622 tỉ đồng, nợ BHYT: 5.018 tỉ đồng.Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến nhiều NLĐ do bị treo sổ BHXH, đồng nghĩa nhiều người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu không được giải quyết chế độ hưu trí, những người mất việc không được giải quyết chế độ thất nghiệp, nhiều lao động nữ không có chế độ thai sản.
Bên cạnh đó còn nhiều người lao động chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của BHXH, muốn có thu nhập trong ngắn hạn, chưa thấy sự cần thiết và cấp bách của BHXH khi họ già yếu hoặc ốm đau.Từ những vấn đề trên cũng đặt ra một số thách thức cũng đặt ra đối với BHXH Việt Nam như: độ bao phủ của BHXH thấp, thiếu hấp dẫn đối với NLĐ, còn có sự chưa đẳng giữa các nhóm tham gia đóng và thụ hưởng BHXH, người lao động trong khu vực công có lợi ích hưu trí tốt hơn so với người lao động trong khu vực tư. Quỹ BHXH chưa bền vững về tài chính, năng lực quản lý và thực hiện các chương trình về BHXH còn hạn chế; lợi nhuận đầu tư của BHXH chưa cao, chưa đa dạng, thiếu chiến lược đầu tư và chi trả dài hạn so với tiềm năng của lực lượng lao động Việt Nam.
Chính phủ đặt ra mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, vậy những vấn đề gì của thực tiễn sẽ nảy sinh tương ứng như số lượng lao động, số người đóng BHXH, số thuế thu được, số người lao động tham gia vào mạng lưới an sinh xã hội và những vấn đề phát sinh liên quan sẽ tác động đến BHXH như thế nào, hình thức quản lý nào là phù hợp để thích ứng. Giai đoạn tới kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước, vậy để triển khai hiệu quả pháp luật về BHXH tại các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, BHXH cần có những chiến lược hoạt động tổng thể để tương thích với điều kiện thực tế và xu thế phát triển.
Một số khuyến nghị
Trước hết cần đặt vấn đề, pháp luật về BHXH là nền tảng, là căn cứ pháp lý để thực thi về BHXH và an sinh xã hội với mục đích cơ bản là tiết kiệm cho tương lai, đầu tư cho tương lai, phòng ngừa rủi ro, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ và có đóng có hưởng, đảm bảo phúc lợi cho mọi người dân. Phải quy định rõ trách nhiệm đến cùng của cơ quan quản lý, người sử dụng lao động, người lao động để tránh các trường hợp quyền lợi của các tập thể, cá nhân ở mức tối đa mà trách nhiệm thì ở mức tối thiểu, làm sao pháp luật được thực thi và triển khai trong thực tế một cách nghiêm túc. Cần có cơ chế phối hợp đồng bộ chính sách BHXH với các chính sách kinh tế - xã hội khác, như chính sách việc làm, chính sách tiền lương và thu nhập, thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ tích cực các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng và vùng đặc thù.
Tham gia vào BHXH là xây dựng lòng tin, đề cao sự minh bạch, trách nhiệm của các bên tham gia, đề cao vai trò điều tiết của Nhà nước trong suốt tiến trình, nhấn mạnh về việc thực hiện nghĩa vụ đi đôi chặt chẽ với quyền lợi được hưởng. Từ đó tập trung vào những vấn đề và các điều khoản cần thay đổi, phân tích tại sao thực tế đó lại diễn ra, cần thay đổi điều gì, thu hẹp khoảng cách đó như thế nào với các chiến lược giải pháp tổng thể, toàn diện, đánh giá các khả năng tác động và điều kiện đảm bảo thực thi, triển khai hiệu quả trong thực tế. Trong trường hợp cần thiết, đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu của thực tế cũng có thể sửa đổi những điều khoản trong Luật BHXH và có những quy định, hướng dẫn mở, tính đến quyền lợi trước mắt lẫn lâu dài với sự tham gia đóng góp và thụ hưởng của người lao động. Bên cạnh đó cần đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của người sử dụng lao động, của doanh nhân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH.
