/Images/Upload/User/thanhhuong/2017/9/ong_nguy_n_d_c_cu_ng_tac_nghi_p_t_i_hi_n_tru_ng_t_i_tam_l__quet_x__n_m_pam_huy_n_mu_ng_la_ngay_5-8-2017_..jpg
(BÀI DỰ THI HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT "NÉT ĐẸP NGƯỜI CÔNG THƯƠNG" )
Tôi gặp Nguyễn Đắc Cường vào năm 2013, vào đúng dịp Bộ Công Thương phát động Lễ trồng rừng ở Thủy điện Sơn La.
Nhìn bề ngoài, Cường cũng như bao người khác, có chăng là nụ cười hiền rất sảng khoái. Qua hơn 4 năm giao tiếp công việc, tôi mới nhận ra những tài hoa ẩn chứa bên trong chàng kỹ sư điện đầy nhiệt huyết này từ chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động xã hội cho đến các lĩnh vực âm nhạc, báo chí, nhiếp ảnh.
Nguyễn Đắc Cường tác nghiệp tại hiện trường tại tâm lũ quét xã Nặm Păm huyện Mường La ngày 5/8/2017
Từ kỹ sư công trường
Kỹ sư Nguyễn Đắc Cường sinh năm 1976 trong một gia đình nông dân nghèo, ở một vùng quê trung du Bắc bộ (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ký ức của anh gắn liền với những củ ráy, củ khoai, con trâu cái cày, đèn dầu và quần vá. Cơm không đủ no, quần áo chẳng đủ mặc nhưng may mắn hơn những đứa trẻ khác là Cường được cắp sách đến trường.
Thấm được nỗi gian truân của cha mẹ - những người nông dân thuần túy nhưng chân chất, những ngày ở chốn phồn hoa, phố thị được chứng kiến sự no đủ, Cường càng cố gắng theo đuổi ước mơ học hành để trở thành người có ích. Anh đã lựa chọn ngành điện, đơn giản vì mong muốn thắp sáng những ước mơ con trẻ vùng quê.
Sau khi tốt nghiệp, năm 2001, anh về đầu quân cho Công ty Điện lực Sơn La, rồi chuyển về công tác tại Ban chuẩn bị sản xuất Thủy điện Sơn La (nay là Công ty Thủy điện Sơn La) từ năm 2008 đến nay. Là người trẻ, nhiệt huyết, tận tâm với công việc, anh được lãnh đạo cử đi học tập thực tế 10 tháng tại Nhà máy Thủy điện Ialy chuyên ngành sửa chữa, bảo dưỡng các hệ thống thiết bị công nghệ nhà máy thủy điện. Khi trở về, Nguyễn Đắc Cường được phân làm nhóm trưởng nhóm giám sát công tác thí nghiệm, hiệu chỉnh hệ thống thiết bị điện của Công trình Thủy điện Sơn La. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh đã cùng với anh em trong nhóm ngày đêm miệt mài nghiên cứu bản vẽ thiết kế, nguyên lý vận hành, chức năng của các hệ thống thiết bị công nghệ của Thủy điện Sơn La; kết quả thí nghiệm rất quan trọng làm cơ sở cho lãnh đạo phê duyệt, kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu chất lượng thiết bị, công trình.
Nguyễn Đắc Cường chia sẻ, yêu cầu tiến độ gấp rút, công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn đánh giá khắt khe, nhưng phải đảm bảo chất lượng. Có những hạng mục thí nghiệm phức tạp, khó chưa bao giờ được thí nghiệm tại Việt Nam như thí nghiệm các thanh dẫn stator trước, trong và sau khi lắp đặt tại hiện trường; thí nghiệm hệ thống lõi thép từ sau lắp đặt của stator máy phát các tổ máy...nhưng với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, anh cùng đơn vị thí nghiệm, phối hợp với các chuyên gia nhà thầu cung cấp thiết bị, nghiên cứu tài liệu hướng dẫn nhà chế tạo, các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; lập phương án kỹ thuật thực hiện công tác thí nghiệm tại hiện trường, vừa đảm bảo chất lượng, các thông số kỹ thuật, an toàn cho người và thiết bị trong cả quá trình thí nghiệm. Thời kỳ cao điểm, anh em phải liên tục làm việc tăng ca, có ngày làm việc đến 12-18 tiếng/ ngày; có những đêm thức thâu đêm giám sát...Vất vả là vậy nhưng cũng như nhiều anh em khác, Cường không hề phàn nàn vì đã nhận thức rất rõ ràng đây là công trình trọng điểm Quốc gia. Những đóng góp ấy dù nhỏ nhoi nhưng đã giúp đưa Thủy điện Sơn La vận hành an toàn, đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ đề ra trước 3 năm.
