banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Tăng năng suất lao động: Không thể thiếu vai trò của công đoàn
Cập nhật lúc 08:27 ngày 29/10/2017
Những năm gần đây, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam tăng liên tục song vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Vì vậy, tăng năng suất lao động là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, trong đó có tổ chức công đoàn.
Lương thấp ảnh hưởng tới năng suất lao động
Nói về các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất lao động, các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp chính là tiền lương, thu nhập cũng như chế độ đãi ngộ đối với người lao động. Các chuyên gia phân tích, tiền lương và năng suất lao động là mối quan hệ giữa tiêu dùng và sản xuất trong một nền kinh tế, cũng là mối quan hệ giữa làm và ăn, cống hiến và hưởng thụ của người lao động trong một tập thể doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, khi năng suất lao động cao thì người lao động được trả lương cao, ngược lại, tiền lương, thu nhập có tác động trở lại đến năng suất lao động. “Nếu được thỏa mãn về tiền lương, thu nhập, người lao động sẵn sàng làm việc hết sức mình để đưa năng suất lao động lên cao. Hơn nữa, tiền lương là một trong những công cụ quan trọng trong quản lý lao động. Nếu sử dụng hợp lý, sẽ kích thích tái độ làm việc, tạo ra động lực để tăng năng suất lao động”- PGS.TS Vũ Quang Thọ nói. Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, tình trạng trả lương của các doanh nghiệp hiện nay không tương xứng với sức lao động bỏ ra. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tăng năng suất lao động.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động. 
Đồng quan điểm với PGS.TS Vũ Quang Thọ, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nhận xét: Tiền lương là một nhân tố quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng năng suất lao động hay nói cách khác, đối với CNLĐ, tiền lương là khoản thu nhập chính, để tăng lương, họ phải tăng năng suất lao động. Ngoài tiền lương, tiền thưởng, các chế độ đãi ngộ và phúc lợi xã hội cũng góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động. Phúc lợi có thể là tiền, vật chất, chế độ… để động viên hoặc khuyến khích và đảm bảo an sinh cho CNLĐ.
“Tuy nhiên, hiện nay tiền lương tối thiểu vùng mới chỉ đáp ứng được trên 80% mức sống tối thiểu, buộc người lao động phải làm thêm giờ để có tiền bù đắp các chi phí, việc làm thêm giờ nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, đồng thời làm giảm năng suất lao động”- ông Đinh Quốc Toản nhận định.
Bên cạnh tiền lương, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, bao gồm môi trường tự nhiên và điều kiện lao động cũng là những yếu tố tác động tới năng suất lao động. PGS.TS Vũ Quang Thọ cho rằng, hiện nay ở nhiều nơi, người lao động phải làm việc trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như làm việc ngoài trời, hầm lò, nơi nhiệt độ cao, thiếu ánh sáng; độ ẩm, tiếng ồn, độ rung, bụi, các chất độc hại quá mức độ cho phép sẽ cản trở đến công việc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và làm ảnh hưởng đến năng suất lao động. “Nếu có sự quan tâm của người sử dụng lao động đầu tư cải thiện, hạn chế tác động xấu của môi trường tự nhiên, sẽ góp phần tăng năng suất lao động”- PGS.TS Vũ Quang Thọ nêu ý kiến.
Công đoàn góp phần tăng năng suất lao động
Những phân tích của các chuyên gia cho thấy, tiền lương, thu nhập và năng suất lao động có mối quan hệ hữu cơ. Tiền lương, thu nhập ảnh hưởng đến việc tăng năng suất lao động và ngược lại việc nâng cao năng suất lao động cũng là yếu tố quan trọng để tăng lương, nâng thu nhập cho người lao động. Từ đó, với vai trò đại diện bảo vệ người lao động, tổ chức công đoàn cũng có nhiều giải pháp thiết thực nhằm tăng năng suất lao động.
Bà Đỗ Thị Phương Nga - Chủ tịch LĐLĐ huyện Ứng Hòa cho rằng, là tổ chức đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, BCH CĐCS phải lắng nghe, tiếp nhận và tham gia giải quyết ổn thỏa những phát sinh trong sản xuất của người lao động. Công đoàn phải quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động thông qua việc tổ chức sinh nhật, thăm hỏi, động viên lúc ốm đau, hiếu hỉ, trợ cấp khó khăn đột xuất… góp phần tạo nên môi trường doanh nghiệp thân thiện hơn. “Khi cảm thấy mình được quan tâm giúp đỡ, có tâm trạng vui vẻ, thoải mái, người lao động sẽ làm việc nhiệt tình, hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy năng suất lao động cao hơn”- bà Đỗ Thị Phương Nga nói.
Cũng để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, nhiều cán bộ công đoàn Thủ đô kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ một số vấn đề như: Đề nghị Đảng, Nhà nước cần có chính sách về phân công lực lượng lao động chuyên sâu theo nhóm công việc, ngành nghề; quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho người lao động; đề nghị Chính phủ khi điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm bảo đảm theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 91 Bộ Luật Lao động...