Là công đoàn ngành tập hợp nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCT VN) hiện đang có quan hệ hợp tác với gần 30 công đoàn ngành và tổ chức quốc tế trên thế giới. Nhiều mối quan hệ truyền thống được kế thừa từ các công đoàn ngành cũ như quan hệ với các công đoàn của CHLB Đức, của CGT (Pháp), với các công đoàn ngành của Nhật Bản, Australia, Singapore, Lào… với các tổ chức quốc tế như APHEDA, FES. Từ tháng 5/2009, CĐCT VN là thành thành viên chính thức của Công đoàn Kim khí Quốc tế (IMF), nay là Công đoàn Công nghiệp Toàn cầu (IndustriALL) một tổ chức đại diện cho 50 triệu lao động tại 140 quốc gia trên thế giới.
Hoạt động đối ngoại của CĐCT VN được đánh có giá hiệu quả, bài bản và mang tính chuyên nghiệp cao. Những kết quả của hoạt động đối ngoại đã góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với người lao động và nhân dân các nước, tranh thủ sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của các công đoàn ngành và tổ chức quốc tế, tăng cường hiểu biết và nâng cao uy tín của Công đoàn Việt Nam nói chung và CĐCT VN nói riêng. Đánh giá về hoạt động đối ngoại của CĐCT VN thể hiện ở các nội dung sau:
Kết quả đạt được qua hoạt động đối ngoại
Hoạt động đối ngoại của CĐCT VN đã góp phần giới thiệu về đất nước, con người và tổ chức Công đoàn Việt Nam với bạn bè, nhân dân thế giới, qua đó để nhân dân các nước biết và hiểu đúng về Việt Nam, nhất là trong giai đoạn chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự phát triển chung của hoạt động Đối ngoại Nhân dân theo định hướng của Đảng. Qua đó, mở rộng mối quan hệ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động công đoàn với các công đoàn ngành nghề các nước. Chỉ tính trong nhiệm kỳ 2008-2013, CĐCT VN đã tổ chức 47 đoàn ra (120 lượt cán bộ), đón 73 đoàn vào (606 khách quốc tế), đăng cai tổ chức 64 hội nghị, hội thảo quốc tế; cử 116 lượt cán bộ tham dự 37 hội nghị, hội thảo ngoài nước, 1.909 cán bộ tham dự 27 hội nghị, hội thảo, tập huấn trong nước. Tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ thông qua các dự án, chương trình, lớp tập huấn của các công đoàn ngành: Kim khí Đức (IG Metall), Mỏ Hóa chất Năng lượng Đức (IG BCE), Kim khí Bỉ, Giấy và In ấn Pháp (FINPAC), Dịch vụ và Khách sạn Nhật Bản (JSD), Kim khí quốc tế IMF… các tổ chức phi Chính phủ như: Tổ chức Viện trợ Hải ngoại Úc (APHEDA), Viện Friedrich Ebert (FES) Đức.
Qua các chuyến thăm làm việc, trao đổi kinh nghiệm, qua các khóa, lớp tập huấn với chuyên gia nước ngoài, cán bộ công đoàn hiểu biết về mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn các nước, được giao lưu, học hỏi về giao tiếp, kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể, toàn cầu hóa và vai trò của công đoàn; về phương pháp đào tạo, an toàn-vệ sinh lao động, công tác nữ công, tài chính, tuyên truyền kết nạp đoàn viên… Phối hợp tổ chức các khóa học cho cán bộ chuyên môn và công đoàn nhằm nâng cao chức năng tham gia quản lý của Công đoàn như: Chương trình “Quản lý Chuyển đổi trong Doanh nghiệp Công nghiệp Việt Nam” cho lãnh đạo doanh nghiệp và chủ tịch CĐCS, chương trình phối hợp với Công đoàn Giấy và In ấn Pháp hỗ trợ “Đào tạo Thạc sỹ và công nhân ngành Giấy tại Pháp”…
Bên cạnh sự giúp đỡ của công đoàn các nước, CĐCTVN đã trao đổi kinh nghiệm và phối hợp với Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đào tạo giảng viên kiêm nhiệm, giúp đỡ và hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, thiết bị giảng dạy cho cán bộ công đoàn Lào. Phát động các đơn vị trong ngành và ủng hộ hai công đoàn ngành tại Nhật Bản khắc phục hậu quả đợt động đất, sóng thần năm 2011.