Từ tổ máy số 2 đến tổ máy số 6 Thủy điện Sơn La, anh được giao thực hiện giám sát máy biến áp 500kV loại 3 pha 5 trụ đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam, công suất 467MVA lớn nhất nước. Yêu cầu quy trình kỹ thuật lắp đặt nghiêm ngặt và phức tạp; khối lượng tổ hợp lớn... nhưng với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, Nguyễn Đắc Cường đã hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc: 5 máy biến áp 500kV của tổ máy số 2 đến số 6 đã được đưa vào vận hành an toàn, đảm bảo thông số kỹ thuật, góp phần quan trọng để các tổ máy phát điện đúng tiến độ. Anh tâm sự, mỗi lần đóng điện xung kích máy biến áp 500kV thành công là những lần cho anh cảm xúc tuyệt vời.
Đến cán bộ công đoàn nhiệt huyết
Sau khi hoàn thành công tác lắp đặt máy biến áp 500kV số 6 thành công, tháng 4 năm 2012 theo sự phân công của tổ chức, anh về làm Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty, cán bộ truyền thông quan hệ cộng đồng, một nghề mới, nghề tay trái đối với anh. Nhưng với sự tận tâm, tâm huyết và đam mê công việc, anh đã rất thành công trên cương vị, nhiệm vụ mới.
Nguyễn Đắc Cường trao tiền hỗ trợ và động viên gia đình anh Cà Văn (bản Huổi Liếng xã Nặm Păm) ngày 5/8/2017 ngay sau cơn lũ quét xảy ra.
Nguyễn Đắc Cường cho biết, Công đoàn Công ty Thủy điện Sơn La, với quân số gần 600 đoàn viên công đoàn, địa bàn hoạt động phân tán từ Nhà máy thủy điện Sơn La tới Nhà máy Thủy điện Lai Châu trên địa bàn 3 tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu). Dù vừa phải quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La, vừa đảm nhận nhiệm vụ tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ tiếp quản và quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Lai Châu… song nhiều năm qua, anh luôn nỗ lực cùng công đoàn công ty phối hợp với chuyên môn chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho anh em lao động; tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua lao động sản xuất; hoạt đông văn hóa văn nghệ thể thao, tạo đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thể chất cho người lao động, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ công nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng để Công ty Thủy điện Sơn La hoàn thành mọi chỉ tiêu kế hoạch được EVN giao, góp phần quan trọng đảm bảo đủ nguồn điện quốc gia cung cấp cho các phụ tải, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Đảng đề ra. Công đoàn Công ty Thủy điện Sơn La 7 năm liên tục đạt công đoàn vững mạnh. Với những thành tích trên; ngày 31/8/2017, anh Nguyễn Đắc Cường - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Thủy điện Sơn La đã được Công đoàn Điện lực Việt Nam vinh danh là 1 trong 109 cán bộ công đoàn tiêu biều xuất sắc giai đoạn 2013 -2017 của ngành điện. Đây là sự ghi nhận những cố gắng đóng góp của anh với tổ chức công đoàn; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn về tinh thần để anh tiếp tục cố gắng, đóng góp vào tổ chức Công đoàn trong thời gian tới.
