Từ năm 1957, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, được sự giáo dục và rèn luyện của Đảng, giai cấp công nhân bắt đầu phát huy vai trò lãnh đạo của mình trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta.
Trong hoàn cảnh và điều kiện mới đó của đất nước, sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho đã đòi hỏi mỗi công nhân viên chức một sự giác ngộ sâu sắc về vai trò tiên phong của mình, một ý thức đấy đủ về nhiệm vụ của mình trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong khi đó, thoát thai từ một nước lạc hậu về kinh tế lại bị chiến tranh xâm lược của Pháp và Mỹ tàn phá suốt gần một thế kỷ, giai cấp công nhân Việt Nam chưa có một sự hiểu biết nhất định về khoa học kỹ thuật, chưa có một trình độ văn hóa cao, việc quản lý nền sản xuất lớn để tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài chưa quen, chưa có kinh nghiệm, ý thức dân chủ cơ sở còn yếu kém, phong trào thi đua yêu nước chưa tác động nhiều tới năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, hiệu suất công tác…Mọi thứ đều phải được bắt đầu. Do đó, Bác Hồ khi tới nói chuyện ở trường Cán bộ Công đoàn ngày 19/1/1957 đã nêu bật 6 Điều cơ bản nhưng rất sâu sắc và thiết thực như sau :
1- Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được. Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc. Bởi thế, Công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân hiểu : công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân.
2- Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng.
Công nhân phải hiểu tương lai của công nhân là tương lai của xí nghiệp phải dính liền. Xí nghiệp có phái triển, tương lai của công nhân mới tiến lên. Công nhân phải hiểu lao động là vẻ vang. Bất cứ nghề gì, có ích cho nước nhà, cho nhân dân, cho giai cấp đều là vẻ vang. Bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch đều phải lao động cả, làm gì ích nước lợi dân là vẻ vang. Thi đua là phải làm cho tốt. Làm xấu mau hỏng, dùng không bền. Lại phải nhiều mới đủ dùng. Phải làm nhanh và phải làm rẻ, không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu v.v…Phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Hiện nay có hai khẩu hiệu : Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Hai điều đó phải đi đôi, thiếu một là không được. Đảng, Nhà nước, Công đoàn phải luôn chú ý cải thiện đời sống cho công nhân nhưng phải dần dần, mỗi mùa một ít, mỗi năm một ít. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.
3- Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học.
Như hồi xưa ta cho sét là ông thiên lôi, mưa là rồng phun nước, ốm là do ma làm. Như thế là phản khoa học. Nay ta hiểu khác, hiểu nguyên nhân rõ ràng. Con mắt ta nhìn xã hội cũng phải khoa học. Các tôn giáo theo duy tâm, còn giai cấp công nhân phải duy vật.
4- Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này phải đoàn kết với nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Ta kháng chiến thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta xây dựng nền hòa bình thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta đoàn kết nội bộ công nhân đồng thời củng cố sự liên minh của công nhân và nông dân là hai gai cấp lớn nhất, mạnh nhất.
5- Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân hiều rõ tình hình trong nước và ngoài nước.
Ví dụ có người hỏi củng cố miền Bắc là thế nào ? Tranh thủ miền Nam là thế nào ? Tại sao phải làm như vậy mới thống nhất được nước nhà ? Phải giải thích cho họ hiểu. Nếu không họ sẽ hoang mang. Do được hiểu tình hình mà nâng cao tinh thần yêu nước của công nhân.
6- Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân.
Lãnh đạo phải cụ thể, không quan liêu. Phải dân chủ bàn bạc với anh em công nhân. Phải kiểm tra. Làm mà không kiểm tra thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sửa chữa.
Ngoài 6 điều dạy trên ra, khi tới nói chuyện tại hội nghị cán bộ công đoàn ngày 14/3/1959, Bác Hồ nói tóm tắt về nhiệm vụ công đoàn và cán bộ công đoàn liên quan tới việc quản lý xí nghiệp và tổ chức sản xuất, cải thiện đời sống công nhân. Bác đã nói về xây dựng chủ nghĩa xã hội như sau:
"Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) phải có người xã hội chủ nghĩa (XHCN). Công nhân phải thành người XHCN, cán bộ công đoàn trước hết phải là người XHCN. Muốn thành người XHCN phải có tư tưởng XHCN, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước. Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ. Phải có lề lối làm việc XHCN tức là siêng năng, khẩn trương, khiêm tốn, luôn luôn cố gắng tiến bộ, làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho, phải đầy mạnh tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước…”
Ngày nay, nước nhà đã thống nhất và đang trên đường hội nhập thế giới, tiến hành đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước phát triển nền kinh tế tri thức trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN có nhiều thành phần. Giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vẫn tồn tại phát triển trong các xí nghiệp nhà nước và tư nhân tuy có khác nhau về người làm chủ nhưng đòi hỏi công nhân phải được trả lương theo năng suất, tay nghề và tính chất công việc, hưởng đầy đủ quyền lợi theo Luật lao động, chính sách chế độ của Nhà nước và công đoàn thực hiện Luật công đoàn dưới sự lãnh đao của Đảng vẫn có vai trò và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ công nhân tiến bộ theo định hướng XHCN ở thời kỳ quá độ theo đường lối của Đảng và chủ trương, chính sách của Nhà nước pháp quyền.
Những điều Bác Hồ dạy đối với công nhân và công đòan trong thời kỳ chưa thống nhất nước nhà vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay trên tinh thần lồng ghép với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.