banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Người phụ nữ say mê nghiên cứu khoa học
Cập nhật lúc 09:49 ngày 05/09/2016

“Luôn sống, làm việc và cống hiến bằng tất cả đam mê” chính là phương châm của nhà khoa học, PGS-TS. Vũ Thị Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu (Bộ Công Thương).


PGS-TS. Vũ Thị Thu Hà tại phòng thí nghiệm

Là một nhà khoa học đã khó, là một nhà khoa học nữ lại càng khó hơn khi vừa phải chu toàn việc gia đình vừa thực hiện công tác nghiên cứu. Vậy mà PGS-TS. Vũ Thị Hà lại đang làm rất tốt trọng trách ấy với nhiều công trình thí nghiệm làm lợi hàng tỷ đồng cho ngành Công nghiệp hóa chất Việt Nam.

Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, PGS-TS. Vũ Thị Thu Hà đã là một trong những bóng hồng hiếm hoi của ngành Công nghệ Hữu cơ Hóa dầu (Đại học Bách khoa Hà Nội) - ngành vốn đầy tính “nam” - nhưng chị đã dành được không ít thành tích học tập xuất sắc. Tốt nghiệp ra trường năm 1992, chị vào công tác tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, tiếp tục công tác học tập và nghiên cứu. Năm 1996, chị du học tại Pháp với suất học bổng của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và trong ba năm (1996-1999), chị đã xuất sắc hoàn thành cả luận án thạc sỹ và tiến sỹ.

Trở về nước, nhận thấy khoảng cách khá lớn giữa điều kiện nghiên cứu cũng như những khó khăn nhất định trong việc tìm hướng nghiên cứu, nguồn tài trợ nghiên cứu, PGS-TS. Vũ Thị Hà quyết định quay trở lại Pháp thực tập sau tiến sỹ vào năm 2001. Dù có được nhiều cơ hội tại nước ngoài nhưng chị đã chọn trở về, tiếp tục hành trình nghiên cứu trên mảnh đất quê hương, tạo ra những sáng kiến có giá trị, giúp đỡ đất nước. Từ đó, hàng chục những công trình khoa học, những đề tài cấp tập đoàn, bộ và nhà nước về công nghệ xúc tác ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường đã được chị cho ra đời như: Sản xuất nhiên liệu sinh học biodiesel, sorbitol, vật liệu xúc tác dị thể cấu trúc nano…

Năm 2015, chị đã hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm dung môi sinh học quy mô pilot công suất 180 tấn/năm. Dự án đã được sản xuất thử nghiệm cấp bộ, nghiệm thu cấp bộ vào ngày 14/4/2016 và đạt được kết quả xuất sắc.

Công nghệ sản xuất dung môi sinh học là công nghệ mới có nguồn gốc thực vật an toàn, thân thiện với môi trường, công suất lớn, vận hành ổn định. Hiện tại, dự án đã thương mại hóa được 41 tấn sản phẩm, mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, khi triển khai ở quy mô công nghiệp, công nghệ này sẽ tạo ra những dòng sản phẩm mới, phục vụ cho sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước; đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và đóng góp vào nguồn thuế của hà nước. Cũng chính nhờ sản phẩm này mà PGS-TS. Vũ Thị Thu Hà đã được trao tặng Giải thưởng Lao động sáng tạo ngành Công Thương trong năm 2016. Trước đó, PGS-TS. Vũ Thị Thu Hà cũng đã được tặng nhiều bằng khen và giải thưởng của các bộ, ban, ngành như: Huân chương lao động hạng Ba, Bằng khen của Công đoàn Công Thương Việt Nam, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam cho tập thể nữ có thành tích xuất sắc của Hội đồng Quản lý Quỹ Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Bằng khen Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 2015), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Công Thương (năm 2014)…

Có được những thành quả trên, PGS-TS. Vũ Thị Hà cho rằng, đó không chỉ là công sức của một mình chị mà của cả một tập thể đã cùng chung vai, sát cánh hỗ trợ trong công tác nghiên cứu, sáng tạo ra những ứng dụng có giá trị lâu dài trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng, cũng như đời sống xã hội nói chung.

Không chỉ được biết đến là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam đi sâu nghiên cứu công nghệ xúc tác ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, PGS-TS. Vũ Thị Thu Hà còn là một trong số ít nhà khoa học nữ được nhận giải thưởng danh giá Kovalevskaia năm 2011.

Thu Hà (Nguồn Báo Công Thương)