banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thời gian nghỉ điều trị tai nạn lao động có đóng BHXH?
Cập nhật lúc 08:30 ngày 16/08/2017
Bà Lê Thị Phương Thảo (Đà Nẵng) hỏi: Người lao động nghỉ việc điều trị tai nạn lao động trong 3 tháng và vẫn được nhận lương thì thời gian này công ty có phải đóng BHXH cho người lao động không? Nếu công ty không phải đóng BHXH và người lao động xin nghỉ việc ngay sau khi điều trị xong thì người lao động có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?
Trả lời:
Về vấn đề này, BHXH TP. Đà Nẵng trả lời như sau:
Khoản 2, Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định “hàng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH” vì vậy thời gian người lao động không làm việc thì 3 tháng đó không tính đóng BHXH.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ điều 49 Luật Việc làm, người lao động quy định tại Khoản 1, Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp hợp quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 43 của Luật này;
Tại Khoản 1, Điều 46 của Luật Việc làm quy định: “Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thành lập”.
Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
Theo Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức BHXH xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:
- Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH.
- Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.
Đề nghị bà Thảo liên hệ trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP. Đà Nẵng thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng để biết cụ thể. 
Theo Chinhphu.vn