Nhà nước cần kiến lập, thúc đẩy môi trường, văn hóa “Làm việc tích cực - Động lực tích cực” cho người lao động với nhiều chính sách thực tế khả thi, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức làm việc mới nhằm giúp đỡ cho người lao động như: làm việc ngoài giờ, làm việc ở độ tuổi cao với biên độ và thời gian hợp lý, trợ giúp từ các quỹ xã hội bù vào tiền công làm việc của nhóm người này. Thúc đẩy các biện pháp để tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt cho nhóm dễ bị tổn thương như: người già, phụ nữ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người lao động nhập cư, bằng các chính sách lao động tích cực như tạo điều kiện đào tạo lại, đào tạo nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng. Mở rộng hơn là sự linh hoạt trong đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng quan hệ đối tác công- tư, liên quan đến cách thức phân phối lợi ích xã hội để tăng tích lũy, cải cách mạnh mẽ hệ thống an sinh xã hội. Đổi mới thiết chế hoạt động của BHXH trong an sinh xã hội từng bước trong tổng thể, từ việc cân đối và phân chia giai đoạn để tăng tỉ lệ đóng góp của các bên tham gia, kết hợp với thuế, đầu tư hiệu quả sinh lời của qũy BHXH, có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời cần có chế tài tham gia bắt buộc với các quy định cụ thể để tất cả NLĐ có hợp đồng lao động, tất cả người làm công ăn lương, cả người tự tạo thu nhập tham gia BHXH.
Đề cao tính thượng tôn của luật pháp, vì nếu người lao động và doanh nghiệp có trách nhiệm phải đóng góp, thì điều đó phải được phải được thi hành. Với các giải pháp toàn diện từ vận động, kiểm tra, thanh tra cho đến việc khởi kiện ra tòa doanh nghiệp trốn đóng BHXH vì đây là quyền lợi của người lao động cũng như của người sử dụng tại doanh nghiệp, đơn vị. Với những trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH nhiều lần, kéo dài, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự. Đồng thời khuyến nghị thành lập toàn án lao động và có án lệ về lao động, về BHXH, nên tập trung tại các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều lao động, nơi xảy ra nhiều mâu thuẫn về quan hệ lao động và tình hình phức tạp về thực hiện về pháp luật BHXH.
Thiết lập hệ thống hạ tầng kết nối thông tin với các cơ cở thông tin liên kết, đồng bộ với hệ thống dữ liệu thông tin mở, liên kết, công khai, thuận tiện cho bất kỳ ai quan tâm đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng, thuận tiện. Với hệ thống liên thông trong hoạt động BHXH, với mô hình hiệu quả nhằm nâng cao khả năng thụ hưởng cho người lao động và tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng di chuyển trong thị trường lao động; tạo ra tính đa dạng trong hoạt động BHXH, tạo cơ hội tốt nhất cho người lao động, tùy thuộc vào điều kiện cá nhân để tham gia. Đồng thời có sự “liên thông thực chất”, với cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại, bảo đảm tích hợp thông tin của các cơ quan liên quan đến BHXH như: các doanh nghiệp, cơ quan Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tòa án, Bộ, Sở Lao động Thương Binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội trong việc thực thi các quy định của pháp luật về BHXH.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NSDLĐ thấy được quyền lợi và trách nhiệm pháp lý, cũng như để NLĐ hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH. Nội dung tuyên truyền phải tương thích với đối tượng cần tác động, tăng cường trao đổi, đối thoại giữa cơ quan BHXH với người lao động và doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHXH. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có nhiều hoạt động để tuyên truyền, phổ biến, thông tin các quy định pháp luật để người lao động biết được quyền lợi của mình về BHXH, đồng thời tăng cường các hoạt động giám sát, đề nghị, yêu cầu và khởi kiện về việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về BHXH.
Về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của BHXH Việt Nam cần hiện đại, nhạy bén, linh hoạt phục vụ người lao động và doanh nghiệp tốt hơn nữa với hệ thống thông tin kịp thời, sử dụng hệ thống quản trị tiên tiến để đảm bảo bền vững tài chính với tầm nhìn dài hạn, trong đó cần đa dạng hóa về mức đóng và hưởng thực tế hơn. Cần tiến hành mạnh mẽ việc đơn giản hóa và hiện đại hóa quy trình thủ tục BHXH, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khi giao dịch với cơ quan BHXH. Các cơ quan của BHXH cần thiết lập các ưu tiên, điều chỉnh chi phí để cập nhật và kịp thời theo dõi các lợi ích của mỗi NLĐ, mỗi sổ BHXN. Với các nội dung cụ thể để đo lường kết quả thực hiện, các dự đoán nhu cầu tương lai của NLĐ để NLĐ thấy được mục tiêu tài chính rõ ràng, lợi tức tài chính về sau, tạo cho NLĐ chủ động giải quyết các nhu cầu.