Một số hạn chế
Việc áp dụng những kinh nghiệm, bài học thực tiễn từ các hội thảo, tập huấn quốc tế vào hoạt động công đoàn của các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Ví dụ: Giảng dạy theo phương pháp tích cực rất hiệu quả với người học nhưng rất khó áp dụng với cơ sở vì điều kiện, thời gian, kinh phí… Một số đơn vị, cá nhân lãnh đạo chưa quan tâm nội dung hoạt động đối ngoại, coi công tác đối ngoại đơn giản chỉ là giao lưu, gặp gỡ hoặc mục đích tận dụng nguồn tài trợ, thậm chí có nơi có lúc cử người tham gia hoạt động đối ngoại như một hình thức để giải quyết chế độ; có nơi lại quan trọng hóa công tác đối ngoại (từ tiếp đón, báo cáo trao đổi kinh nghiệm) trở thành hình thức không đúng với thực tế.
Việc triển khai từng hoạt động cụ thể có lúc còn bị động, công tác chuẩn bị nội dung, sự phối hợp chưa tốt dẫn đến kết quả không cao (ví dụ: cử người tham gia các khóa học, lớp tập huấn không đúng đối tượng). Công tác thông tin đối ngoại và hoạt động nghiên cứu chưa được quan tâm và triển khai thường xuyên. Chất lượng một số chương trình hợp tác chưa sát với thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Vấn đề nhân lực phục vụ công tác đối ngoại vẫn còn nhiều bất cập. Các công đoàn ngành không có bộ máy làm công tác đối ngoại, hầu hết là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không được tập huấn chuyên sâu, năng lực ngoại ngữ hạn chế; thiếu đầu tư cho hoạt động đối ngoại của công đoàn Ngành.
Đề xuất và kiến nghị
Qua thực tế hoạt động đối ngoại của CĐCT VN cho thấy, để thực hiện hiệu quả hoạt động quan hệ quốc tế cần có sự thống nhất trong công tác chỉ đạo thực hiện, cần được đầu tư cho công tác đối ngoại, có sự phối hợp vào cuộc của các cấp công đoàn trong toàn bộ hệ thống. Để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, cần tập trung một số nội dung chủ yếu sau: Trước hết cần xác định công tác đối ngoại là một hoạt động nằm trong tổng thể hoạt động chung của tổ chức công đoàn. Hoạt động đối ngoại xuất phát từ yêu cầu phát triển, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, gắn kết người lao động trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Công tác đối ngoại công đoàn là bộ phận cấu thành quan trọng của đối ngoại nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phục vụ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại. Thông qua quan hệ đối ngoại, chủ động tuyên truyền rộng rãi về tổ chức, hoạt động công đoàn Việt Nam nhằm tăng cường sự đồng tình và ủng hộ của người lao động và công đoàn các nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, ngăn chặn và giảm thiểu những nhận thức lệch lạc về Việt Nam.
Chủ động mở rộng quan hệ với các tổ chức công đoàn cùng ngành nghề theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, đồng thời duy trì phát triển quan hệ sâu rộng với các công đoàn ngành, tổ chức quốc tế ở các nước, các khu vực có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại Việt Nam. Trong nhiệm kỳ vừa qua CĐCT VN đã thiết lập quan hệ với Công đoàn Công nghiệp Balarus, Công đoàn Kim khí Bỉ, Công đoàn Dịch vụ Pháp… Nâng cao chất lượng tham gia hoạt động tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế những vấn đề liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Chính sự tham gia có hiệu quả từ những hoạt động này, CĐCT VN ngày càng được mời tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn do các công đoàn ngành và công đoàn quốc tế khu vực tổ chức.
