banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của công đoàn trong các doanh nghiệp hiện nay
Cập nhật lúc 01:07 ngày 02/04/2016

Một số tồn tại, hạn chế

Một là, công tác tổ chức, cán bộ, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa chuyển kịp với biến đổi của tình hình đất nước, của địa phương và đòi hỏi của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nên hoạt động còn kém hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Cán bộ công đoàn ăn lương của giới chủ nên còn e dè trong việc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động. Ở một số doanh nghiệp, cán bộ công đoàn đồng thời là cán bộ doanh nghiệp (phó giám đốc hoặc trưởng phó các phòng ban) nên còn hiện tượng cán bộ công đoàn xa rời công nhân, lao động.


Hai là, công tác tuyên truyền, giáo dục công nhân, viên chức, lao động còn hạn chế, chậm đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền. Đặc biệt, công tác tuyên truyền giáo dục của công đoàn mới chỉ tập trung làm tốt ở các doanh nghiệp Nhà nước, còn khu vực ngoài Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, còn lúng túng về phương pháp, hạn chế về hiệu quả, việc nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động ở nhiều doanh nghiệp còn chưa tốt, chưa kịp thời.

Ba là, chất lượng tham gia của Ban Chấp hành công đoàn doanh nghiệp vào việc xây dựng, sửa đổi các nội quy, quy chế, các chính sách lương, thưởng, đãi ngộ, tái sản xuất sức lao động của công ty còn yếu, công đoàn chưa bảo vệ tốt được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp công đoàn chưa đại diện được cho công nhân lãnh đạo ký thoả ước lao động tập thể.

Bốn là, các phong trào thi đua do công đoàn tổ chức, phát động hiệu quả thấp, chưa lôi cuốn, thu hút được đông đảo công nhân, lao động tham gia. Công đoàn chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ với chuyên môn trong tổ chức chỉ đạo thi đua. Công tác vận động, tập hợp công nhân, lao động vào công đoàn, tự giác tham gia hoạt động công đoàn tại các doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là các doanh nghiệp ngoài quoóc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số công đoàn tại doanh nghiệp chưa trở thành chỗ dựa của công nhân, lao động.

Năm là, nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng lãnh đạo nên hoạt động công đoàn còn gặp nhiều khó khăn. Việc phối hợp hoạt động với tổ chức đoàn thanh niên còn chưa hiệu quả.

Những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp

Thứ nhất, khó khăn trong công tác tập hợp, vận động công nhân, lao động gia nhập tổ chức công đoàn và tổ chức các hoạt động trong công nhân, lao động. Thực tế tại nhiều doanh nghiệp, công nhân, lao động biến động thường xuyên, nhất là lao động thời vụ nên khó tập hợp công nhân, lao động gia nhập tổ chức công đoàn. Nhiều doanh nghiệp cường độ làm việc của công nhân, lao động hết sức căng thẳng, tình trạng làm tăng ca, tăng giờ diễn ra liên miên, công nhân lao động không có thời gian, điều kiện tham gia hoạt động công đoàn cũng như tham gia các hoạt động xã hội khác do Ban Chấp hành công đoàn doanh nghiệp tổ chức. Nhiều doanh nghiệp phải tổ chức sinh hoạt công đoàn ngoài giờ, thậm chí ngay ngoài giờ nếu có bố trị được thời gian sinh hoạt thì cũng không có địa điểm để tổ chức các hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng công nhân, lao động không thiết tha vào công đoàn, tham gia hoạt động công đoàn và rất ít quan tâm đến vấn đề chính trị, xã hội. Mặt khác, nhiều công nhân lao động sợ vào công đoàn và tham gia các hoạt động chính trị, xã hội sẽ bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, mất việc làm.

Thứ hai, tại các doanh nghiệp hiện nay đang diễn ra tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực, kinh nghiệm và nhiệt tình trong công tác công đoàn. Đội ngũ cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm, họ vừa phải làm việc với cường độ cao để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn theo hợp đồng lao động đã ký, lại vừa phải tham gia tổ chức các hoạt động công đoàn nên hiệu quả hoạt động còn rất hạn chế. Mặt khác, kinh phí cho hoạt động công đoàn ngày càng khó khăn, chưa có chế độ chính sách động viên, khuyến khích về vật chất cũng như về tinh thần, ngay cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cũng chưa đồng bộ và chưa được tổ chức thực hiện nghiêm, nên không tạo được động lực khuyến khích cán bộ công đoàn nhiệt tình tham gia hoạt động công đoàn. Một bộ phận cán bộ công đoàn làm việc vẫn còn mang tính hành chính, sự vụ và chưa thật sự tâm huyết với công tác công đoàn.

Thứ ba, điều kiện làm việc của công nhân, lao động tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động ở các doanh nghiệp còn diễn ra khá phổ biến, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm pháp luật của các cơ quan chức năng chưa được quan tâm. Do vậy, quan hệ lao động trong doanh nghiệp đang cõu hướng diễn biến phức tạp. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, các thành phần kinh tế hoạt động đan xen lẫu nhau, trong khi cơ cấu tổ chức của công đoàn chưa hoàn thiện kịp thời, nên còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến hoạt động công đoàn. Tình trạng người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm còn tồn tại ở nhiều doanh nghiệp, gây sức ép lớn cho hoạt động công đoàn.

Thứ tư, hiện nay ở hầu hết các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa có tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, nên công đoàn ở khu vực này gần như thiếu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng, sự cộng tác của các tổ chức quần chúng, do vậy tổ chức hoạt động công đoàn gặp không ít khó khăn. Mặt khác, công nhân, lao động khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang tăng lên nhanh chóng, như vậy, hoạt động công đoàn chủ yếu là tỏng khu vực ngoài Nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, liệu công đoàn có giữ được bản chất cách mạng không và giữ bằng cách nào? Đây là bài toán đặt ra trong quá trình quy hoạch và tổ chức hoạt động trong hệ thống công đoàn.