Và duyên thầm thơ nhạc, báo chí
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Nguyễn Đắc Cường còn bén duyên với thơ, nhạc và báo chí. Trong gần 17 năm công tác, kinh qua nhiều công việc, ở những đơn vị khác nhau nhưng đều thuộc ngành điện. Công việc hàng ngày là phải đối mặt với những bê tông, cốt thép, không khí lao động khẩn trương trên các công trường… nhưng anh thấy hạnh phúc và cảm nhận được những giá trị to lớn mà ngành điện mang lại cho người dân cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chính từ xúc cảm của công việc đã khiến những giai điệu âm nhạc chất chứa niềm tin yêu cuộc sống bật thức trong tâm hồn chàng kỹ sư điện.
Tính đến nay, “gia tài” âm nhạc của Nguyễn Đắc Cường là 13 ca khúc, được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Giấy chứng nhận. Trong đó có bài hát “EVN - Nguồn sáng tương lai” sáng tác năm 2012, đã được cán bộ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) ngành điện bình chọn là 1 trong 14 ca khúc truyền thống ngành Điện lực Việt Nam và đoạt Huy chương Vàng năm 2012, Huy chương Bạc năm 2014 tại Hội diễn văn nghệ quần chúng CNVCLĐ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức; ca khúc “Thủy điện Sơn La nguồn sáng của Tổ quốc hôm nay và mai sau” sáng tác năm 2013, cũng đoạt Huy chương Bạc trong Hội diễn văn nghệ CNVCLĐ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam… Năm 2016, anh còn được kết nạp Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La chuyên ngành âm nhạc.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng để sáng tác những tác phẩm âm nhạc trữ tình về một ngành kỹ thuật khô cứng như ngành điện, Nguyễn Đắc Cường cho hay: “Đối với tôi, mỗi công trình, mỗi thiết bị điện đều mang đến cảm giác thân thiết như máu thịt. Tôi luôn coi những tổ máy khô khan như là bạn tri kỷ của mình. Đó cũng là nguồn cảm hứng sáng tác của tôi”.
Nguyễn Đắc Cường bộc bạch, "dường như trong người tôi có chút máu văn chương”! Nhưng tôi lại nghĩ, anh có cả duyên nợ với công việc của bộ phận truyền thông quan hệ cộng đồng mà anh đang phụ trách, nên những bài báo của anh kỹ sư điện “xịn” luôn hấp dẫn bạn đọc. Có thể nhắc đến những tác phẩm báo chí của anh để lại dấu ấn như: Ông Giám đốc “gánh hàng khủng” qua cầu - đăng trên Báo Lao động năm 2012, đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Niềm tin Điện lực Viêt Nam”. Tính đến nay, sau 6 năm tham gia viết báo, Nguyễn Đắc Cường đã có hơn 300 tác phẩm đăng tải trên các báo Trung ương, Báo Công Thương, Báo Sơn La và tạp chí của ngành điện. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, Nguyễn Đắc Cường cũng đã vinh dự nhận được các giải thưởng do nhiều cơ quan thông tấn báo chí ở miền Bắc tổ chức.
Riêng từ đầu năm 2017 đến nay anh đã có nhiều tác phẩm báo chí, nhiếp ảnh phản ánh kịp thời, xúc động về thảm họa và các hoạt động cứu nạn, cứu trợ người dân chịu ảnh hưởng lũ quét tại huyện Mường La, Sơn La.
Với những đóng góp của Nguyễn Đắc Cường trong một thời gian dài đã giúp anh vinh dự được nhận những phần thưởng, danh hiệu quý giá như Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của UBND tỉnh Sơn La, Bằng khen của Công đoàn Điện lực Việt Nam… và vinh dự được kết nạp Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Còn có một niềm vui khác là sau 6 năm làm nghề, anh em CBCNV nhà máy đã phong cho anh nhiều chức danh như nhà báo, nhiếp ảnh gia, nhạc sỹ, nhà thơ. Đây chính là những động lực cho chàng kỹ sư điện tài hoa tiếp tục cống hiến cho ngành điện nói riêng, ngành công thương nói chung.
Tác giả: Tâm Dũng
(Công đoàn Báo Công Thương)