Chủ động và sử dụng hiệu quả các chương trình phối hợp, nguồn hỗ trợ của công đoàn ngành, tổ chức quốc tế về kiến thức, kinh nghiệm và đào tạo nhân lực. Qua thực hiện các chương trình hợp tác, kinh nghiệm cho thấy nếu tổ chức nghiêm túc, thiết thực, tạo niềm tin của đối tác thì thu được hiệu quả rất tốt. CĐCT VN có nhiều dự án, chương trình kéo dài trong nhiều năm (Chương trình hợp tác về đào tạo với các công đoàn ngành của Đức, chương trình hợp tác về an toàn vệ sinh lao động với Công đoàn và tổ chức APHEDA của Úc, các khóa tập huấn về Thương lượng tập thể, về phát triển đoàn viên với công đoàn cùng ngành nghề Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Singapore…). Các đối tác sau mỗi kỳ hợp tác đã chủ động đề nghị tiếp tục phối hợp thực hiện những chủ đề mới. Ví dụ: Năm 2013 sau khi kết thúc chương trình hợp tác về xây dựng kế hoạch đào tạo, các công đoàn ngành ở Đức và Viện FES (CHLB Đức) đã đề nghị tiếp tục hợp tác trên lĩnh vực trách nhiệm của công đoàn với việc ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động môi trường, Công đoàn Thực phẩm Đồ uống Singapore đề nghị được hỗ trợ các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn về thương lượng tập thể, về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Xây dựng kế hoạch đối ngoại phong phú, đa dạng nhưng phải cụ thể, thiết thực. Hoạt động đối ngoại dù trong một ngành cần phải có sự chỉ đạo thống nhất, có sự phối hợp của các cấp công đoàn. Ở một ngành nhiều nghề, nhiều lĩnh vực như CĐCT VN, ở mỗi chương trình, mỗi hoạt động phải có sự tham gia các công đoàn cấp trên cơ sở, CĐCS cùng ngành nghề. Tổ chức các đoàn ra cần đúng thành phần, lựa chọn cán bộ có trình độ phù hợp tham gia các hoạt động đảm bảo chất lượng và nâng cao vị thế của tổ chức; hạn chế cử cán bộ đi nước ngoài với mục đích giải quyết chế độ. Đặc biệt đoàn ra cần tuân thủ nguyên tắc đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn. Khi chưa có ý kiến của Tổng Liên đoàn không được tự tham gia là thành viên các tổ chức quốc tế, tham gia các hoạt động nhậy cảm về chính trị hoặc phát biểu không đúng đường lối, chính sách của Đảng; tuân thủ đúng lịch trình và thời gian ở nước ngoài đã được phê duyệt. Tiếp đón đoàn vào, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế trên tinh thần tiết kiệm, trọng thị, chu đáo và an toàn tuyệt đối.
Coi trọng việc kiện toàn, củng cố và phát triển bộ máy cán bộ làm công tác đối ngoại, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại. Người làm công tác đối ngoại công đoàn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Công đoàn; có trình độ, thông thạo ngoại ngữ, nhiệt tình, ham học hỏi. CĐCT VN với mạng lưới hoạt động đối ngoại khá nhiều, thời gian vừa qua cùng với việc phân công lãnh đạo phụ trách công tác đối ngoại đã bố trí hai cán bộ làm công tác đối ngoại, tham gia hấu hết các hoạt động đối ngoại trong nước và ngoài nước. Có như vậy nâng cao tính chủ động, tham mưu tích cực cho hoạt động đối ngoại của ngành và Tổng Liên đoàn. Bên cạnh đó, cần phát triển mạng lưới cộng tác viên đối ngoại ở các đơn vị trong ngành, ngoài ngành
Để hoạt động đối ngoại vào nề nếp và góp phần cho hoạt động chung của tổ chức công đoàn, trong nhiệm kỳ 2013-2018 Tổng Liên đoàn LĐVN cần có Nghị quyết về công tác đối ngoại, tăng cường tính chủ động sáng tạo cho các công đoàn ngành, LĐLĐ tỉnh, thành phố trong hoạt động đối ngoại.
Nguyễn Xuân Thái