Hoạt động công tác xã hội và hoạt động công đoàn có điểm tương đồng là hướng tới việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, bảo đảm quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của người dân. Cùng có cấu trúc cơ bản trong tiến trình hoạt động là: Nhận diện điều gì thực tế đang diễn ra? Phân tích tại sao vấn đề đó xảy ra? Nguyên nhân, điều gì dẫn đến vấn đề này? Lập kế hoạch hành động- chúng ta có thể làm được những gì? Hoạt động công tác xã hội để giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội nhằm tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao năng lực ứng phó và giải quyết vấn đề; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là những nhóm người yếu thế trong xã hội; tạo sự biến đổi xã hội theo hướng tích cực, tốt đẹp, nhân văn.
Hoạt động công đoàn và công tác xã hội là hoạt động tăng cường các mối tương tác hài hoà giữa lao động, doanh nghiệp, gia đình và xã hội, bảo đảm sự thống nhất, bền vững; góp phần tạo sự cân đối giữa phát triển kinh tế và vấn đề an sinh xã hội. Bên cạnh đó hoạt động công tác xã hội còn trợ giúp người dân tiếp cận các nguồn lực xã hội để tự đáp ứng nhu cầu, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước và dần tiếp cận với chuẩn mức quốc tế.
Hoạt động công đoàn và hoạt động công tác xã hội cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội, mục tiêu chính là thực hiện chức năng xã hội. Là cầu nối, gắn kết, là người bạn đồng hành, chỗ dựa tin cậy để thiết lập sự phối hợp tạo sự hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động và việc triển khai chính sách pháp luật trong đời sống thực tiễn. Đồng thời ngăn ngừa, ngăn chặn từ xa, góp phần thúc đẩy, tăng cường chế tài, tạo dựng điều kiện đảm bảo hoạt động, đưa chính sách pháp luật vào đời sống thực sao cho tiễn hiệu quả, thiết thực.
Đối tượng hoạt động của công tác xã hội và tổ chức công đoàn
Đối tượng hoạt động của công tác xã hội: các cá nhân, nhóm, tập thể gặp hoàn cảnh khó khăn, gặp biến cố lớn, nhóm người yếu thế, người già, phụ nữ, trẻ em, người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn; đối tượng hưởng chính sách xã hội, người có công. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số người cần có chính sách xã hội khoảng 25% dân số, trong đó có 7,2 triệu người khuyết tật, 9,2 triệu người cao tuổi; 1,54 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khoảng 5% dân số là hộ nghèo; 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm do thiên tai, bão lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu; hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc màu da cam; trên 1,7 triệu người có công; hơn 781.021 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh….
Đối tượng hoạt động của công đoàn: 9,2 triệu đoàn viên và người lao động thuộc các thành phần kinh tế chưa phải là đoàn viên công đoàn, các đối tượng hưởng chính sách xã hội, người có công, các cá nhân, tập thể gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Hoạt động, vai trò của công tác xã hội
- Phòng ngừa, ngăn chặn từ xa: những vấn đề mới phát sinh để giải quyết các vấn đề xã hội; hỗ trợ, trợ giúp đỡ, góp phần giải quyết các vấn đề đó thông qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội; phục hồi, trợ giúp hoà nhập; phát triển để hỗ trợ cá nhân, nhóm, tập thể gặp khó khăn phát huy được những khả năng vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
- Vận động, huy động nguồn lực: trợ giúp, tìm kiếm nguồn lực cho giải quyết vấn đề như con người, về cơ sở vật chất, về tài chính, kỹ thụật, thông tin, sự ủng hộ về chính sách. Vận động tập thể, cá nhân, tổ chức các hoạt động để hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ các nhóm, đối tượng yếu thế trong xã hội.
- Biện hộ, tư vấn, tham vấn: bảo vệ quyền lợi, cung cấp thông tin tư vấn để giúp tập thể, cá nhân được hưởng những dịch vụ, chính sách, quyền lợi; trợ giúp gia đình và cá nhân tự mình xem xét vấn đề, và tự thay đổi, tự vượt qua khó khăn.
- Kết nối, trợ giúp xây dựng và thực hiện kế hoạch: nắm bắt thông tin, trên cơ sở nhu cầu đã được xác định để kết nối, giới thiệu để người dân tiếp cận với những nguồn lực, chính sách, tài chính. Xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, tiềm năng để giải quyết vấn đề.
- Trợ giúp, chăm lo, tạo sự thay đổi: cung cấp các dịch vụ trợ giúp cho những cá nhân và giải quyết vấn đề, tạo ra sự thay đổi cho cá nhân, giúp họ thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi tiêu cực hướng tới hành động tích cực, tốt đẹp hơn.
- Quản lý hành chính: thực hiện những công việc cần thiết cho việc quản lý các hoạt động, các chương trình, lập kế hoạch và triển khai kế hoạch; xử lý dữ liệu, nghiên cứu, thu thập thông tin và phân tích thông tin trên cơ sở đó tư vấn, tham vấn, khuyến nghị để cá nhân, tập thể, các cơ quan chức năng đưa ra những quyết định đúng đắn.
- Tìm hiểu, khám phá cộng đồng: đi vào cộng đồng để xác định vấn đề, căn nguyên, bản chất vận động, biến đổi và phát triển của cộng đồng để đưa ra những kế hoạch trợ giúp, theo dõi, giới thiệu chuyển giao những dịch vụ cần thiết.
Hoạt động, chức năng của tổ chức công đoàn
- Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động: hướng dẫn, tư vấn cho người lao động, đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể; tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật đối với người lao động; đối thoại đột xuất, định kỳ; tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật; tham gia giải quyết tranh chấp lao động; kiến nghị xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng người lao động bị xâm phạm; đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa; tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
- Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội: tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; phối hợp nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, an toàn vệ sinh lao động; tham gia quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phối hợp tổ chức phong trào thi đua; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động, việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
- Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động: tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn, người lao động; quy định của tổ chức công đoàn; tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Phương pháp, cách thức hoạt động công tác xã hội và hoạt động công đoàn
- Hoạt động có tính hệ thống, chuyên nghiệp, có các giá trị, lý thuyết và kỹ năng thực hành, mang tính khoa học, nghệ thuật, chuyên môn và có tính toàn cầu.
- Hoạt động có lịch sử, có tổ chức, lãnh đạo, bộ máy, cơ chế, tài chính, điều kiện hoạt động; phương pháp vận động, thuyết phục, giúp đỡ, hỗ trợ là chủ yếu.
- Hướng dẫn, phát huy tiềm năng của đối tượng, tiếp cận chủ yếu theo hướng đưa cho cần câu thay vì cho cá, giúp người để người tự giúp.
Mục tiêu cốt lõi của hoạt động công tác xã hội và hoạt động công đoàn
- Phòng ngừa, ngăn chặn các vấn đề tiêu cực, các mối nguy hại, các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ; góp phần hoàn thiện thiết chế, chế tài, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của chính sách pháp luật.
- Tạo lập môi trường thuận lợi để người lao động, người dân tiếp cận chính sách, triển khai thực hiện đầy đủ, bền vững; duy trì, thiết lập sự phối hợp, kết nối; tạo sự tương tác, hướng tới sự an toàn của các thành viên trong xã hội.
- Tạo mọi cơ hội, cân đối, san sẻ nguồn lực, trách nhiệm; góp phần nâng cao chất lượng chính sách. Tiếp cận theo quan điểm coi trợ giúp, hỗ trợ sang bảo đảm thực hiện quyền con người; triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, toàn diện, bao phủ rộng rãi.
Kim Sơn (tổng hợp)