Mô hình hoạt động của BHXH cần năng động, quản trị hiện đại, phục vụ các đối tượng đóng BHXH, như là khách hàng, đối tác. Để từ đó có sự lựa chọn khách hàng, xác định phân khúc, khách hàng hấp dẫn, đó là NLĐ có việc làm, dài hạn. Đồng thời có nhiều biện pháp, cách thức để thu hút khách hàng, phát triển mối quan hệ giữa chân khách hàng. Đẩy mạnh quản trị rủi ro đối tượng NLĐ có việc làm bấp bênh, NLĐ có khả năng tham gia đóng góp vào BHXH ở mức độ thấp, dựa trên sự đánh giá của thì trường định kỳ với hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá kết quả thực hiện BHXH, sử dụng biện pháp cải thiện, đo lường và tiêu chuẩn kết quả hoạt động để thúc đẩy quản lý hiệu quả quỹ BHXH. Đa dạng và mở rộng các chương trình hưu trí bổ sung thông qua việc mở rộng và tăng mức đóng góp cho các chương trình hưu trí theo nghề và các công cụ tiết kiệm hưu trí tư nhân.
Cùng với các biện pháp cần thiết để bảo toàn, tăng trưởng quỹ, với hệ thống quản trị các yếu tố tài chính của Quỹ BHXH như: Tăng giá trị dài hạn, tối đa hóa dòng tiền nhàn rỗi, quản lý chi phí với các quy trình điều tiết, thiết lập mục tiêu cho toàn bộ người lao động, các doanh nghiệp, các đối tượng đóng BHXH một cách thực tế với các dữ liệu khoa học, chính xác, đầy đủ dữ liệu thông tin. Tăng cường hoạt động kết nối để sâu sát các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ để thu phí bảo hiểm từ các doanh nghiệp tư nhân đang lớn nhanh về mặt số lượng và NLĐ khu vực phi chính thức. Về lâu dài cần thực hiện đồng bộ giải pháp tăng thu, giảm dần mức chi, ngăn chặn thất thoát, đổi mới, mức đóng, quyền lợi, mức lương thực trả; gia tăng quyền, lợi ích hưu trí cho khu vực tư; thủ tục nộp đơn giản, qua tin nhắn, email. Nên có cơ chế phát triển mạnh mẽ các hình thức để các doanh nghiệp, đại lý cùng tham gia vào vận động bán bảo hiểm tự nguyện, ngoài ra, cần giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển BHXH gắn với trách nhiệm của từng tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan.
Cần thúc đẩy hình thức quản lý qua thẻ đa năng thông minh với mã số về BHXH, mã số thẻ An sinh xã hội, với các dữ liệu cá nhân, các thông số liên quan để mỗi người lao động đều có thẻ đa năng này và có hiệu lực suốt đời, trong đó được tích hợp các thông tin cần thiết, được kịp thời cập nhật qua tin nhắn, email, để NLĐ sử dụng thuận tiện và tự bảo quản, chủ động tích cực trong theo dõi và tự quản lý. Để người lao động có trách nhiệm hơn đóng góp vào quỹ BHXH và được hưởng lãi suất hàng năm và các quyền lợi khác theo quy định. Đồng thời cần có cơ chế mở để mỗi người lao động tự quyết định sẽ trích bao nhiêu phần trăm lương của mình để gửi vào tài khoản hưu trí, với góc độ lũy tiến, với mức thời gian hợp lý. Khi tham gia vào BHXH người lao động trở thành một phần của quá trình thực hiện mà người lao động được đảm bảo rằng khoản tiền đóng góp này được nhập vào gói thanh toán bù trừ của NLĐ và NLĐ được quyền thương lượng các điều khoản thực hiện trong BHXH. Nên mở rộng các hình thức tham gia của các đối tác khác như các công ty quản lý quỹ hoặc công ty bảo hiểm nhân thọ quản lý, sinh lợi; đa dạng các hình thức quản trị như tạo ra vài quỹ đầu tư khác nhau, với các mức lợi nhuận, phúc lợi kèm theo và đánh giá mức độ rủi ro để người lao động, chủ thẻ BHXH có quyền được lựa chọn theo nguyện vọng, điều kiện thực tế và khả năng đóng góp của NLĐ trong từng thời điểm, từng giai đoạn với điều kiện và thời gian hợp lý.
Kim Sơn (tổng hợp)