Hiện nay, việc các công đoàn cơ sở ngày càng tích cực, chủ động nêu yêu cầu với người sử dụng lao động để thương lượng, ký kết và sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT đã trở thành việc làm phổ biến. Nhiều bản thoả ước với nội dung có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của Luật cho người lao động, phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp, tập trung vào những vấn đề cơ bản như: Tiền lương, chế độ phúc lợi, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, sinh nhật đoàn viên, thăm quan nghỉ mát… Tuy nhiên, việc thương lượng ký kết thoả ước lao động tập thể trong thời gian qua cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập, nhất là kỹ năng thương lượng của cán bộ công đoàn, cách thức, phương pháp sử dụng các công cụ đối thoại và tập hợp ý kiến của người lao động để tham gia xây dựng thoả ước lao động tập thể.
Công đoàn cấp trên cơ sở đã chủ động trong việc đôn đốc, chỉ đạo CĐCS thương lượng, ký kết TƯLĐTT; tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng triển khai cho BCH CĐCS, nhưng mới dừng lại ở việc chỉ đạo, đôn đốc, chưa có biện pháp giúp đỡ thiết thực, chưa giúp CĐCS trong việc đưa ra yêu cầu nội dung thương lượng, đối thoại, nhất là hỗ trợ trong quá trình đàm phán thương lượng.
Đối với công đoàn cơ sở, vẫn còn nhiều cán bộ công đoàn hạn chế về năng lực, kỹ năng đàm phán thương lượng, chưa tương xứng với năng lực của người sử dụng lao động, chưa chủ động đưa ra nội dung để thương lượng, ký kết TƯLĐTT và đối thoại tại nơi làm việc. Nhiều CĐCS không báo cáo kịp thời lên Công đoàn cấp trên để được hỗ trợ kịp thời.
Về phía người sử dụng lao động, nhiều nơi còn coi nhẹ bản TƯLĐTT không phối hợp với CĐCS để xây dựng bản thỏa ước có chất lượng, gần như chỉ sao chép lại Bộ Luật Lao động và nội quy lao động…
Để ký kết TƯLĐTT có chất lượng, CĐ cần giúp DN và NLĐ cùng nhìn về một hướng |
Một số kinh nghiệm các tại các cuộc hội thảo về TƯLĐTT cho thấy: Muốn tổ chức tốt việc đối thoại, ký kết TƯLĐTT thì người cán bộ công đoàn phải tận tâm tham gia vào các công việc cụ thể giúp doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) cùng nhìn về một hướng.
Khi CĐCS tập hợp được ý kiến NLĐ qua các kỳ họp phải phản ánh ngay với doanh nghiệp, trên cơ sở đó DN mới biết, hỗ trợ, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động và xây dựng TƯLĐTT. Trong các cuộc họp với chuyên môn, công đoàn phải truyền tải thông tin của NLĐ tới người sử dụng lao động và phải biết nắm lấy thời cơ thuận lợi đưa những điều thỏa thuận có lợi cho NLĐ vào nội dung đối thoại. Để ký kết bản TƯLĐTT có chất lượng, cần sự vào cuộc đồng bộ các cơ quan quản lý Nhà nước; sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng để tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình xây dựng, thương lượng, đàm phán và ký kết TƯLĐTT.
Cán bộ Công đoàn cơ sở phải tạo được mối quan hệ tốt, thân thiện với người sử dụng lao động. CĐCS cần nắm được khó khăn, thấu hiểu được hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tâm lý người lao động, Thương lượng ký kết TƯLĐTT với doanh nghiệp trên cơ sở tinh thần chia sẻ và không gây áp lực cho doanh nghiệp. Công đoàn cũng không nên “ép” DN làm quá nhanh, tránh đẩy DN vào chỗ ký TƯLĐTT chỉ là hình thức vì: Nội dung TƯLĐTT cần phải cụ thể, “mổ xẻ” càng chi tiết, càng có lợi hơn cho người lao động, hai bên không có sự chia sẻ thì không mang lại kết quả.
Hiện nay, khoảng 60% các bản TƯLĐTT trong ngành Công Thương có những khoản thoả thuận có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động; khoảng 30% các bản TƯLĐTT gồm ít khoản có lợi cho người lao động; còn lại 10% bản TƯLĐTT sao chép luật.
Những bản TƯLĐTT đưa những điểm có lợi cho người lao động như đã thỏa thuận về nâng cao chất lượng bữa giữa ca, nâng lương, thêm tháng lương thứ 13, thưởng Tết, trợ cấp đi lại, nhà ở, đào tạo tay nghề, trợ cấp khó khăn, rủi ro, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ, lễ tết, mừng sinh nhật, tổ chức thăm quan nghỉ mát, xây dựng những công trình phúc lợi, mua bảo hiểm lao động cho người lao động, thực hiện tốt chính sách đối với lao động nữ… Bên cạnh đó, nhiều bản TƯLĐTT sao chép lại nội dung các điểu khoản đã được của Bộ luật lao động quy định như: Những ngày nghỉ lễ trong năm, chế độ nghỉ phép năm, thời giờ làm việc, thời gian chấm dứt hợp đồng lao động… không có gì khác so với Bộ Luật Lao động đã quy định. Nhưng vẫn đưa vào làm cho bản TƯLĐTT lên tới hàng chục trang giấy. Để tìm ra những điểm có lợi cho người lao động trong những bản TƯLĐTT này là rất ít. Có khá nhiều doanh nghiệp trong thực tế đã thực hiện các quy định có lợi cho người lao động so với pháp luật lao động nhưng không đưa vào TƯĐTT nhằm tránh sự ràng buộc của pháp luật. Đây là một thực trạng khiến cho chất lượng TƯLĐTT chưa được như mong đợi.
Bộ luật Lao động năm 2012 đã có quy định mới, xác định rõ nội dung thương lượng. Một hoặc một số nội dung Thương lượng để các bên đi đến ký kết TƯLĐTT gồm:
1. Tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp và nâng lương;
2. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ nghơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;
3. Bảo đảm việc làm đối với người lao động;
4. Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;
5. Nội dung khác mà hai bên quan tâm,v.v…
Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định rõ: Nội dung TƯLĐTT không được trái với các quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật”. Đây là điểm mới được quy đinh trong Bộ luật Lao động, điều này sẽ tránh tình trạng “bệnh hình thức” của TƯLĐTT.
Trong thời gian tới, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đi vào cuộc sống cùng với các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước về TƯLĐTT kịp thời, chúng ta hy vọng những bản TƯLĐTT của các công đoàn cơ sở sẽ thực sự chất lượng và thành công như mong đợi.
Lê Tâm