banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Hạnh phúc cùng con chữ
Cập nhật lúc 09:38 ngày 08/03/2017

Đồng nghiệp và nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh biết đến Tiến sĩ Cao Thị Cẩm Vân không chỉ với vai trò là công chức mẫn cán, mà còn hiểu rõ người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã vượt qua con đường tìm và gieo chữ đầy nghị lực.

 

Tiến sỹ Cao Thị Cẩm Vân trên giảng đường

Con đường đến với học vị tiến sỹ của cô Cao Thị Cẩm Vân hoàn toàn không dễ dàng. “Sinh ra ở TP. Hồ Chí Minh trong một gia đình nghèo có 13 anh, chị em, nên việc học hồi đó luôn đứng sau cái ăn” - cô Vân mở đầu câu chuyện về việc đi học và thực hiện giấc mơ làm cô giáo của mình.

Năm 1978, trầy trật lắm mới học đến lớp 9, cô Vân xung phong đi bộ đội. Được phân công làm văn thư, đánh máy ở Phòng Đối ngoại (Quân khu 7), cô tranh thủ học bổ túc văn hóa gần xong chương trình lớp 12. Năm 1982, xuất ngũ, cô Vân đăng ký học kế toán 6 tháng và xin vào làm việc ở Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh).

Bị thôi thúc bởi những con chữ, dù tuổi không còn trẻ, cô Vân tiếp tục đăng ký học lớp 12 ở quận Tân Bình, một năm sau thì lấy được bằng tú tài bổ túc. Năm 1997, cô Vân thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và năm 2002 thì lấy bằng cử nhân kế toán loại xuất sắc hệ tại chức. “Làm vợ, làm mẹ có con nhỏ mà đi học thì cực lắm. Tôi nhớ nhất khi sinh mổ đứa thứ hai được 17 ngày thì cột chặt bụng đi thi, vậy mà cũng qua” - cô Vân hồi tưởng lại.

Không dừng ở đó, trải qua nhiều kỳ thi, thi rớt, không nản, năm sau cô Vân lại quyết tâm thi tiếp. Hơn 10 năm kể từ khi nộp đơn thi cao học năm 2003, năm 2016, cô Vân đã được cấp bằng tiến sĩ. Cùng thời điểm nghiên cứu sinh tiến sĩ, cô Vân còn lấy thêm bằng cử nhân Anh văn. “Động lực nào khiến chị say học đến thế” - tôi hỏi. Cô Vân thản nhiên: Được đi học với tôi là một niềm vui đến đam mê!

Đến nay, Tiến sĩ Cao Thị Cẩm Vân làm việc tại Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh hơn 12 năm với vai trò Phó trưởng Khoa Kế toán và giảng dạy, ngoài ra cô còn là UV Ban Thường vụ Công đoàn Nhà trường. Là nhà giáo mẫn cán và có nhiều sáng tạo trong giảng dạy, quản lý, cô Vân đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương, bằng khen Chiến sĩ thi đua cấp trường 11 năm liền, “Người phụ nữ đảm đang” 5 năm liền của Bộ Công Thương tặng và còn rất nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Ở Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, nhiều sinh viên “kháo” với nhau về giai thoại “cô Vân thương học trò như con”. Nhiều học sinh đã được cô giáo âm thầm đóng học phí, có người ra trường đã bốn năm mới hay, chính cô Vân đã đóng học phí cho mình. Hay trường hợp, một cậu sinh viên treo chân bó bột trên ghi-đông xe đạp đến trường mãi vì không lành, nhà lại quá nghèo. Biết chuyện, cô Vân chở lên bệnh viện và lo viện phí...

Đến tuổi nghỉ hưu, nhưng trước ngày nghỉ, cô Cao Thị Cẩm Vân nhận bằng tiến sĩ nên trường đề nghị cô tiếp tục công tác. Điều này khiến cô vui vì ước mơ làm nhà giáo vẫn tiếp tục được thực hiện. Đối với cô, đời người được đi học và học hành tử tế là một diễm phúc. Khi may mắn được đứng trên bục giảng, diễm phúc ấy lại được nhân lên bội phần.

Dù vui trong công việc thường ngày của một nhà giáo, song Tiến sỹ Cao Thị Cẩm Vân vẫn có những nỗi niềm riêng. Chính những định kiến: “phụ nữ là kém”, “trình độ tại chức thì không phân công” “liên thông thì không bằng chính quy”... đã khiến cho nhiều người có năng lực mất cơ hội làm việc và cống hiến trí tuệ cho xã hội.

Thế Vĩnh