banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Nữ công nhân khu công nghiệp: “Vắt sức” ở công ty, mệt mỏi về xóm trọ
Cập nhật lúc 08:19 ngày 17/07/2016

Hằng ngày phải lao động vất vả bởi gánh nặng về cơm áo, gạo tiền và thiếu thốn tình cảm của gia đình là hoàn cảnh chung của hàng triệu nữ công nhân (CN) trẻ xa quê, đang sống và làm việc ở các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất trong cả nước.

 

Áp lực công việc

Xóm trọ thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) những ngày giữa tuần vắng tanh. Đa số phòng trọ đều khóa vì CN đi làm hết. Tình cờ, chúng tôi gặp Nguyễn Thanh Nga (sinh năm 1990, quê Tuyên Quang) là CN làm việc tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) 5 năm nay, vừa đi phỏng vấn xin việc về. Nơi Nga đang sống cùng hai người bạn nữa là phòng trọ rộng chỉ khoảng 10m2, được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp nhưng chỉ đủ kê nột cái giường, cái tủ quần áo, một cái bếp gas. Nga chia sẻ: “Tôi làm việc ở Cty Panasonic đã 4 năm rồi, hiện mới nghỉ việc và tôi vừa đi phỏng vấn tuyển dụng tại Cty TNHH linh kiện điện tử Sei về”. Tâm sự về công việc, Nga cho biết: “Tôi ký hợp đồng tại Panasonic 5 năm nhưng được 4 năm thì tôi xin nghỉ vì áp lực công việc và mệt mỏi. Vì thời gian gần đây, Cty “ép” CN phải tăng số lượng sản phẩm, gây áp lực trong công việc, khiến tôi không trụ được mà xin nghỉ!”.

Chị Bình ở cùng phòng với Nga cho biết: “Khó khăn nhất cho nữ CN là liên tục phải chịu áp lực công việc và gò bó về thời gian. Công việc chủ yếu của chúng tôi là lắp rắp các linh kiện điện tử, làm theo dây chuyền, người này phụ thuộc người kia. Nếu tôi đứng đầu chuyền, làm nhanh, số lượng cao thì bị đồng nghiệp làm cùng mắng, vì những người cuối chuyền họ “chạy” không kịp. Nếu số lượng sản phẩm thấp thì bị quản lý mắng. Mệt mỏi và sợ lắm!”. “Mặc dù nghề gì cũng có cái khó, cái khổ riêng, nhưng làm CN là khổ nhất vì người CN không tự bảo vệ được quyền lợi của mình. Chỉ biết làm và làm thôi. Thỉnh thoảng chị em cùng phòng động viên nhau vì cuộc sống mưu sinh mà cố gắng, bởi ở ngoài xã hội còn nhiều hoàn cảnh khổ hơn mình, bởi mình có được việc làm là may mắn rồi” - Nga nói thêm vào.

Còn chị Đoàn Hải Triều (21 tuổi, quê Nam Định) đang làm việc tại Cty TNHH may mặc dệt kim Smartshirt (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) than thở: “Cty tăng ca nhiều, có hôm chúng tôi tận 22h đêm mới được về phòng trọ. Mệt mỏi lắm bởi gần nguyên một ngày “cắm” mặt vào bàn máy may, chỉ một thời gian nữa chắc tôi gục. Tôi nghĩ mình phải tìm một công việc mới phù hợp với thời gian, sức khỏe của mình hơn”.

Buồn tẻ nơi xóm trọ

Kể về đời sống tại phòng trọ sau những giờ làm việc, hầu hết nữ CN đang làm việc tại các KCN đều cho rằng: Sau giờ làm việc căng thẳng ở Cty, về khu trọ, họ có rất ít thời gian giải trí, giao lưu, bởi họ dành thời gian để… ngủ! “Thời gian ở phòng trọ, chúng tôi dành cho việc… ngủ. Nếu làm 8 tiếng còn có thời gian ăn, ngủ đầy đủ và đi chơi, kết bạn. Tuy nhiên, làm tăng ca 12 tiếng/ngày, đến khi về phòng chỉ lăn lên cái giường để ngủ thôi, chẳng thiết làm gì. Cuộc sống của chúng tôi như cái vòng luẩn quẩn, đi làm, ăn, ngủ. Nhiều lúc nghĩ, cuộc sống thế này thì tẻ nhạt quá. Ngay cả những lúc áp lực công việc đè nặng cũng chỉ biết khóc một mình, không dám gọi điện về cho gia đình, sợ bố mẹ lo” - Nguyễn Thanh Nga tâm sự.

Giống như hoàn cảnh của Nga, chị Nguyễn Thị Hiền (CN Cty TNHH Hoa Thắng, KCN An Xá, Nam Định) chia sẻ: “Tôi năm nay đã 30 rồi, ngày nào cũng như nhau, hết làm Cty thì về nhà ăn, ngủ. Nhiều lúc nghĩ, cũng phát chán với cái lịch trình đó. Nên hiện nay chỉ mong lấy được chồng. Chứ một mình lủi thủi, tủi thân lắm”.

Chuyện tình cảm là điều mà các nữ CN ít “đụng chạm” tới bởi họ cũng muốn được yêu lắm, nhưng không có thời gian mà tìm hiểu nhau nên ai yêu và yêu ai (!?) dẫn tới gái “ế” và trai “ế” ở các khu trọ rất nhiều. Tuy nhiên, đều cùng là CN xa quê nên tình cảm của anh chị em xóm trọ dành cho nhau hết sức chân thành. Họ luôn quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi khó khăn. Một người ốm đau cả xóm kéo đến hỏi thăm, bữa ăn thiếu chút nước mắm, mì chính, chỉ cần tạt qua nhà nhau là có - đó là những động lực giúp CN sống xa nhà an tâm hơn, vui vẻ hơn để tiếp tục làm việc.

Nguồn Báo Lao động