Thứ năm, những chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công nhân và công đoàn chưa được tổ chức thực hiện một cách nghiêm chỉnh, vai trò làm chủ của công nhân, lao động cũng chưa được tôn trọng thực sự. Nhiều thể chế bảo đảm quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua tổ chức công đoàn cơ sở, như tổ chức hội nghị công nhân, lãnh đạo, ban thanh tra nhân dân, thoả ước lao động tập thể, nhiều doanh nghiệp không thực hiện, hoặc chỉ thực hiện một cách hình thức. Nhiều cơ chế, chính sách đối với công nhân, lao động công đoàn đặt ra về mục tiêu, lý tưởng thì rất tốt, đầy đủ, nhưng trong tổ chức thực hiện thì sai lệch, méo mó, thành thử làm trử ngại cho thực hiện vai trò, chức năng của công đoàn.

Thứ sáu, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không có công đoàn thì không thể có quan hệ lao động đầy đủ, tiến bộ, nhưng vào công đoàn lại do công nhân lao động tự nguyện, trong khi nhiều người sử dụng lao động lại không muốn thành lập công đoàn và không muốn công nhân, lao động vào công đoàn, thậm chí có tình trạng một số nơi các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc công nhân, lao động vào các tổ chức theo ý muốn của họ, như tổ chức hội lao động hay tổ chức theo tôn giáo. Do vậy để thu hút công nhân lao động trong doanh nghiệp gia nhập công đoàn, tham gia hoạt động công đoàn thì không thể chỉ tuyên truyền vận động mà đòi hỏi công đoàn doanh nghiệp phải thực sự “hấp dẫn” đối với người lao động và với cả người sử dụng lao động. Để công đoàn thực sự hấp dẫn thì không chỉ phụ thuộc vào nội lực của bản thân tổ chức công đoàn mà nhất thiết phải có sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của Nhà nước. Song trong thực tế một số cấp uỷ Đảng chưa quan tâm, một cấp chính quyền chưa thực sự phối hợp và cộng tác để công đoàn hoạt động tốt.

Thứ bảy, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước là quan hệ chủ - thợ, ở đó người lao động lao động người làm thuê, nhưng xét trên phạm vi toàn xã hội thì người lao động đang làm chủ đất nước. Vậy quan hệ giữa làm chủ và làm thuê ở đây được hiểu như thế nào? Nếu làm chủ thì phải làm gì, phải làm như thế nào để công nhân có thể làm chủ được? Đây là những vấn đề đặt ra cần có lời giải nhưng nếu chỉ có công đoàn thì không thể làm được vấn đề này.

Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp

Xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng của công đoàn trong giai đoạn hiện nay

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào, thì việc xác định rõ vị trí, vai trò, chỗ đứng của công đoàn trong doanh nghiệp, mối quan hệ giữa công đoàn với các tổ chức khác trong doanh nghiệp cũng là rất quan trọng đối với việc tạo ra sức sống và sức mạnh cho công đoàn, nó định hướng nội dung, hình thức, tổ chức, hoạt động công đoàn. ở doanh nghiệp, công đoàn có vị trí là người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động trong quan hệ lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tổ chức các phong trào thi đua, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

Nội dung hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X đã nêu ra phương hướng, nhiệm vụ của hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2008 - 2013 là: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp; hướng về cơ sở, lấy công đoàn làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Theo chúng tôi, trong thời gian tới, hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp cần tập trung vào các nội dung sau:

Một là, đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.  Chủ động thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, lao động tại doanh nghiệp. Tham gia với doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, nhà ở, đảm bảo việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo và các thiết chế văn hoá phục vụ công nhân lao động. 

Hai là, tuyên truyền, giáo dục công nhân, viên chức, lao động góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Làm cho đội ngũ cán bộ đoàn viên công đoàn các cấp và công nhân, viên chức, lao động nhận thức đúng đắn về những cơ hội, khó khăn, thách thức trong điều kiện hiện nay, nâng cao hiểu biết về mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích cá nhân, doanh nghiệp, xã hội và nhận rõ những tác động tiêu cực, những thách thức đối với việc làm, đời sống của bản thân mỗi người lao động trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác.

Ba là, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động,trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”. Phát triển và nâng cao chất lượng các phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, “Xanh- sạch- đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”;… theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để đề ra các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức chỉ đạo thi đua cho cụ thể, phù hợp, chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến và tăng cường các yếu tố tạo động lực cho phong trào thi đua.

Bốn là, tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển tổ chức, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động trong các thành phần kinh tế gia nhập tổ chức công đoàn, gắn với việc củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các công đoàn cơ sở đã có, trọng tâm là ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Gắn công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở với việc đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động theo hướng sát cơ sở, sát đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.

Bằng nhiều biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường.

Năm là, đẩy mạnh công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động. Tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt và triển khai sâu rộng Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị trong công nhân, viên chức, lao động về công tác phụ nữ, Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ, góp phần nâng cao nhận thức vì sự tiến bộ của lao động nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia dinh dưỡng, Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số- Kế hoạch hoá gia đình, công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho nữ công nhân, viên chức, lao động, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội.

Sáu là, thực hiện tốt công tác thu- chi, quản lý kinh phí Công đoàn theo đúng quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn; sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, sinh hoạt văn hoá, thi đua khen thưởng, phúc lợi xã hội và các hoạt động khác của công nhân, viên chức, lao động, kể cả việc trả lương hoặc phụ cấp lương cho cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp; ưu tiên kinh phí cho công tác phát triển đoàn viên, hoạt động bảo vệ công nhân, viên chức, lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.